Phát triển nguồn nhân lực thích ứng với bối cảnh mới

Date: - View: 1425 - By:

TS HUỲNH THANH ĐIỀN

Xu hướng ứng dụng công nghệ trong các hoạt động cung ứng, sản xuất, kiểm soát chất lượng, marketing, bán hàng, thanh toán,… để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đòi hỏi nguồn nhân lực phải làm chủ công nghệ mới và năng lực tương tác với đối tác quốc tế

Kỹ năng làm việc trong bối cảnh mới

Bối cảnh kinh doanh mới đòi hỏi doanh nghiệp phải tái cấu trúc ở hầu hết các hoạt động, đòi hỏi kỹ năng, thái độ, hành vi của người lao động cũng thay đổi cho phù hợp. Con người của thời đại 4.0 là con người biết sử dụng công nghệ không chỉ trong sản xuất mà còn trong giao tiếp, giao dịch, thanh toán và thực hiện các thủ tục hành chính.

Doanh nghiệp cần lao đông với nhưng kỹ năng cơ bản bao gồm: (1) ứng dụng được công nghệ cho công tác chuyên môn; (2) am hiểu về toán thống kê để phân tích dữ liệu; (3) có đủ trình độ ngoại ngữ để làm việc được với đối tác quốc tế; (4) có kỹ năng quan hệ con người, làm việc nhóm, lãnh đạo nhóm; (5) cuối cùng là khả năng thích ứng với những thay đổi của môi trường kinh doanh. Yêu cầu của những kỹ năng lao động thay đổi khá nhanh, đòi hỏi phải liên tục cập nhật để kịp thời thích ứng.

Bên cạnh những kỹ năng cơ bản, để đáp ứng yêu cầu công việc cần trang bị tốt kỹ năng chuyên môn sâu như hiểu biết về những nguyên lý liên quan đến công tác chuyên môn và sử dụng thành thạo các công cụ, thiết bị hiện đại vào công việc. Đối với lao động quản lý rất cần năng lực quan hệ xã hội để tranh thủ được sự hỗ trợ từ mạng lưới quan hệ để giải quyết công việc, tiếp cận được tri thức mới.

Hạn chế lớn nhất của đội ngũ nhân lực tại các doanh nghiệp Việt Nam là yếu kém trong kỹ năng tương tác với thị trường như nắm bắt được nhu cầu, tiêu chuẩn chất lượng về sản phẩm của khách hàng; yếu kém trong kỹ năng vận hành hệ thống sản xuất; hạn chế trong khả năng tiếp thu, thích ứng công nghệ mới; khả năng nghiên cứu, thiết kế, chế tạo công nghệ mới yếu kém. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế về năng lực sáng tạo, gây ra lỗi hệ thống vận hành làm phát sinh thêm chi phí, dẫn đến giá thành cao và khó thực hiện cam kết với khách hàng.

Xu hướng sử dụng nguồn nhân lực của các doanh nghiệp

Trong những năm gần đây sự di chuyển nguồn nhân lực giữa các doanh nghiệp, các quốc gia diễn ra rất nhanh, nhất là đối với các vị trí quản lý, chuyên gia kỹ thuật. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên xuất phát từ hai phía người sử dụng lao động và người lao động.

Theo quan điểm của nhiều doanh nghiệp việc tuyển dụng nhân sự mới giúp tiếp thu tri thức, phương pháp, thậm chí là bí quyết công nghệ từ bên ngoài vào doanh nghiệp. Có nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chi trả chi phí cao để thu hút nhân sự từ đối thủ cạnh tranh nhằm mục đích tiếp cận được công nghệ, chiến lược, bí quyết kinh doanh của đối thủ. Để thực hiện được điều này, nhiều doanh nghiệp sử dụng dịch vụ “săn đầu người” để tìm nhân tài cho công ty.

Đối với những lao động tiến bộ, khi tham vọng không đạt được tại doanh nghiệp thì họ có động cơ chuyển đổi nơi làm việc hoặc nghĩ việc để khởi nghiệp. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp lớn, có hệ thống quản trị nguồn nhân lực tốt thì xảy ra hiện tượng nghỉ việc, nhảy việc của người lao động, bởi vì họ có những chính sách đãi ngộ và cơ hội thăng tiến tốt.

Đối với các tập đoàn kinh tế toàn cầu, hoạt động kinh doanh phát triển khá nhanh nên nhân sự quản lý thường xuyên luân chuyển, họ xem đây là biện pháp hiệu quả để đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho nhu cầu phát triển trong tương lai. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp này thường có chiến lược đào tạo, huấn luyện đảm bảo liên tục cập nhật tri thức mới.

Cơ hội và thách thức về nguồn nhân lực

Trong bối cảnh kinh doanh mới, có nhiều cơ hội tuyển dụng nhân lực trình độ cao. Xu hướng di chuyển lao động diễn ra nhanh chóng giúp doanh nghiệp có nhiều phương án lựa chọn được nhân sự trong và ngoài nước phù hợp để đảm nhận vai trò mới khi doanh nghiệp thực hiện tái cấu trúc. Qua đó, giúp doanh nghiệp nhanh chóng tiếp thu tri thức từ bên ngoài để cải thiện các hoạt động của mình, dễ dàng thu hút được nhân lực phục vụ cho đổi mới công nghệ, mà không cần phải lo ngại về việc thiếu nhân lực vận hành công nghệ mới.

Bên cạnh các cơ hội, doanh nghiệp cũng đối mặt với những thách thức đối với quá trình phát triển nguồn nhân lực. Trước hết là thách thức từ sự lạc hậu về trình độ, không theo kịp sự phát triển của khoa học công nghệ; cạnh tranh thu hút lao động trình độ cao giữa các doanh nghiệp trở nên gay gắt hơn không chỉ ở phạm vi trong nước mà trên phạm vi toàn cầu.

Phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh mới

Trong bối cảnh hiện nay, cần tái cấu trúc hệ thống quản trị nguồn nhân lực theo hướng Quản lý Tài năng và Quản lý Nhân vốn thay cho quản lý hồ sơ tài liệu, tính lương, thưởng (quản lý nhân sự) như hiện nay. Hệ thống quản trị phải tạo môi trường thuận lợi áp dụng những kiến thức mới để cải tiến công việc. Phát triển nguồn nhân lực từ bên trong tập trung vào việc tạo động lực tự hoàn thiện và phát triển kiến thức, kỹ năng cho người lao động; thường xuyên tổ chức đào tạo, cập nhật kiến thức  và phát triển kỹ năng mới. Chú trọng đến việc đặt ra yêu cầu, tiêu chuẩn mới cho lao động để tạo áp lực, động lực tự học hỏi, cải tiến theo hướng vận dụng tri thức mới vào công việc.

Theo đó, cần xây dựng tiêu chí đánh giá, kiểm soát chặt chẽ việc đánh giá, xếp loại nhân viên. Xây dựng cơ chế đào tạo và đánh giá kết quả đào tạo gắn liền với việc ứng dụng tri thức vào công việc. Thực hiện luân chuyển nhân sự thường xuyên để đào tào đội ngũ nhân lực “biết một việc, thạo nhiều việc” đảm bảo nhận lực được trang bị toàn diện về kiến thức, kỹ năng để thích nghi với nhiều vị trí (tránh tình trạng nhân lực trì trệ, chỉ am hiểu kiến thức, chuyên môn trong một lĩnh vực, không thể đáp ứng được các nhiệm vụ và yêu cầu mới khi có sự thay đổi).

Đồng thời, thu hút nguồn nhân lực từ bên ngoài cho các vị trí công việc phục vụ cho yêu cầu đổi mới. Cần hoạch định các vị trí công việc theo yêu cầu tái cấu trúc, đặc biệt là các vị trí chuyên gia kỹ thuật và quản lý. Trong đào tạo và phát triển nhân lực cần thực hiện theo phương châm chuyển từ đào tạo, huấn luyện thời vụ sang việc chú trọng vào việc học tập thường xuyên, liên tục của người lao động.

 

LIÊN KẾT
FANPAGE