Tái cấu trúc doanh nghiệp - Phải có điểm đột phá

Date: - View: 1717 - By:
Hội nhập sâu rộng với các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, cùng với sự bùng nổ của CMCN 4.0 đòi hỏi doanh nghiệp (DN) phải tìm cách thích ứng để phát triển hoặc đối diện với nguy cơ rời khỏi thị trường, áp lực tái cấu trúc đang đè nặng lên DN. Đó là nhận định của chuyên gia kinh tế, TS Huỳnh Thanh Điền.
 

Sức ép từ DN ngoại

PV: Thưa ông, Việt Nam ký kết hoặc đang đàm phán nhiều FTA thế hệ mới. DN phải làm gì để tận dụng được cơ hội và vượt qua thách thức trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng?

tai cau truc doanh nghiep phai co diem dot pha

TS Huỳnh Thanh Điền: Nội dung cam kết từ các FTA hiện đã phủ rộng với việc cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan, điều kiện về tiêu chuẩn và xuất xứ hàng hóa, phòng vệ thương mại, cam kết về lao động, môi trường, mở rộng dịch vụ tài chính, minh bạch chính sách mua sắm công, quyền sở hữu trí tuệ, di chuyển lao động… Các nội dung cam kết với tính kỷ luật thực thi cao.

Để tận dụng cơ hội mang lại từ các FTA, DN cần trang bị năng lực phòng vệ nhằm tự bảo vệ trên thị trường nội địa và mở rộng thị phần nước ngoài. DN phải nâng cao năng lực sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn, bảo đảm điều kiện về xuất xứ, thực hiện tốt các cam kết về lao động, môi trường, quản lý chất lượng. Đồng thời, DN cần liên kết theo chuỗi cung ứng đầu vào - sản xuất - phân phối để phòng vệ trước sự thâm nhập từ bên ngoài.

Tuy nhiên, không ít DN Việt Nam lâu nay thiếu định hướng xuất khẩu nên sẽ rất lúng túng trong việc tận dụng cơ hội để mở rộng thị trường ra bên ngoài. Cùng với đó, trình độ sản xuất, công nghệ vẫn còn ở mức thấp nên sẽ rất khó cạnh tranh về giá, chất lượng và thương hiệu trên thị trường thế giới. Trong khi đó, hàng hóa từ nước ngoài thâm nhập vào thị trường Việt Nam với chất lượng, giá cả tốt hơn. DN Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ mất khách hàng bởi vì hệ thống phân phối nội địa chưa ổn định, tính liên kết chưa cao.

Khi hàng nước ngoài vào Việt Nam với tiêu chuẩn cao hơn, các mặt hàng thực phẩm an toàn hơn, các mặt hàng tiêu dùng chất lượng tốt hơn, mẫu mã đẹp hơn, giá bán thấp hơn sản phẩm trong nước, thì nguy cơ khách hàng nội quay lưng với DN nội cũng là dễ hiểu

PV: Ông có thể cho biết cụ thể hơn về những thách thức hiện hữu mà DN trong nước đã và đang phải đối mặt?

TS Huỳnh Thanh Điền: Thất bại cạnh tranh trên sân nhà đã được cảnh báo từ rất sớm, nhưng DN ứng phó rất chậm chạp. Chính quyền, các hội ngành nghề vẫn còn loay hoay tìm giải pháp nâng cao năng lực phòng vệ cho DN. DN nội địa ở hầu hết các ngành rất chậm chạp thay đổi chiến lược kinh doanh để nâng cao năng lực phòng vệ. Quản lý sản xuất không theo chuẩn mực quốc tế, công nghệ lạc hậu, năng lực khai thác thị trường rất yếu… gây lãng phí trong sản xuất khá lớn, năng suất lao động thấp nên giá sản phẩm thành cao, chất lượng thấp hơn nhiều nước trong khu vực nên năng lực cạnh tranh kém. Hơn nữa, sự liên kết giữa DN sản xuất đầu cuối, DN sản xuất hỗ trợ, DN phân phối rời rạc ngay cả trên thị trường nội địa, còn liên kết để đi ra nước ngoài thì không có gì đáng kể, nếu không muốn nói là không có sự liên kết.

Trong khi đó, DN nước ngoài có chiến lược thâm nhập thị trường Việt Nam rất rõ nét bởi sự dẫn dắt của các công ty bán lẻ sẽ ưu tiên phân phối hàng nước họ. Hệ thống phân phối trong nước đang mất dần vào các tập đoàn bán lẻ lớn nước ngoài đến từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… Hệ thống này đặt ra những tiêu chuẩn phù hợp với DN nước họ, nhưng bất lợi đối với DN trong nước để đạt chuẩn đưa vào hệ thống phân phối của họ ở Việt Nam, khiến các DN Việt Nam gặp nhiều khó khăn hơn.

Hơn nữa, lâu nay phần lớn DN Việt thiếu định hướng xuất khẩu (xuất khẩu chủ yếu là DN FDI) nên không nắm bắt các tiêu chuẩn của các nước, cũng nhưng không am hiểu đường đi, nước bước khi xuất khẩu. Do đó, tuy thuế suất bằng không, nhưng khả năng sản xuất sản phẩm đạt chuẩn để xuất khẩu, phát triển mạng lưới phân phối ở các thị trường quốc tế rất hạn chế, nên DN đối mặt với thách thức nhiều hơn là cơ hội.

Bên cạnh đó, khi hàng nước ngoài vào Việt Nam với tiêu chuẩn cao hơn, các mặt hàng thực phẩm an toàn hơn, các mặt hàng tiêu dùng chất lượng tốt hơn, mẫu mã đẹp hơn, giá bán thấp hơn sản phẩm trong nước, thì nguy cơ khách hàng nội quay lưng với DN nội cũng là dễ hiểu.

PV: Vậy để ứng phó với tình hình đó, DN cần làm gì?

TS Huỳnh Thanh Điền: DN cần có tư duy toàn cầu về các tiêu chuẩn sản xuất, sản phẩm, phương thức phân phối để đầu tư công nghệ, quản lý sản xuất, phát triển năng lực khai thác thị trường tốt hơn. DN cần tái lập lợi thế mới cho phù hợp với hội nhập quốc tế thông qua việc tận dụng thành quả của CMCN 4.0 để chuyển đổi phương thức sản xuất, tiếp thị, phân phối và quản trị DN, tạo ra lợi thế mới để vượt lên trong bối cảnh chúng ta đã mất quá nhiều lợi thế trong thời gian qua.

Nhận diện dấu hiệu cần tái cấu trúc

PV: Tái cấu trúc là một trong những giải pháp mà rất nhiều DN đã thực hiện trong thời gian qua để vượt qua khó khăn và phát triển bền vững. Theo ông, khi nào thì DN cần phải tái cấu trúc?

TS Huỳnh Thanh Điền: Theo tôi, cần nhìn vào phản ứng của khách hàng để nhận diện dấu hiệu cần tái cấu trúc DN. Bởi phần lớn các tín hiệu tốt, xấu về DN được biểu hiện qua thái độ, hành vi, phản ứng của khách hàng. Quan sát hành vi của khách hàng sẽ dễ nhận thấy các vấn đề tồn tại của DN. Dễ dàng nhận diện phản ứng của khách hàng thông qua sự thay đổi của các chỉ số như đơn hàng giảm sút, tần suất đặt hàng trên mỗi khách hàng giảm, khách hàng tìm đối tác khác, phàn nàn về chất lượng sản phẩm, không hài lòng về DN...

Rất nhiều DN sai lầm khi đặt tham vọng thay đổi đồng thời nhiều việc, nên đưa đến hậu quả là không việc gì ra việc gì và thất bại. Tái cấu trúc phải bắt đầu từ điểm cốt lõi nhất, giải quyết được điểm đó thì các vấn đề khác sẽ tự động thay đổi, hoặc thuận lợi hơn khi thực hiện các thay đổi khác.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến phản ứng tiêu cực của khách hàng, như chất lượng và sự phù hợp của sản phẩm, công nghệ, các quy trình sản xuất, công tác kiểm tra chất lượng, phương thức và hệ thống phân phối, dịch vụ chăm sóc khách hàng, sự phù hợp của trình độ nhân lực, thậm chí là cơ cấu tổ chức, văn hóa DN... bắt đầu xuất hiện những hạn chế.

DN cần khảo sát chi tiết để nhận diện cho đúng khâu nào không tương thích và lên kế hoạch tái cấu trúc phù hợp. DN cần nắm các chuẩn mực tiến bộ về sản phẩm, công nghệ, phương thức quản trị, nhân lực và tiêu chuẩn mới của ngành để làm cơ sở đối chiếu với thực trạng DN mình. Quan sát đối thủ cạnh tranh và xu hướng chung của thị trường để xác định các chuẩn mực tiến bộ.

Hơn nữa, toàn cầu hóa với các FTA thế hệ mới và CMCN 4.0 làm biến đổi môi trường kinh doanh và chuỗi hoạt động các ngành kinh tế trên phạm vi toàn cầu. Theo đó, xuất hiện nhiều chuẩn mực quản trị tiến bộ, phương thức kinh doanh mới, các giải pháp công nghệ mới không chỉ trong phạm vi sản xuất mà hầu hết các hoạt động quản trị từ marketing, bán hàng, cung ứng đến tài chính, nhân sự... Khi đó sẽ xuất hiện yêu cầu chuẩn mực mới trong sản xuất và quản trị, đòi hỏi DN phải nhận diện đầy đủ để so sánh với thực trạng, biết được mức độ tiến bộ hay yếu kém của DN mình.

Phải nhận diện được những điểm chưa phù hợp, điểm dưới chuẩn mực của sự tiến bộ, điểm vượt trội của DN và quan trọng nhất là xác định những đặc điểm của DN cùng ngành làm khách hàng hài lòng nhất và phiền lòng nhất. Đây là điểm khám phá quan trọng nhằm đề ra những điểm đột phá trong chiến lược tái cấu trúc của DN. Trong trường hợp phát hiện có quá nhiều điểm không phù hợp của cấu trúc DN thì cần xem xét mối quan hệ giữa các điểm không phù đó để xác định điểm căn cơ, cốt lõi nhất.

PV: Vậy theo ông làm thế nào để quá trình tái cấu trúc DN đạt hiệu quả cao?

TS Huỳnh Thanh Điền: Rất nhiều DN sai lầm khi đặt tham vọng thay đổi đồng thời nhiều việc, nên đưa đến hậu quả là không việc gì ra việc gì và thất bại.

Tái cấu trúc phải bắt đầu từ điểm cốt lõi nhất, giải quyết được điểm đó thì các vấn đề khác sẽ tự động thay đổi hoặc thuận lợi hơn khi thực hiện các thay đổi khác. DN cần thiết kế hệ thống quản lý và quan hệ thông tin nội bộ, quan hệ thông tin với bên ngoài hiệu quả sẽ giúp DN tạo dựng được cơ chế tự động nhận diện dấu hiệu cần thay đổi. Quan trọng nhất là thiết kế được các kênh giao tiếp để nắm bắt thông tin từ bên ngoài. Chẳng hạn như quy định chế độ thăm dò ý kiến khách hàng cho nhân viên bán hàng, chiêu mộ nhân sự từ những DN kinh doanh tương tự, có chính sách đào tạo, chăm sóc việc học của nhân viên, quan tâm đến sự tiến bộ của ngành để áp dụng tại DN. Với cơ chế quan hệ thông tin bên ngoài hiệu quả, việc thay đổi liên tục được thực hiện từ việc nhỏ đến việc lớn là biểu hiện của định hướng tái cấu trúc thường xuyên.

 

Chật vật đuổi theo CMCN 4.0

PV: Cuộc CMCN 4.0 đã và đang tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong phương thức sản xuất cũng như xuất hiện nhiều phương thức kinh doanh mới với sức cạnh tranh vượt trội. Ông nhận định DN Việt đã tận dụng cơ hội từ CMCN 4.0 như thế nào?

TS Huỳnh Thanh Điền: Đặc trưng của CMCN 4.0 là sự hội tụ của Internet kết nối vạn vật (IoT), robot cộng tác với con người, công nghệ vật liệu mới, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, in 3D… Sự kết hợp các nền tảng công nghệ này đã sáng tạo ra nhiều giải pháp công nghệ ở tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh như: Thiết kế sản phẩm, chào bán, tiếp nhận đơn hàng, tổ chức sản xuất, kiểm soát chất lượng, giao hàng, thanh toán diễn ra rất nhanh chóng.

tai cau truc doanh nghiep phai co diem dot pha
CMCN 4.0 tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong phương thức sản xuất kinh doanh

Trên nền tảng công nghệ đó, những năm gần đây xuất hiện nhiều phương thức kinh doanh mới với sức cạnh tranh vượt trội so với những cách làm ăn truyền thống của các DN lớn. Chẳng hạn như phương thức kinh doanh khai thác tài nguyên sẵn có của người dùng (thường gọi là kinh tế chia sẻ) như Airbnb, Grap, Uber, RabbitTask..., bán hàng trực tuyến, sản xuất linh hoạt. Nếu DN tận dụng tốt có thể thiết kế sản phẩm, chào bán, tiếp nhận đơn hàng, tổ chức sản xuất, kiểm soát chất lượng, giao hàng, thanh toán diễn ra rất nhanh chóng.

Tuy nhiên, theo tôi thấy, phần lớn DN Việt Nam chủ yếu cải tiến công nghệ ở khâu marketing, như marketing online, bán hàng, thanh toán online. Việc ứng dụng công nghệ tự động hóa vào sản xuất, kiểm soát chất lượng còn nhiều hạn chế. Xu hướng thay đổi cấu trúc hoạt động của DN diễn ra không đồng đều ở các ngành trong phạm vi toàn cầu. Những nhà đầu tư giàu có sẵn sàng từ bỏ lĩnh vực kinh doanh truyền thống để dồn vốn đầu tư vào những công ty ở các ngành khác đang đi đầu trong lĩnh vực công nghệ. Vì lẽ đó, xu hướng mua bán, sáp nhập sẽ diễn ra nhanh chóng, cấu trúc vốn của các công ty có sự thay đổi rất nhanh trong những năm gần đây.

DN cần tái lập lợi thế mới cho phù hợp với hội nhập quốc tế thông qua việc tận dụng thành quả của CMCN 4.0 để chuyển đổi phương thức sản xuất, tiếp thị, phân phối và quản trị DN, tạo ra lợi thế mới để vượt lên trong bối cảnh chúng ta đã mất quá nhiều lợi thế trong thời gian qua.

Điều gì quyết định sự sống còn của DN?

PV: Theo ông DN cần làm gì để có thể tồn tại và phát triển bền vững trong bối cảnh kinh doanh mới hiện nay?

TS Huỳnh Thanh Điền: Mọi cải tiến đều có giới hạn, chỉ có sáng tạo mới làm nên đột phá giúp DN trường tồn. Đổi mới sáng tạo không chỉ dừng lại ở nghiên cứu, sáng chế ra sản phẩm mới, mà phải hướng đến khai thác được nhu cầu lớn nhất trên thị trường. DN đổi mới sáng tạo biểu hiện qua việc liên tục tạo ra giá trị mới để thu hút khách hàng tiêu dùng hàng hóa, sử dụng dịch vụ ngày một nhiều hơn, sẵn lòng trả với giá cao hơn.

Không thể nhìn vào doanh thu hoặc lợi nhuận từ sản phẩm mới để đánh giá năng lực sáng tạo, bởi vì sản phẩm mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu trong chu kỳ dòng đời sản phẩm. Do vậy, năng lực sáng tạo cần được đánh giá qua khả năng tạo ra sự khác biệt ở sản phẩm, dịch vụ có tiềm năng mang về lợi nhuận vượt trội cũng như khả năng thích ứng với thị trường trên nhiều phương diện như cách thức tương tác với khách hàng, phương thức marketing, bán hàng, thanh toán, dịch vụ chăm sóc, tư vấn khách hàng...

Bất kỳ dự án nào cũng đều trải qua các giai đoạn bắt đầu, phát triển, bão hòa và suy thoái. Đổi mới sáng tạo giúp DN duy trì lâu dài trạng thái tăng trưởng thông qua các giải pháp cải tiến sản phẩm, dịch vụ khách hàng và phương pháp quản trị. Khi dòng sản phẩm hiện hữu rơi vào trạng thái suy thoái thì mọi cải tiến không còn tác dụng, chỉ có sáng tạo sản phẩm mới để thay thế cho sản phẩm cũ mới có thể giúp DN trường tồn.

Vì lẽ đó, tôi cho rằng đổi mới sáng tạo quyết định sự sống còn của mỗi DN.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Mai Phương

https://petrotimes.vn/tai-cau-truc-doanh-nghiep-phai-co-diem-dot-pha-514271.html

 

 
Sự thâm nhập của các doanh nghiệp ngoại vào thị trường trong nước ngày càng mạnh
LIÊN KẾT
FANPAGE