Sự yếu thế của doanh nghiệp nhỏ và vừa

Date: - View: 1030 - By:
 
 
SGGP 

 

TS Huỳnh Thanh Điền

Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) luôn chiếm tỷ trọng lớn, là đặc trưng của mọi nền kinh tế, chứ không là đặc thù riêng ở Việt Nam. Chất lượng phát triển DN của một nước thể hiện qua mức độ phát triển từ DNNVV thành DN lớn. Hạn chế lớn nhất ở nước ta là DNNVV chậm lớn.

 

Cái khó bó cái khôn

DNNVV ở Việt Nam phổ biến hoạt động trong các lĩnh vực thương mại dịch vụ, sửa chữa, cung ứng dịch vụ phụ trợ đơn giản cho DN lớn, sản xuất nhỏ với công nghệ đơn giản… và thị trường tiềm năng còn rất hạn chế. 

DNNVV luôn ở trong vòng lẩn quẩn của năng lực cạnh tranh thấp bởi thiếu vốn, nhưng khó tiếp cận tín dụng do thiếu tài sản thế chấp nên chậm đầu tư đổi mới công nghệ. Công nghệ lạc hậu đi kèm với năng lực quản lý kém nên giá thành cao, năng lực cạnh tranh thấp, ít có cơ hội tiếp cận được các đơn hàng sản xuất với giá trị gia tăng cao.

Mặt khác, DNNVV khá rời rạc, chưa kết nối sản xuất phụ trợ được với DN lớn. Trong mạng lưới liên kết giữa DN cùng ngành luôn hình thành hai nhóm: DN lớn giữ vai trò dẫn dắt - DN nhỏ giữ vai trò cung ứng phụ trợ. 

Các DN lớn ở Việt Nam chưa tạo ra nhu cầu cho các DNNVV tham gia sản xuất, cung ứng sản phẩm trung gian, dịch vụ hỗ trợ. Các DN lớn cũng chưa đủ khả năng phát triển vệ tinh phụ trợ riêng cho mình, chưa đủ năng lực lựa chọn DNNVV có đủ điều kiện để hỗ trợ công nghệ, vốn, cơ sở hạ tầng sản xuất, bao tiêu sản phẩm. 

Do vậy, mối quan hệ giữa DN lớn với DNNVV trong cùng ngành chẳng những không bổ sung, hỗ trợ cho nhau mà trái lại còn cạnh tranh, triệt tiêu lẫn nhau.

Trong khi đó, cơ chế chính sách chưa thật sự khuyến khích DN lớn phát triển vệ tinh trong nước. Thay vào đó, các chính sách tập trung khuyến khích xuất khẩu càng tạo điều kiện cho DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thâm nhập sâu hơn vào ngành công nghiệp quốc gia. 

DN FDI của các tập đoàn đa quốc gia ngày càng thâm nhập sâu vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thương mại, phân phối trong nước. Tuy nhiên, hệ thống cung ứng phụ trợ của họ nằm ở nước ngoài, hoặc lôi kéo thêm DN FDI khác để thực hiện hệ thống cung ứng “khép kín”. Các DNNVV trong nước khó có cơ hội để tiếp cận được các DN FDI. 

Do vậy, nền tảng công nghiệp phụ trợ nội địa chậm hình thành. Kéo theo hệ lụy là DN FDI cũng không thể “bám rễ” được ở Việt Nam do thiếu nền tảng công nghiệp phụ trợ, họ có thể sẽ di chuyển nhà máy đi bất cứ lúc nào, nếu chính sách ưu đãi không còn, hoặc nhận thấy chính sách ưu đãi ở nơi khác tốt hơn.

Sự yếu thế của doanh nghiệp nhỏ và vừa ảnh 1Sản xuất mật ong xuất khẩu. Ảnh: CAO THĂNG 

Các ngành nghề trong nền kinh tế có mối quan hệ mật thiết với nhau, ngành này là đầu vào cho ngành khác. Trong mối quan hệ đó, luôn tồn tại nhóm DN dẫn dắt chuỗi cung ứng. 

Do đó, nếu DNNVV của Việt Nam muốn phát triển quy mô kinh doanh cần phải tích hợp được vào chuỗi cung ứng đó. Tuy nhiên, năng lực cung ứng của DNNVV của Việt Nam còn nhiều hạn chế bởi nhu cầu sản phẩm phụ trợ chưa hướng đến DN trong nước. DN FDI còn e ngại khi đặt hàng vì tiềm ẩn nhiều rủi ro về chất lượng, số lượng và tiến độ giao hàng. 

Vì vậy, họ thường đặt hàng với những đơn hàng sản xuất nhỏ, chủ yếu là làm thử nên không hấp dẫn được DN trong nước đầu tư cải tiến công nghệ. Mặt khác, ngay cả các DN lớn trong nước cũng ngại đặt hàng các DN nội cung ứng cũng với lý do tương tự.

Nhiều chính sách hỗ trợ… chưa tới

DNNVV luôn là đối tượng yếu thế trước làn sóng hội nhập bởi năng lực sản xuất nhỏ lẻ, tổ chức sản xuất khó đạt các quy chuẩn quốc tế. Trên thực tế, DN lớn trong nước chưa đảm nhận được vai trò dẫn dắt DNNVV cùng ngành để thâm nhập vào thị trường thế giới, cũng như chưa tập hợp được DNNVV để đủ sức phòng vệ trước hàng hóa và sự cạnh tranh với DN nước ngoài.

Khi DN nội gặp khó khăn trong việc tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu, họ kỳ vọng nhận được cơ hội do Chính phủ kiến tạo. Mặc dù hiện nay Việt Nam đang thực hiện nhiều dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng như đường bộ, đường sắt, đường biển, bến cảng, sân bay, hạ tầng viễn thông… hay các công trình mang tính thường nhật như xử lý rác, chống ngập nước, ô nhiễm không khí... 

Việc đầu tư các công trình này sẽ tạo ra nhu cầu rất lớn giúp DNNVV phát triển, nhưng đối tượng hưởng lợi lớn từ các công trình này lại là các DN lớn, DN FDI. Mặt khác, lâu nay DNNVV dựa chủ yếu vào thị trường nội địa, nhưng gần đây, nhiều hệ bán lẻ nước ngoài xâm nhập vào thị trường trong nước, họ có xu hướng hạn chế phân phối hàng hóa sản xuất trong nước, thay vào đó là phân phối hàng hóa nhập khẩu. 

Do vậy, DNNVV ngày càng gặp thêm khó khăn về thị trường đầu ra, từ thị trường nội địa, cũng như xuất khẩu.

Mặt khác, nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ DNNVV về thị trường, nguồn nhân lực, nghiên cứu công nghệ… còn mang tính hình thức, chưa đi vào chiều sâu, chưa đáp ứng nguyện vọng của DN. 

Chẳng hạn việc hỗ trợ kinh phí cho DNNVV tham gia xúc tiến thị trường, nhưng lại không có chính sách tạo lập thị trường thực cho DN; hỗ trợ nghiên cứu công nghệ cho các nhà khoa học với nhiều vấn đề không liên quan đến nhu cầu của DN; quy định về trích lập quỹ đổi mới công nghệ nhưng không có cơ chế hướng dẫn, tư vấn sử dụng quỹ cho đúng mục đích (phần lớn DN sử dụng quỹ này không đúng mục đích); quy định hỗ trợ kinh phí đào tạo cho DNNVV, nhưng không kết nối DN để thiết kế các chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của họ…

Cạnh đó, nhiều chính sách thúc đẩy phát triển DN chưa phát huy được hiệu ứng do thiếu tính cụ thể, thiếu cân nhắc đến tính khả thi liên quan đến điều kiện tiếp cận, tư vấn hỗ trợ DN tiếp cận, chưa thật sự kiến tạo cơ hội cho DN. 

Cũng như chưa định hình rõ đối tượng đối tượng chủ yếu lan tỏa hiệu ứng chính sách, chưa hướng đến mối liên kết giữa DN lớn với DNNVV.

Liên kết để lớn lên

DNNVV sẽ lớn nhanh khi tham gia được vào chuỗi sản xuất toàn cầu hoặc liên kết chặt chẽ với các DN lớn; đồng thời, cần sự trợ giúp từ hệ thống bán lẻ phân phối hàng hóa của họ. 

Cần thúc đẩy hình thành các mạng lưới liên kết giữa DN lớn giữ vai trò dẫn dắt - DNNVV giữ vai trò cung ứng phụ trợ. DN lớn chỉ đảm nhận tốt vai trò dẫn dắt khi tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, tích cực nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm phù hợp với nhu cầu, nghiên cứu công nghệ sản xuất, phát triển hệ thống cung ứng mang tính ổn định. 

Khi đó, DNNVV sẽ có được thị trường ổn định để mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản lý để ngày càng lớn mạnh.

Để thúc đẩy quá trình đó, trong chiến lược phát triển công nghiệp quốc gia cần định hướng rõ vai trò của DN lớn dẫn dắt DNNVV trong từng nhóm ngành công nghiệp ưu tiên, trên các khía cạnh dẫn dắt về nhu cầu cung ứng phụ trợ, công nghệ, cơ sở hạ tầng sản xuất... 

Các chính sách thúc đẩy, hỗ trợ DN theo hướng ưu tiên cho hoạt động có sự liên kết giữa DN lớn với DNNVV, chẳng hạn như DN lớn chuyển giao công nghệ sản xuất phụ trợ cho DNNVV; DN lớn hỗ trợ hạ tầng, trợ giúp vốn, nhân lực tay nghề cao cho DNNVV để sản xuất phụ trợ…

Cạnh đó, cần kiến tạo cơ hội thông qua tạo nhu cầu thiết thực cho DN để tham gia sản xuất cung ứng là rất quan trọng. Có nhiều cách kiến tạo nhu cầu; trong đó, cách tốt nhất là thông qua thực hiện các chương trình đầu tư công hay công trình mang tính thường nhật như xử lý rác, chống ngập, chống ô nhiễm không khí… 

Chính phủ cần ưu tiên huy động các DNNVV tham gia. Đồng thời có chính sách hỗ trợ đặc biệt về thị trường đầu ra cho DNNVV thông qua thúc đẩy phát triển các hệ thống phấn phối hàng hóa của DNNVV.

Chính phủ phát triển các chương trình tiếp sức DNNVV về nâng cao năng lực quản lý chất lượng, môi trường, trách nhiệm xã hội và các quy chuẩn ngành. 

Nếu sản xuất không đạt tiêu chuẩn theo cam kết hội nhập thì hàng hóa của DNNVV chẳng những không xuất khẩu được mà còn không cạnh tranh được với hàng nhập khẩu trên thị trường nội địa. 

Cần huy động các trường/viện thiết kế công nghệ rồi chuyển giao cho DN thi công/sản xuất, nhằm mục đích vừa tạo cơ hội làm ăn cho DN vừa thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ. 

Đồng thời, định hướng các hiệp hội là nơi tổng hợp những vấn đề yếu kém về nhân lực của DN, kết nối với các trường/viện để thiết kế chương trình đào tạo và thực hiện đào tạo cho phù hợp với nhu cầu thực của DN. 

Bên cạnh đó, phải thực hiện nghiêm cơ chế xác lập quyền sở hữu tài sản (kể cả động sản và bất động sản) để DN có thể cầm cố, thế chấp nhằm tạo vốn kinh doanh.

 

LIÊN KẾT
FANPAGE