Tái cấu truc doanh nghiệp trong bối cảnh kinh doanh mới
Kính giới thiệu bạn đọc quyển sách "Tái cấu trúc doanh nghiệp trong bối cảnh kinh doanh mới".
Quyển sách giúp bạn đọc nhận diện dấu hiệu cần thay đổi, tái cấu trúc doanh nghiệp trong bối cảnh kinh doanh mới. Kế đến là những phương pháp phát triển năng lực sáng tạo, xây dựng kế hoạch tái cấu trúc doanh nghiệp. Cuối cùng là chuyển đổi phương thức quản trị cho phù hợp với bối cảnh mới.
Quyển sách là tài liệu tham khảo cho quý doanh nghiệp có nhiều khát vọng nâng tầm cạnh tranh vượt trội trong bối cảnh mới; là tài liệu tham khảo có nhiều ý nghĩa cho sinh viên học ngành quản trị kinh doanh, kinh tế và tài chính.
Quý bạn đọc quan tâm và bạn bè ủng hộ vui lòng liên hệ:
Nhà xuất bản Thông tin và truyền thông - Chi nhánh TP.HCM
Đ/c: 211 đường D2, P.25, Q. Bình Thạnh, TP.HCM
Liện hệ chị Cao Thị Thanh Huyền: Điện thoại: 0908717784; 02835127750
LỜI NÓI ĐẦU:
Mọi sự cải tiến đều có giới hạn, chỉ có sáng tạo mới làm nên đột phá để chinh phục nhu cầu mới của khách hàng. Có những thời điểm lịch sử rất cần đến sự sáng tạo, thay đổi mạnh mẽ để tiếp tục tồn tại và phát triển. Hiện nay, nhân loại đang đứng trước ngưỡng cửa của cách mạng công nghiệp 4.0, hội nhập quốc tế đan xen với chủ nghĩa bảo hộ, sự xuất hiện của kinh tế chia sẻ, các đợt khủng hoảng xảy ra bất thường... đòi hỏi doanh nghiệp phải luôn đặt mình trong cuộc chiến tái cấu trúc liên tục để phát triển.
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, đòi hỏi doanh nghiệp phải tái lập lợi thế theo hướng nâng cao năng lực thâm nhập thị trường nước ngoài và phòng vệ trên thị trường nội địa. Định hướng tái cấu trúc được đặt trong bối cảnh đang diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 làm thay đổi phương thức kinh doanh mới diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Trước ngưỡng cửa của mọi cuộc cách mạng công nghiệp, nhân loại chứng kiến sự vươn lên của các nhóm doanh nghiệp tiến bộ; sự tụt hậu, đổ vỡ của những nhóm doanh nghiệp đã từng thành công.
Không có một phương thức kinh doanh nào phù hợp với mọi thời đại, khi môi trường kinh doanh thay đổi, đòi hỏi doanh nghiệp phải liên tục thay đổi để thích ứng. Môi trường kinh doanh quyết định cấu trúc doanh nghiệp như định hướng khách hàng, sản phẩm, công nghệ, phương thức kinh doanh, hệ thống quản lý, quản trị các hoạt động và kỹ năng lao động.
Khi khả năng tận dụng cơ hội, tránh né thách thức hoặc chuyển thách thức thành cơ hội bị hạn chế, doanh nghiệp cần đặt vấn đề tái cấu trúc để tiếp tục phát triển. Khó khăn nhất là không biết bắt đầu từ đâu, nên nhận diện đúng dấu hiệu cần tái cấu trúc là việc rất quan trọng để xác định mục tiêu và phương án tái cơ cấu phù hợp. Muốn vậy, phải thiết kế được hệ thống tự động nhận diện dấu hiệu cần tái cấu trúc để làm cơ sở cho những thay đổi ngắn và dài hạn. Đây là triết lý để xây dựng cấu trúc doanh nghiệp tối ưu được trình bày trong phần I – Nhận diện dấu hiệu tái cấu trúc.
Nhiều công ty nhận diện được dấu hiệu tái cấu trúc nhưng không vượt qua được các trở lực để thực hiện đổi mới thành công. Mọi công cuộc đổi mới đều vấp phải những trở lực như sự đối đầu giữa cái mới với cái cũ, giữa được và mất, giữa ủng hộ và phản đối... Cạm bẫy lớn nhất là sự thiếu lý trí khi cân nhắc giữa cái trước mắt với triển vọng lâu dài. Khi đổi mới, mất mát, xung đột có thể nhìn thấy trước mắt, còn triển vọng về cái được, hiệu quả trong dài hạn thì chưa chắc có thể đạt được. Do vậy, cần chuẩn bị kỹ lưỡng đội ngũ cùng chung tầm nhìn để công cuộc đổi mới thành công.
Mặt khác, đổi mới sáng tạo không chỉ dừng lại ở nghiên cứu, sáng chế ra sản phẩm mới, mà phải hướng đến khai thác được nhu cầu lớn nhất trên thị trường. Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo biểu hiện qua việc liên tục tạo ra giá trị mới để thu hút khách hàng tiêu dùng hàng hóa, sử dụng dịch vụ ngày một nhiều hơn, sẵn lòng trả với giá cao hơn. Phương pháp giúp doanh nghiệp vượt qua trở lực để sáng tạo thành công được trình bày trong phần II – Phát triển năng lực sáng tạo.
Khi nhận diện được dấu hiệu tái cấu trúc, doanh nghiệp cần xác định loại hình tái cấu trúc từng bước hay toàn diện để xác định tầm nhìn dài hạn với hướng đi rõ ràng. Định hướng xuyên suốt là tạo ra được lợi thế mới (thường gọi là tái lập lợi thế): hướng đến các chuẩn mực tiến bộ, vượt trội hơn so với đối thủ cạnh tranh, hoặc tạo ra hướng đi mới tránh cạnh tranh. Trong xây dựng kế hoạch tái cấu trúc, cần lưu ý những trở lực, cân nhắc những ràng buộc nguồn lực và các yếu tố tác động khi đề ra chương trình, kế hoạch, dự án với lộ trình thích hợp, khả thi cho từng giai đoạn của tái cấu trúc. Phương pháp phát triển kế hoạch và triển khai dự án tái cấu trúc được trình bày trong phần III – Kế hoạch tái cấu trúc.
Trong những năm gần đây, dưới sự tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, xuất hiện nhiều giải pháp công nghệ làm thay đổi phương thức quản trị từ hoạt động cung ứng, quản lý sản xuất, kiểm soát chất lượng, marketing, bán hàng đến các hoạt động quản trị tổng quát như tài chính, nhân sự, đầu tư,... Doanh nghiệp cần chuyển đổi phương thức quản trị để thích ứng với xu hướng công nghệ mới. Phương pháp thực hiện chuyển đổi phương thức quản trị trong xu hướng công nghệ mới được trình bày trong phần IV – Chuyển đổi phương thức quản trị.
Tái cấu trúc doanh nghiệp là một công cuộc đổi mới luôn vấp phải những trở lực và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đòi hỏi lãnh đạo doanh nghiệp cần nắm bắt được phương pháp, kỹ năng nhận diện dấu hiệu, phát triển kế hoạch, tổ chức thực hiện, lãnh đạo công cuộc tái cấu trúc.
Những chiến lược, phương pháp, kỹ năng tái cấu trúc doanh nghiệp chia sẻ trong quyển sách này được tác giả đúc kết từ quá trình hoạt động thực tiễn của bản thân, cũng như tổng kết quá
trình tái cấu trúc của một vài doanh nghiệp mà tác giả có điều kiện tiếp cận. Rất mong nhận được góp ý thẳng thắn từ bạn đọc để lần tái bản tiếp theo được hoàn thiện hơn.
TS. HUỲNH THANH ĐIỀN