TÁI CƠ CẤU HỆ THỐNG TÀI CHÍNH TRONG BỐI CẢNH KINH DOANH MỚI

Date: - View: 1264 - By:

TS. Huỳnh Thanh Điền

 

Thị trường tài chính giữ vai trò cung cấp vốn cho các hoạt động kinh tế, là kênh truyền dẫn di chuyển nguồn lực, chuyển đổi đổi sở hữu, góp phần tạo nên minh bạch trong quản lý nhà nước và kiểm soát sự vào ra nguồn lực của quốc gia. Hội nhập kinh tế quốc tế với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), đan xen với chủ nghĩa bảo hộ, cùng sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 làm thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế. Theo đó, cần tái cơ cấu thị trường tài chính theo hướng gia tăng hiệu quả cung cấp vốn, tạo sự minh bạch, công bằng trong thực hiện nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp và kiểm soát dòng di chuyển nguồn lực vào ra giữa các quốc gia.

 

1. Vai trò của các thị trường tài chính

Hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, đan xen với các cuộc chiến tranh thương mại song phương giữa các nước lớn, cùng sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là đặc trưng của bối cảnh kinh doanh mới. Theo đó, sự kết nối và di chuyển nguồn lực nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu. Thị trường tài chính là kênh truyền dẫn di chuyển nguồn lực chủ yếu (Huỳnh Thanh Điền, 2018a). Đồng thời thông qua thị trường tài chính, chính phủ có thể kiểm soát được nguồn lực vào ra giữa các quốc gia, đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong việc tuân thủ nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp, kiểm soát tính cũng như nắm bắt các tính hiệu thuận lợi hay bất ổn của nền kinh tế để có những quyết sách hiệu quả.

Trong bối cảnh kinh doanh mới, có 4 loại thị trường tài chính quan trọng nhất đối với nền kinh tế, bao gồm: thị trường tín dụng ngân hàng, thị trường ngoại hối, thị trường bảo hiểm và thị trường đầu tư tài chính. Phương thức kinh doanh của các chủ thể trên thị trường này có tác động đến chi phí giao dịch, năng lực tận dụng cơ hội kinh doanh, bảo đảm an toàn tài sản, cũng như tính hiệu quả của các chính sách kinh tế của chính phủ.

Nếu thị trường tín dụng ngân hàng đổi mới phương thức huy động vốn sẽ tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân gửi tiết kiệm nhanh chóng hơn; đổi mới phương thức thẩm định cho vay giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn vay tốt hơn; đổi mới phương thức giao dịch thanh toán giúp doanh nghiệp đổi mới phương thức bán hàng và thanh toán qua ngân hàng. Khi ngân hàng đổi mới khích thích các giao dịch qua hệ thống ngân hàng thì nhà nước cũng dễ dàng kiểm soát nghĩa vụ tuân thủ pháp luật về thuế của các tổ chức, cá nhân dễ dàng hơn. Việc đổi mới phương thức hoạt động của các thị trường bảo hiểm, đầu tư tài chính, ngoại hối cũng có tác dụng tương tự.

2. Nhận diện vấn đề cần tái cơ cấu thị trường tài chính Việt Nam

Kể tư khi nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng, thì trường tài chính phát triển ngày càng hoàn thiện của về lượng và chất. Các loại hình tổ chức tín dụng ngày càng đa dạng nhưng chủ yếu vẫn là ngân hàng thương mại. Phương tiện thanh toán ngày càng đa dạng, nguồn tiền huy động của các tổ chức tín dụng tăng đều qua các năm góp phần tạo vốn cho nền kinh tế. Trong 3 năm gần đây, các tổ chức tín dụng tích cực tái cơ cấu hoạt động và từng bước cải thiện hiệu hoạt động, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng giảm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, nhìn lại thị trường tín dung của Việt Nam kể từ khi gia nhập WTO còn nhiều hạn chế. Giao dịch tiền mặt trong nền kinh tế vẫn còn phổ biến, các phương tiện thanh toán của ngân hàng chưa theo kịp với xu hướng mới; nguồn vốn sản xuất kinh doanh chủ yếu vẫn phụ thuộc vào vốn ngân hàng, thị trường cổ phiếu, trái phiếu tuy phát triển nhưng vẫn chưa đảm nhận được vai trò là kênh cung cấp vốn chủ yếu cho doanh nghiệp; tính minh bạch và chuyên nghiệp của các tổ chức môi giới chứng khoán chưa cao; thị trường bảo hiểm tuy phát triển nhanh những vẫn chưa thâm nhập sâu rộng vào tất cả các phân khúc thị trường trong nền kinh tế; thị trường ngoại hối tuy ổn định nhưng chưa được sử dụng như một công cụ thúc đẩy tang trưởng kinh tế. Cụ thể như sau:

2.1. Ngân hàng: chưa đảm nhận tốt kênh truyền dẫn nguồn lực trong nền kinh tế

Hệ thống ngân hàng hiện nay chưa thật sự trở thành kênh giao dịch thanh toán chủ yếu của các giao dịch mua ban trong nền kinh tế Việt Nam (chủ yếu ở các đô thị lớn), giao dịch thanh toán tiền mặt vẫn còn phổ biến ở Việt Nam. Do vậy, doanh nghiệp muốn thay đổi phương thức bán hàng theo xu hướng công nghệ còn gặp nhiều khó khăn.

Ngân hàng chậm đổi mới các công cụ thanh toán hiện đại để tạo điều kiện cho doanh nghiệp chuyển đổi phương thức bán hàng. Chẳng hạn như bán hàng online chủ yếu sử dụng hình thức thanh toán trực tuyến, nếu ngân hàng không đẩy mạnh dịch vụ thẻ thanh toán trực tuyết sâu rộng đến người dung thì doanh nghiệp sẽ khó long triển phương thức bán hàng này. Bên cạnh đó, nếu có dịch vụ thanh toán thẻ trực tuyến gặp phải vấn đề bảo mật không tốt, để xảy ra rủi ro thì càng khó thuyết phục người dùng hơn (các rủi này đã xảy ra khá phổ biến trong thời gian qua).

Khi giao dịch thanh toán ngoài ngân hàng vẫn còn phổ biến thì việc kiểm soát tuân thủ pháp luật liên quan đến nghĩa vụ tài chính cũng sẽ khó khăn hơn, gây thất thu ngân sách nhà nước. Đồng thời không đảm bảo được công bằng, bình đẳng trong cạnh tranh giữa các tổ chức kinh tế, cũng như rủi ro tài chính của các chủ thể tham gia hoạt động kinh tế ngày càng nhiều hơn.

Trước bối cảnh kinh doanh mới, doanh nghiệp đua nhau thay đổi phương thức kinh doanh để thích ứng nhằm tăng lợi thế cạnh tranh vượt trội. Sự phát triển của các công nghệ không chỉ giúp doanh nghiệp có thể vận dụng để gia tăng năng suất và kiểm soát chất lượng, mà còn có thể kết hợp với nhau để đổi mới tất cả các hoạt động của doanh nghiệp từ phân tích hành vi của khách hàng, sáng tạo sản phẩm mới, quảng bá sản phẩm, tư vấn trực tuyến, kiểm soát sản xuất và chất lượng tự động, quản lý tài chính, làm việc từ xa... Các giải pháp công nghệ này giúp doanh nghiệp khởi nghiệp vận dụng để tạo ra lợi thế mới, giúp doanh nghiệp hiện hữu tái lập lợi thế mới để tiếp tục phát triển (Huỳnh Thanh Điền, 2018b).

Mọi hoạt động đầu tư, kinh doanh và tài chính của doanh nghiệp điều lieu quan đến dòng tiền vào ra. Nếu dòng tiền vào ra đối với hoạt động của doanh nghiệp, người dân đều được thực hiện qua hệ thống ngân hàng thì mọi thứ sẽ minh bạch và nhà nước dễ quản lý dòng di chuyển nguồn trong hoạt động kinh tế hơn.

2.2. Thị trường chứng khoán: chưa đảm nhận được vai trò cung cấp vốn chủ yếu cho đầu tư dài hạn của doanh nghiệp

Trong hoạt động đầu tư, doanh nghiệp phát triển nhanh không thể chỉ dựa vào vốn vay từ ngân hàng. Bởi ngân hàng cho vay cần có tài sản thế chấp và chấp nhận độ rủi ro thấp nên không thể cung cấp vốn cho các dự án đầu tư lớn so với quy mô tài sản của doanh nghiệp. Do vậy, doanh nghiệp muốn phát triển nhanh cần huy động vốn thong qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu. Tuy nhiên, nguồn vốn từ phát hành cổ phiếu mới cho các dự án đầu tư còn nhiều hạn chế. Đồng thời thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn ở mức độ rất sơ khai.

Trong bối cảnh kinh doanh mới, những doanh nghiệp có quy mô lớn, kinh doanh theo kiểu truyền thống thường không theo kịp sự thay đổi của môi trường kinh doanh. Họ không dễ dàng thay đổi công nghệ bởi chưa hoàn được vốn, đầu tư càng lớn thì sự thay đổi diễn ra càng chậm. Đầu tư nhà máy sản xuất quy mô lớn luôn đối mặt với "cái bẫy ngại thay đổi" nên khó tồn tại, buộc lòng  phải chuyển nhượng, hoặc sáp nhập vào DN khác.

Những doanh nghiệp không kịp thời nắm bắt công nghệ để đổi mới sáng tạo, vẫn kinh doanh theo phương thức truyền thống có thể sẽ thoái vốn bằng cách bán lại cho doanh nghiệp có ưu thế cạnh tranh hơn nhờ vào đổi mới sáng tạo. Đó sẽ là xu hướng cấu trúc vốn trong tương lai - xu hướng đại chúng hóa toàn cầu nguồn vốn của các công ty. Trên thực tế, xu hướng này đang diễn ra ngày càng nhanh trong những năm gần đây. Các giao dịch mua bán - sáp nhập (M&A) giữa doanh nghiệp chậm nắm bắt công nghệ, kém lợi thế cạnh tranh sáp nhập vào các DN có ưu thế về đổi mới sáng tạo. Những cổ đông sáng lập của các doanh nghiệp bị sáp nhập sẵn sàng thoái vốn để đầu tư vào những doanh nghiệp có ưu thế về công nghệ. Trong khi đó, thị trường chứng khoán Việt Nam chưa thật sự trở thành kênh giao dịch mua bán sáp nhấp hiệu quả.

Thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển khá sôi động nhưng chưa thật sự trở thành kênh huy động vốn chủ yếu cho doanh nghiệp. Nguồn vốn đầu tư chủ yếu được cung cấp từ hệ thống ngân hàng. Thị trường trái phiếu sau hơn 10 năm gia nhập WTO vẫn còn ở mức sơ khai, chưa thật sự trở thành kênh vay vốn đầu tư dài hạn cho doanh nghiệp. Nguyên nhân cơ bản nhất là phần lớn DN Việt Nam vẫn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa quen với các kênh huy động vốn mới. Hơn nữa, tính minh bạch của thị trường chưa cao nên nhà đầu tư còn e ngại góp vốn hoặc cho vay thong qua mua cổ phiếu trái phiếu do doanh nghiệp phát hành. Mặc khác, vai trò các các công ty môi giới chứng khoan còn mờ nhạc trong việc kết nối cung cầu trên thị trường chứng khoán (Huỳnh Thanh Điền, 2017a).

2.3. Quỹ đầu tư: Chưa tích cực cung cấp vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Đặc thù của nền kinh tế Việt Nam có nhiều công ty gia đình có tiềm năng phát triển lớn. Năng lực quản lý tài chính của các doanh nghiệp này rất hạn chế nên khó lòng huy động vốn từ thị trường chứng khoán. Nguồn cung cấp vốn khả thi nhất đối với doanh nghiệp này là quỹ đầu tư, vừa có chức năng đầu tư tài chính và đồng hành cùng doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị điều hành kinh doanh.

Trong xu hướng công nghệ mới, nhiều ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo cần vốn đầu tư. Nguồn vốn từ ngân hàng không phù hợp cho các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo bởi tính rủi ro cao. Do vậy, rất cần các quỹ đầu tư tư nhân để cung cấp vốn thúc đẩy phát triển khởi nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên, các quỹ đầu tư tư nhân hoạt động chưa nhiều và chưa mạnh.

Hiện nay, ở Việt Nam có hai loại quỹ, bao gồm: các quỹ của Nhà nước như quỹ thuộc Chính phủ và địa phương quản lý như Quỹ Phát triển DNNVV, Quỹ Bảo lãnh tín dụng DNNVV và các quỹ đầu tư tư nhân. Các quỹ đầu tư do nhà nước quản lý thường không hiệu quả bởi nguồn vốn ngân sách không thể chấp nhận rủi ro nên những người hoạt động quỹ rất e ngại giải ngân vốn đầu tư cho các doanh nghiệp.

Tính đến năm 2017, có khoảng trên 40 quỹ đầu tư tư nhân hoạt động tại Việt Nam. Trong đó phần lớn là các quỹ đầu tư nước ngoài nhưng số lượng doanh nghiệp tiếp cận các quỹ còn rất hạn chế. Nguyên nhân là do phần lớn DN Việt Nam là DNNVV (chiếm 97% tổng số doanh nghiệp cả nước) chưa được đào tạo bài bản nên trình độ, năng lực quản trị DN yếu kém nên khó lòng đạt được sự tin tưởng của các quỹ.

2.4. Thị trường bảo hiểm

Tính đến tháng 9 năm 2018, thị trường bảo hiểm có 63 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, trong đó có 30 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 18 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 02 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 13 doanh nghiệp mối giới bảo hiểm và 01 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài. Tốc độ tăng trưởng doanh thu của ngành Bảo hiểm trong những năm gần đây luôn đạt mức trên 20%. So với thời điểm trước khi gia nhập WTO, thị trường bảo hiểm đã có bước phát triển vượt bậc cả về số lượng doanh nghiệp và doanh thu phí bảo hiểm.

Bên cạnh những kết quả khả quan đã đạt được, thị trường bảo hiểm còn một số tồn tại, hạn chế nhất định như phân khúc khai thác bảo hiểm còn chưa đồng đều, các doanh nghiệp bảo hiểm chủ yếu tập trung khai thác tại các thành phố lớn và các đối tượng có thu nhập cao. Năng lực quản trị điều hành, hiệu quả hoạt động của một số DNBH phi nhân thọ còn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, vẫn còn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ; phí bảo hiểm chưa được xây dựng dựa trên cơ sở số liệu thống kê để đảm bảo an toàn tài chính và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Thị trường bảo hiểm vẫn còn tình trạng gian lận trong kinh doanh bảo hiểm đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến quyền và lợi ích của doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm.

2.5. Quản lý ngoại hối

Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước quản lý hoạt động ngoại hối và điều hành tỷ giá, thị trường ngoại tệ theo hướng đến mục tiêu ổn định tỷ giá. Muốn vậy, buộc lòng phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư gián tiếp và các giao dịch ngoại tệ. Với cơ chế quản lý tỷ giá thận trọng đã góp phần đảm bảo mục tiêu ổn đinh, nhưng chưa tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng.

Trong bối cảnh hội nhập, đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng nhanh. Theo đó, nhu cầu cho vay, kinh doanh ngoại hối cũng tăng cao. Mảng kinh doanh ngoại hối và dịch vụ chiếm tỷ trọng rất lớn trong doanh thu cũng như lợi nhuận của nhiều ngân hàng. Dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp đã góp phần tạo nên sự thặng dư của cán cân vốn. Ngoài ra, nguồn kiều hối liên tục tang góp phần tạo điều kiện hết sức thuận lợi để NHNN tăng cường mua vào USD. Thuận lợi trong dự trữ ngoại hối giúp NHNN có thêm công cụ để điều hành linh hoạt tỷ giá, đồng thời góp phần tăng thêm xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam.

Tóm lại, sau hơn 10 năm gia nhập WTO thị trường tài chính Việt Nam có đã trải qua những bước thăng trầm phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Tuy nhiên, tính đến nay thì nguồn vốn cung cấp cho nền kinh tế chủ yếu từ hệ thống ngân hàng nên tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với hệ thống tín dụng. Thị trường chứng khoán chưa thật sự trở thành kênh huy động vốn cho các dự án đầu tư dài hạn của doanh nghiệp, doanh nghiệp chưa sử dụng thị trường trái phiếu như là kênh vay vốn chủ yếu cho dự án đầu tư dài hàn. Các quy đầu tư vẫn trở thành những người bạn đồng hành tiếp sức DNNVV phát triển. Thị trường bảo hiểm vẫn chưa thâm nhập sâu rộng vào các phân khúc khác nhau trong nền kinh tế, chưa bảo an toàn cho các chủ thể trong nền kinh tê. Chính sách quản lý ngoại hối thiên về mục tiêu ổn định hơn là tang trưởng.

Đặc biệt là hệ thống ngân hàng chưa thật sự trở thành kênh truyền dẫn di chuyển nguồn lực trong nền kinh tế, vẫn còn nhiều giao dịch thanh toán ngoài hệ thống ngân hàng. Tồn tại này sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp chuyển đổi phương thức bán hàng, gây khó khăn cho quản lý nhà nước đối với việc tuân thủ nghĩa vụ tài chính của các chủ thể trong nền kinh tế, cũng như quản lý an ninh tài chính quốc gia.

3. Định hướng tái cấu trúc thị trường tài chính

Trong bối cảnh kinh doanh mới, dưới sự tác động của xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế thúc đẩy nguồn lực tự do di chuyển và xu hướng công nghệ mới thúc đẩy kết nối nguồn lực ngày càng hiệu quả hơn. Các thị trường tài chính với vai trò là kênh chuyền dẫn nguồn lực di chuyển nên cần được thiết lập sao cho thúc đẩy hiệu quả các hoạt động trong nền kinh tế. Trọng tâm của tái cơ cấu thị trường tài chính đề xuất như sau:

Một là, tái cơ cấu hoạt động ngân hàng theo hướng đổi mới phương thức giao dịch thanh toán, khích thích người dân và doanh nghiệp thực hiện giao dịch thanh toán tự động qua hệ thống ngân hàng. Khi đó sẽ thúc đẩy doanh nghiệp mạnh dạng đổi mới phương thức bán hàng và thanh toán qua mạng. Đồng thời tạo điều thuận lợi cho nhà nước quản lý và đảm bảo công bằng trong tuân thủ các nghĩa vụ tài chính đối với các chủ thể trong nền kinh tế.

Hai là, tái cấu thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn của doanh nghiệp trong phát triển các dự án đầu mới, phát triển thị trường trái phiếu trở thành kênh vay vốn chủ yếu đối với các dự án đầu tư dài hạn của doanh nghiệp.

Ba là, thúc đẩy xã hội hoá trong thành lập các quỹ đầu tư, xem quỹ đầu tư là nguồn vốn chủ yếu để phát triển quy mô các doanh nghiệp DNNVV, chuyển đổi từ hộ kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo.

Bốn là, thúc đẩy phát triển các loại hình bảo hiểm đảm bảo giảm rủi ro đối với các chủ thể trong nền kinh tế; đặc biệt là bảo hiểm tài sản đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh. Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm sâu rộng đến với các ngành, các địa phương trong cả nước.

Năm là, cơ cấu lại hoạt động quản lý ngoại hối vừa đảm bảo ổn định vừa kích thích tăng trưởng, đặc biệt là mở rộng kinh doanh ngoại hối cho ngân hàng bản địa đối với khối doanh nghiệp FDI.

LIÊN KẾT
FANPAGE