Quản trị rủi ro khi hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp

Date: - View: 1555 - By:

TS. HUỲNH THANH ĐIỀN/ Doanh nhân Sài gòn 

Khi muốn phát triển lớn, hộ kinh doanh sẽ chuyển đổi lên doanh nghiệp (DN). Đi kèm với quá trình đó là những rủi ro mới cần được nhận diện đầy đủ để có giải pháp xử lý phù hợp. 

Trong kinh doanh, mọi quyết định chủ yếu nhắm đến doanh thu, lợi nhuận... Tuy nhiên, có rất nhiều biến cố xảy ra trong quá trình kinh doanh dẫn đến kết quả không như mong đợi, đó chính là rủi ro.

Rủi ro kinh doanh có nguồn gốc từ bên trong và bên ngoài DN. Các yếu tố bên trong đến từ hệ thống quản lý, vận hành các hoạt động từ đầu vào, sản xuất, đầu ra. Rủi ro bên ngoài đến từ những thay đổi về xu hướng tiêu dùng của khách hàng, nhà cung cấp, đối thủ cạnh tranh, chính sách pháp luật... DN có thể dự báo và tính toán được khả năng xảy ra rủi ro, cũng như có thể tìm ra giải pháp để xử lý chúng, biến chúng thành cơ hội.

Hộ kinh doanh với ưu thế các thủ tục, giấy tờ pháp lý đơn giản, nộp thuế khoán, bộ máy quản lý gọn nhẹ... phù hợp với quy mô kinh doanh nhỏ. Khi chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên DN có thể xuất hiện các rủi ro làm gia tăng chi phí hoạt động, chi phí tuân thủ pháp luật do cơ cấu vận hành thay đổi, hệ thống sổ sách kế toán theo quy chuẩn, các quy trình quản lý cần được kiện toàn bài bản hơn nhằm đảm bảo tính minh bạch; nghĩa vụ thuế cũng chuyển từ nộp thuế khoán sang thuế thu nhập DN với thuế suất 20%.

Khi chuyển đổi, người chủ hộ kinh doanh chấp nhận rủi ro với mong muốn đạt doanh thu cao, nghĩa là phải đầu tư thêm tài sản, vay thêm vốn, tăng chi phí đầu vào phục vụ sản xuất, chi phí bán hàng mới mong đạt được mục tiêu tăng quy mô. Khi đó lại xuất hiện các rủi ro đến từ môi trường bên ngoài mà hộ kinh doanh trước đây chưa từng gặp phải, như sự thay đổi của giá cả nguyên vật liệu, quảng cáo truyền thông không hiệu quả, không trả được các khoản nợ vay...

Lựa chọn giải pháp xử lý rủi ro

Nếu e ngại rủi ro, sẽ không có sự thịnh vượng, vấn đề là phải biết quản trị rủi ro. Quản trị rủi ro với các hoạt động cơ bản bao gồm nhận diện, dự báo, xếp hạng, đánh giá rủi ro, và triển khai các giải pháp, kế hoạch xử lý rủi ro.

Trước khi chuyển lên DN, hộ kinh doanh cần xây dựng kịch bản một cách cụ thể: thay đổi sản phẩm hoặc tiếp tục kinh doanh sản phẩm cũ nhưng mở rộng đối tượng khách hàng. Từ đó ước tính lượng vốn đầu tư tăng thêm bao nhiêu, nguồn vốn đầu tư lấy từ đâu; giả định về doanh thu và chi phí hằng tháng sau khi chuyển đổi để tính toán hiệu quả sau chuyển đổi.

Kế đến là liệt kê các rủi ro và xếp hạng chúng theo khả năng xảy ra (cao hay thấp) và mức độ tác động (nghiêm trọng hay không nghiêm trọng).

Tiếp theo là triển khai các giải pháp để xử lý từng rủi ro đó. Thông thường, tùy vào đặc thù của từng loại rủi ro, hộ kinh doanh có thể lựa chọn một trong 4 cách chủ yếu để xử lý: tránh né bằng cách dùng "đường đi khác" có thể không có rủi ro, hoặc nếu có thì nhẹ hơn; chuyển giao bằng cách chia sẻ tác hại khi chúng xảy ra; giảm nhẹ thông qua thực thi các biện pháp để giảm thiểu khả năng xảy ra rủi ro hoặc tác động và chi phí khắc phục rủi ro nếu có xảy ra; đành chấp nhận "sống chung" với rủi ro trong trường hợp chi phí loại bỏ, phòng tránh, làm nhẹ rủi ro quá lớn (lớn hơn chi phí khắc phục tác hại), hoặc tác hại của rủi ro nếu xảy ra là không đáng kể, trường hợp này sẽ lên kế hoạch kiểm soát.

Tạo hành lang pháp lý giảm thiểu rủi ro

Môi trường pháp lý và kỷ cương tuân thủ pháp luật trong hoạt động kinh doanh là yếu tố có tác động đến rủi ro của hộ kinh doanh khi chuyển lên DN. Nếu hành lang pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho hộ kinh doanh hơn DN, thì dù quy mô kinh doanh có lớn, người chủ vẫn duy trì loại hình hộ kinh doanh.

Do vậy, Nhà nước cần tạo ra cơ chế, chính sách giúp quá trình chuyển đổi hộ kinh doanh lên DN ít gặp rủi ro hơn, thông qua cải cách hành chính liên quan đến thuế, kiểm định các loại, truy xuất nguồn gốc và giảm thiểu chi phí tuân thủ pháp luật sau khi chuyển đổi. Đồng thời, thành lập các tổ chức có chức năng tư vấn miễn phí cho hộ kinh doanh về các thông tin liên quan đến thủ tục thành lập, đăng ký kinh doanh, các hoạt động liên quan đến phát sinh chi phí tuân thủ pháp luật.

Bên cạnh đó, kiên quyết xử lý các trường hợp gian lận thương mại, trốn thuế, không tuân thủ các quy định về môi trường... nhằm đảm bảo sự bình đẳng trong kinh doanh, để DN sau khi chuyển đổi sẽ cạnh tranh công bằng, thậm chí còn có ưu thế hơn so với hộ kinh doanh thì mới góp phần giảm thiểu các rủi ro liên quan đến cạnh tranh.

Để hộ kinh doanh tự tin "làm chủ được các rủi ro" khi chuyển đổi, cần tổ chức các lớp đào tạo các kỹ năng nhận diện cơ hội để phát triển quy mô kinh doanh; hướng dẫn phương pháp nhận diện, xếp hạng, đánh giá rủi ro; xây dựng các kịch bản xử lý rủi ro sau khi chuyển đổi. Các kỹ năng này cần thiết kế theo từng nhóm ngành bởi vì mỗi nhóm ngành sẽ có những rủi ro khác nhau trong quá trình chuyển đổi.

"Ngại rủi ro" là nguyên nhân căn bản nhất dẫn đến tình trạng hộ kinh doanh không muốn chuyển đổi lên DN. Ngại rủi ro bởi chưa làm chủ được rủi ro, chưa chủ động nhận diện, dự báo, đánh giá và tìm ra giải pháp xử lý rủi ro. Nếu trang bị cho hộ kinh doanh kiến thức về quản trị rủi ro sẽ giúp họ tự tin hơn, khả năng thành công cao hơn khi chuyển đổi lên DN.

LIÊN KẾT
FANPAGE