Phát huy vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp lớn

Date: - View: 1418 - By:

 

Trong thời gian qua, chiến lược phát triển công nghiệp quốc gia chưa định hình rõ nét vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp (DN) lớn. Do vậy, các cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp thường không rõ địa chỉ trung tâm để triển khai, chưa định hình được mối liên kết giữa DN lớn với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV)… là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự rời rạc, thiếu nền tảng của các ngành công nghiệp; làm chậm tiến trình công nghiệp hóa đất nước.

Vai trò của DN lớn

Kinh nghiệm của các quốc gia công nghiệp hóa thành công đều có vai trò dẫn dắt của các DN lớn. DN lớn luôn giữ vai trò trung tâm trong triển khai chính sách phát triển công nghiệp hóa, là đầu tàu trong phát triển khoa học công nghệ của nhiều ngành công nghiệp. Việc sản xuất kinh doanh của DN lớn luôn tạo ra nhu cầu cho các DNNVV tham gia sản xuất, cung ứng sản phẩm trung gian, dịch vụ hỗ trợ.

Song song với sự dẫn dắt về thị trường, DN lớn cũng giữ vai trò trung tâm trong phát triển công nghệ và trợ giúp vốn, lao động, cơ sở hạ tầng sản xuất đối với DNNVV. DN lớn là chỗ dựa để DNNVV phát triển, khi có nhu cầu về một sản phẩm trung gian hay dịch vụ hỗ trợ, DN lớn có thể tìm đến DNNVV có điều kiện thích hợp để hướng dẫn công nghệ, hỗ trợ hạ tầng sản xuất, thậm chí giúp vốn cho DNNVV thực hiện sản xuất nhằm cung ứng cho họ. 

Khi xuất hiện những thay đổi của môi trường kinh doanh do xu hướng hội nhập mang lại, xuất hiện các cơ hội và thách thức mới. DN lớn cũng đi đầu trong việc tái cấu trúc nhằm nâng cao năng lực thâm nhập kinh doanh ra bên ngoài; lúc đó DN lớn dẫn dắt các DNNVV để tiếp tục thực hiện cung ứng phụ trợ. Ngược lại, để phòng vệ trước sự thâm nhập của hàng hóa, DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thì DN lớn cũng liên kết với các DNNVV.

DN lớn không bao giờ đơn độc trong quá trình phát triển, chính phủ luôn song hành với họ bằng nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện, vì DN lớn mang sứ mệnh phát triển cho một ngành công nghiệp của quốc gia. Trong chính sách phát triển công nghiệp, chính phủ các nước rất quan tâm đến các quyết sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi để DN lớn liên kết với DNNVV tận dụng các cơ hội phát triển. Mọi chương trình, dự án đầu tư trong nước hoặc viện trợ ra nước ngoài đều nhằm mục đích tạo điều kiện cho DN lớn dẫn dắt DNNVV tham gia với luật chơi rõ ràng. Vì vậy, các chính sách phát triển công nghiệp nhanh chóng tạo hiệu ứng trong thực tiễn thông qua phát huy vai trò dẫn dắt của DN lớn.

DN Việt:  cạnh tranh, triệt tiêu nhau

Tồn tại dễ nhìn thấy nhất của nền công nghiệp nước ta là thiếu nền tảng công nghiệp phụ trợ; năng lực cạnh tranh của DN kém cả về quy mô, năng suất lao động, công nghệ, trình độ quản lý và thương hiệu. Các DN hoạt động rời rạc, thiếu sự liên kết để tạo lợi thế theo quy mô lớn. DN lớn trong nước chưa thể hiện vai trò rõ nét trong quá trình công nghiệp hóa ở Việt Nam về dẫn dắt thị trường, công nghệ, vốn, lao động và hạ tầng sản xuất. 

Các DN lớn của Việt Nam cũng chưa đủ khả năng phát triển vệ tinh phụ trợ riêng cho mình. DN lớn vẫn chưa đủ năng lực để lựa chọn DNNVV có đủ điều kiện để chuyển giao công nghệ, hỗ trợ vốn, cơ sở hạ tầng sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Do vậy, mối quan hệ giữa DN lớn với DNNVV trong cùng ngành chẳng những không bổ sung, hỗ trợ cho nhau; mà trái lại còn cạnh tranh, triệt tiêu lẫn nhau. Đây là một nghịch lý của quá trình phát triển công nghiệp ở nước ta.

Trong khi đó, cơ chế chính sách chưa thật sự khuyến khích DN lớn phát triển vệ tinh trong nước. Thay vào đó, các chính sách tập trung khuyến khích xuất khẩu càng tạo điều kiện cho doanh nghiệp FDI thâm nhập sâu hơn vào ngành công nghiệp quốc gia. Điều này thể hiện rất rõ khi đóng góp của doanh nghiệp FDI vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam với tỷ trọng ngày càng tăng, từ 42% năm 2016 đã tăng lên 72% kim ngạch xuất khẩu 2016. Với chính sách đó, đã tạo ra tác động “lấn át” của DN FDI đối với các DN trong nước.

DN FDI của các tập đoàn đa quốc gia ngày càng thâm nhập sâu vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thương mại, phân phối trong nước. Tuy nhiên, hệ thống cung ứng phụ trợ của họ nằm ở nước ngoài, hoặc lôi kéo thêm DN FDI để thực hiện hệ thống cung ứng “kép kín”, các DNNVV trong nước khó có cơ hội để tiếp cận được các FDI. Do vậy, nền tảng công nghiệp phụ trợ nội địa chậm hình thành. Kéo theo hệ lụy là doanh nghiệp FDI cũng không thể “bám rễ” được ở Việt Nam do thiếu nền tảng công nghiệp phụ trợ. DN FDI có thể sẽ di chuyển nhà máy bất cứ lúc nào, nếu chính sách ưu đãi không còn hoặc nhận thấy chính sách ưu đãi ở nơi khác tốt hơn. 

Dưới áp lực “lấn át” của các doanh nghiệp FDI, các DN lớn trong nước có giai đoạn phân tán theo hướng kinh doanh đa ngành, dàn trải dòng vốn đầu tư theo trào lưu, nhất là đầu tư vào thị trường bất động sản, mà không chuyên sâu vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi nên ngày càng mất vai trò dẫn dắt trong nền kinh tế. Rất ít trường hợp DN lớn chủ động lựa chọn DNNVV để thực hiện hỗ trợ hạ tầng sản xuất, hướng dẫn công nghệ sản xuất sản phẩm phụ trợ để bao tiêu sản phẩm.

 

Dây chuyền sản xuất sữa hiện đại của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam

Nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) được ký kết, mở ra nhiều cơ hội để phát triển kinh doanh ra bên ngoài, cũng như nhiều thách thức trước sự thâm nhập của hàng hóa, doanh nghiệp nước ngoài. DNNVV luôn là đối tượng yếu thế trước làn sóng hội nhập. Trên thực tế, DN lớn trong nước chưa đảm nhận được vai trò lãnh đạo DNNVV cùng ngành để thâm nhập vào thị trường thế giới; cũng như chưa tập hợp được DNNVV để đủ sức phòng vệ trước hàng hóa và sự cạnh tranh với DN nước ngoài. 

DN lớn dẫn dắt như thế nào?

Vai trò dẫn dắt chỉ được hình thành khi các DN lớn tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi. Quá trình đó sẽ thúc đẩy DN lớn tích cực nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm phù hợp với nhu cầu, nghiên cứu công nghệ sản xuất, phát triển hệ thống cung ứng đảm bảo tính ổn định nguồn cung ứng đầu vào; khi đó hệ thống cung ứng phụ trợ của các DNNVV tự khắc sẽ hình thành. Quá trình đó cần có sự định hướng, hỗ trợ và tạo điều kiện từ chính sách của chính phủ như sau: 

Trước hết, trong chiến lược phát triển công nghiệp quốc gia giai đoạn 2017 - 2025 (đang dự thảo) cần định hướng rõ vai trò của DN lớn dẫn dắt DNNVV trong từng nhóm ngành công nghiệp ưu tiên trên các khía cạnh dẫn dắt về nhu cầu cung ứng phụ trợ, công nghệ, cơ sở hạ tầng sản xuất... Việc xác định rõ vai trò này nhằm đảm bảo tạo nền tảng vững chắc cho các ngành công nghiệp trong quá trình công nghiệp hóa.

Thứ hai, trên cơ sở xác định vai trò của DN lớn dẫn dắt, cần xây dựng bộ tiêu chí cụ thể để hàng năm đánh giá, bổ sung danh sách các DN giữ vai trò dẫn dắt, để có những chính sách phát triển riêng. Mọi quyết sách liên quan đến phát triển công nghiệp của ngành được thực hiện chủ yếu bởi DN lớn dẫn dắt DNNVV cùng thực hiện. 

Thứ ba, các chính sách thúc đẩy, hỗ trợ DN theo hướng ưu tiên cho các hoạt động có sự liên kết giữa DN lớn với DNNVV chẳng hạn như: DN lớn chuyển giao công nghệ sản xuất phụ trợ cho DNNVV; DN lớn hỗ trợ hạ tầng, trợ giúp vốn, nhân lực tay nghề cao cho DNNVV để sản xuất phụ trợ… 

Thứ tư, cần có những chương trình cụ thể, định hướng các DN lớn áp dụng các thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào sản xuất kinh doanh. Xem DN lớn là trung tâm tiếp cận công nghệ mới để lan tỏa cho các DNNVV vệ tinh. Các hoạt động liên quan đến thuê tư vấn, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu, áp dụng và lan tỏa công nghệ của DN lớn cần có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích cụ thể.

Thứ năm, thúc đẩy hình thành các mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp dẫn dắt với các trường/viện phù hợp với từng ngành trong việc nghiên cứu chuyển giao công nghệ, đào tạo cung ứng nguồn nhân lực. Các sản phẩm sáng tạo từ các hoạt động liên kết này cần được hỗ trợ của chính sách dưới hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp.

Tiến sĩ HUỲNH THANH ĐIỀN
(Thành viên Nhóm Tư vấn đề án Phát triển công nghiệp hỗ trợ TPHCM)

LIÊN KẾT
FANPAGE