Nhận diện dấu hiệu tái cấu trúc doanh nghiệp trong bối cảnh FTAs

Date: - View: 1557 - By:

TS HUỲNH THANH ĐIỀN - (Bài viết được tóm tắt từ nghiên cứu của tác giả Huỳnh Thanh Điền đăng toàn văn trên tạp chí Công nghệ Ngân hàng, số 139, tháng 10/2017)

Giai đoạn mới toàn cầu hóa với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) làm biến đổi môi trường kinh doanh và chuỗi hoạt động các ngành kinh tế trên phạm vi toàn thế giới mang đến nhiều rủi ro cho doanh nghiệp, đòi hỏi chúng phải tái cơ cấu (TCC) để chuyển các thách thức thành cơ hội. 

Dấu hiệu của TCT được xác định khi doanh nghiệp nhận thấy cấu trúc hiện hữu không còn phù hợp để tận dụng cơ hội và tránh né thách thức từ môi trường kinh doanh đang có xu hướng xấu đi. Do vậy, bước đầu tiên để xác định dấu hiệu cần TCC là phân tích sự tương thích giữa cấu trúc nội tại của doanh nghiệp với môi trường kinh doanh. Nhưng có nhiều yếu tố thuộc về môi trường kinh doanh, cũng như nhiều yếu tố thuộc về cấu trúc nội tại nên rất khó nhận thấy được sự tương thích giữa chúng. Do đó, cần xác định các biểu dấu hiệu qua những chỉ số dễ. 

Phần lớn các tín hiệu tốt/xấu về doanh nghiệp được biểu hiện qua thái độ và hành vi của khách hàng phản ứng với doanh nghiệp. Các dấu hiệu dễ thấy là đơn hàng giảm sút, tần suất đặt hàng trên mỗi khách hàng giảm, khách hàng tìm đối tác khác, sự phàn nàn về chất lượng sản phẩm, dịch vụ khách hàng tăng. Nguyên nhân của cấu trúc không phù hợp có thể là do sản phẩm, công nghệ, các quy trình sản xuất, công tác kiểm tra chất lượng, hệ thống phân phối, dịch vụ chăm sóc khách hàng, trình độ nhân lực, thậm chí là cơ cấu tổ chức bắt đầu biểu hiện những hạn chế.

Xác định chính xác vấn đền cần TCC là việc rất quan trọng để doanh nghiệp xác định mục tiêu và phát triển các phương án TCC. Vì vậy, điều cần làm của doanh nghiệp sau khi xác định dấu hiệu cần TCC là phải tiến hành khảo sát chi tiết để nhận diện cho đúng khâu nào không tương thích hoặc tất cả các khâu đều không tương thích. 

Mục tiêu TCT là nhằm tận dụng cơ hội và trách né thách thức từ môi trường kinh doanh. Hội nhập có tác động làm thay đổi môi trường kinh doanh thúc đẩy sự di chuyển tự do hàng hóa, vốn (trực tiếp, gián tiếp), lao động và thể chế chính sách. Khi thực thi các cam kết của FTAs thế hệ mới sẽ dẫn đến môi trường kinh doanh có những thay đổi đáng chú ý như: (i) thay đổi môi trường vĩ mô biểu hiện qua việc chính phủ các nước điều chỉnh các luật lệ, chính sách theo cam kết của FTAs nhằm tạo ra sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp nội địa và FDI, nên sẽ không thể áp dụng các chính sách hỗ trợ chỉ dành riêng cho doanh nghiệp nội địa về tài chính, mua sắm công hoặc áp đặt các điều kiện với FDI hoặc các nhà cung cấp dịch vụ bên ngoài; (ii) thay đổi môi trường vi mô thể hiện qua các cơ hội tiếp cận khách hàng xuất khẩu tăng nhưng cạnh tranh trên thị trường quốc tế và nội địa cũng rất cao; chuỗi cung ứng sẽ có sự thay đổi do cam kết về quy tắc xuất xứ theo hướng các doanh nghiệp sản xuất phụ trợ tìm cách di chuyển nhà máy đến các nước trong khối liên kết, các yếu tố đầu vào sẽ tiết kiệm hơn; sự đe dọa từ sản phẩm tiềm ẩn, cạnh tranh về lao động gay gắt hơn; (iii) xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản trị, điều hành sản xuất nhanh hơn tạo nhiều hơn những phương thức kinh doanh mới, nhất là các hình thức kinh doanh có sử dụng phương tiện CNTT.

Tuy nhiên, hạn chế chung của doanh nghiệp là năng lực cạnh tranh kém: chi phí cao (chi phí ẩn, chi phí chìm, giảm thiểu các tổn thất cơ hội), chưa đảm bảo tiến độ giao hàng và thực hiện tốt các cam kết. Nguyên nhân là do hạn chế trong nắm bắt nhu cầu, tiêu chuẩn chất lượng, hiệu quả truyền thông kém (doanh nghiệp nội địa kém hơn FDI); nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập, nhất là yếu về chuyên môn kỹ thuật và trình độ quản lý; hạn chế trong việc áp dụng các phương pháp quản lý chất lượng tiên tiến, cũng như công nghệ lạc hậu, khả năng tiếp thu và thích ứng với công nghệ mới thấp, khả năng nghiên cứu, chế tạo công nghệ mới còn yếu kém.

Mặt khác, doanh nghiệp trong nước gặp sự cạnh tranh với FDI sản xuất phụ trợ do cấu trúc sản xuất phụ trợ trong tương lai sẽ di chuyển vào Việt Nam để được hưởng lợi từ quy tắc xuất xứ của FTAs. Cuối cùng, thách thức lớn nhất là ở khâu phân phối bởi vì các hệ thống bán lẻ nước ngoài đã thâm nhập vào Việt Nam và chiếm thị phần lớn trên thị trường bán lẻ trong những năm gần đây, nếu để mất hệ thống phân phối thì các nhà sản xuất nội địa mất “nơi tiêu thụ”, trong khi các nhà sản xuất nước ngoài dễ dàng đưa hàng hóa của họ vào phân phối nội địa do đã thôn tính được hệ thống bán lẻ.

Bên cạnh những hạn chế chung, từng ngành cũng có những hạn chế đặc thù. Vấn đề của dệt may và giày da là xuất xứ nguồn nguyên liệu và phương thức xuất khẩu gia công chủ yếu; ngành chế biến lương thực, thực phẩm thì thiếu định hướng xuất khẩu, chưa quy hoạch được chuỗi liên kết nguyên liệu - sản xuất - phân phối; ngành hóa cao su bị hạn chế trong việc chưa sản xuất được cao su kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu nội địa cũng như xuất khẩu; ngành cơ khí, điện tử thì chưa đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, cũng như hạn chế trong tiếp cận FDI để liên kết, từng bước học tập và làm chủ công nghệ.

Cách tiếp cận TCC doanh nghiệp tối ưu trong bối cảnh hội nhập là tận dụng cơ hội trong chuỗi liên kết toàn cầu đảm bảo đạt chuẩn chất lượng để thâm nhập hàng hóa, mở rộng hoạt động kinh doanh ra nước ngoài; đồng thời củng cố năng lực phòng vệ trước sự thâm nhập của hàng hóa của doanh nghiệp nước ngoài thông qua liên kết thành chuỗi các công đoạn sản xuất với các doanh nghiệp nội địa và hình thành mạng lưới phân phối. 

Đối với từng công đoạn hoạt động quản trị doanh nghiệp cần lưu ý tái cấu trúc ở những điểm như sau:

- Đối với hoạt động sản xuất: TCT theo hướng hoàn thiện hệ thống quản trị trong các hoạt động sản xuất, đầu tư và phân phối theo hướng “chuỗi và chuẩn”, nghĩa là sản xuất phải đạt tiêu chuẩn chất lượng kỹ thuật để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cụ thể như sau: (i) đặt trọng tâm vào việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến để sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế (kể cả cung ứng nội địa, cũng như xuất khẩu); (ii) chuyên nghiệp hóa trong quản trị sản xuất từ khâu thiết lập quan hệ với các nhà cung ứng đến tạo lập các vùng nguyên liệu, nâng cao trình độ đội ngũ nhân lực thiết kế công nghiệp.

- Đối với hoạt động đầu tư: Định hướng hoạt động đầu tư theo hướng chuyển đổi phương thức kinh doanh từ gia công sang tự chủ về nguyên liệu, thiết kế, định hướng xuất khẩu nhằm đủ điều kiện để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặt trọng tâm vào việc đổi mới dây chuyền công nghệ sản xuất để đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, số lượng, thời gian giao hàng các đơn hàng.

 -Đối với hoạt động phân phối: Chú trọng xây dựng hoặc thiết lập hệ thống phân phối nội địa bền vững để phòng vệ tốt trước sự thâm nhập của hàng hóa nước ngoài; cũng như thiết lập hệ thống phân phối ở thị trường nước ngoài để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất phân phối hàng hóa ra bên ngoài. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tích cực nghiên cứu cơ hội từ hội nhập và chính sách hỗ trợ của nhà nước để tận dụng cơ hội, phát triển năng lực khai thác thị trường, năng động tiếp cận doanh nghiệp sản xuất đầu cuối để định hướng khách hàng phù hợp.

LIÊN KẾT
FANPAGE