Thật lòng, tôi chưa bao giờ có ý định viết sách bàn về khởi nghiệp, bởi tôi đã từng khởi nghiệp rồi thất bại, nên mới quay lại nghề đi dạy. Nói vậy để bạn đọc thận trọng hơn khi tham khảo các chỉ dẫn trong quyển sách này, bởi người viết không phải là một doanh nhân thành công.
Vì hâm mộ những doanh nhân mặc veston đi xe hơi và có nhiều tiền, được nhiều mọi người ngưỡng mộ nên từ khi còn bé, tôi đã bắt đầu quan tâm đến khởi nghiệp. Khi đó, tôi thường hiểu rất đơn giản khởi nghiệp là để kiếm được nhiều tiền, cũng như sau này khi đi giảng tôi thường bắt gặp câu hỏi: “Làm thế nào để kiếm nhiều tiền?”; “Làm thế nào để làm giàu nhanh?” Và tôi cũng đã bắt đầu khởi nghiệp với động cơ đó, rồi nhận thất bại. Nguyên nhân xuất phát từ suy nghĩ sai lầm về làm giàu ngay từ đầu.
Khi giảng dạy và tư vấn chính sách phát triển doanh nghiệp ở nhiều địa phương, tôi có dịp gặp gỡ, lắng nghe những trăn trở, động cơ cũng như vướng mắc, khó khăn trong cuộc sống mưu sinh, làm ăn của các anh chị doanh nhân. Mỗi lần bắt gặp trăn trở của ai đó, tôi thường thấy hình ảnh mình trong quá khứ. Tôi đã liên hệ với bản thân, kết hợp với những nguyên lý kinh tế, quản trị để đúc kết giải pháp và chia sẻ nó thông qua những bài viết ngắn gọn trên một số tờ báo. Cho đến một ngày, khi sắp xếp lại các bài viết trong máy tính cá nhân, tôi nảy ra ý tưởng xâu chuỗi, hệ thống chúng lại thành các kỹ năng quản trị công ty khởi nghiệp và in thành sách.
Trong quyển sách này, những kỹ năng quản trị được đúc rút từ thất bại nhiều hơn các bài học thành công. Tôi khuyên các bạn nên đọc nó với tâm thế thắc mắc và hoài nghi cao độ, để tư duy của chúng ta đi đến tận cùng của chân lý.
Không chỉ riêng tôi, rất nhiều người nhầm lẫn giữa việc kiếm nhiều tiền với làm giàu chân chính. Hậu quả của sự nhầm lẫn này lớn hơn tưởng tượng của chúng ta rất nhiều. Sự nhầm lẫn này là nguồn gốc hình thành đội ngũ doanh nhân dùng các thủ thuật chụp giật, đầu cơ, lừa dối khách hàng, luồn lách pháp luật... để kiếm tiền mà không tạo ra giá trị và văn minh cho xã hội, mà ngược lại, còn làm đất nước nghèo đi.
Làm giàu chân chính là tạo ra giá trị cho khách hàng và cho xã hội. Làm giàu là quá trình tạo ra sản phẩm, dịch vụ mang lại giá trị cho khách hàng . Sự thấu hiểu khách hàng sẽ giúp chúng ta nảy sinh ý tưởng về sản phẩm, dịch vụ kinh doanh. Quá trình phát triển kinh doanh từ việc lên kế hoạch, huy động các nguồn lực xây dựng văn phòng, nhà xưởng sản xuất đến giai đoạn tung sản phẩm ra thị trường đòi hỏi rất nhiều kỹ năng mà không phải ai cũng dễ dàng nắm bắt hết được. Từ thực tế đó, tôi đã đúc kết quá trình này thành những nguyên lý, kỹ năng cần thiết để chia sẻ với những ai có ý định làm giàu chân chính trong Phần 1: Dự án khởi nghiệp.
Thực tế cho thấy, tỷ lệ công ty khởi nghiệp thất bại khá cao. Không chỉ những người thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm gặp thất bại mà kể cả người có trình độ cao, người từng làm thuê ở vị trí quản lý tại các công ty thành danh, khi khởi nghiệp cũng gặp phải thất bại. Vấn đề này đã thôi thúc tôi tìm hiểu sâu về đặc thù của một công ty khởi nghiệp và tôi phát hiện có sự khác biệt khá lớn trong quản trị giữa công ty khởi nghiệp với công ty đã thành danh. Những kỹ năng quản trị gắn với đặc thù của công ty khởi nghiệp như: quản trị bán hàng, tài chính, rủi ro, marketing, sản xuất, cung ứng, nhân sự, dự án... được đúc kết trong Phần 2 của quyển sách: Quản trị công ty khởi nghiệp.
Chính phủ và chính quyền các địa phương cũng nhìn thấy những điểm yếu của công ty khởi nghiệp và tạo ra nhiều chính sách thúc đẩy, trợ giúp. Việc phát triển doanh nghiệp được xác định có ba nguồn cơ bản, gồm: doanh nghiệp khởi nghiệp mới hoàn toàn, doanh nghiệp hiện có phát triển thêm quy mô và hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp. Cả ba dạng khởi nghiệp trên có những đặc thù khác nhau nên hướng kinh doanh cũng cần tuân thủ, giải quyết theo những nguyên lý khác nhau: từ chiến lược, tổ chức lại, xây dựng hệ thống quản lý bài bản, xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp, quản lý tài chính, rủi ro... Tất cả được đúc kết trong Phần 3: Mở rộng, chuyển đổi và phát triển công ty.
Có nhiều công ty khởi nghiệp làm ăn rất thành công trong những năm đầu, nhưng sau đó lại nhanh chóng lụi tàn, thậm chí phá sản. Đi sâu vào tìm hiểu thì có rất nhiều nguyên nhân nhưng phổ biến nhất là vì họ chưa biết nhận diện cơ hội, thách thức và cách thích ứng với bối cảnh kinh doanh mới. Mặc khác, chính phủ có rất nhiều chính sách trợ giúp doanh nghiệp khởi nghiệp nhưng khả năng tiếp cận được các chính sách đó của doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Phần cuối cùng của quyển sách là những đúc kết về bối cảnh kinh doanh mới, chỉ rõ những rào cản và giải pháp giúp doanh nghiệp thích ứng tốt hơn: Cơ hội và thách thức.
Như tôi đã nói ở trên, tôi cũng là một doanh nhân khởi nghiệp thất bại, những nguyên lý, kỹ năng được đúc kết trong quyển sách này một phần xuất phát từ kinh nghiệm của bản thân. Nên chắc chắn sẽ còn rất nhiều điểm cần bổ khuyết. Mong nhận được những ý kiến phản hồi và thảo luận thẳng thắn từ bạn đọc.
TS Huỳnh Thanh Điền
Sách được phân phối bởi Công ty CP Văn hoá Sách Sài Gòn:
Địa chỉ: 97 Nguyễn Bỉnh Khiêm, P. Đa Kao, Q.1, TP.HCM- Điện thoại: (028) 6293.8228 - (028) 6281.5516 - Hotline: 0989 808041