Những năm gần đây xuất hiện nhiều phương thức kinh doanh mới đòi hỏi doanh nghiệp (DN) phải năng động nắm bắt cơ hội và có cách ứng xử phù hợp với thách thức.
(Buổi giảng về lập kế hoạch kinh doanh trong bối cảnh mới tại Công ty Cao Su Dầu Tiến- Bình Dương, tháng 5/2018)
DN luôn cần đến những giải pháp công nghệ để tăng năng suất và hiệu quả trong tất cả các hoạt động từ khâu cung ứng, tổ chức sản xuất, kiểm soát chất lượng, quảng bá sản phẩm, phân phối đến các hoạt động quản trị nhân sự, tài chính, đầu tư...
Cứ qua một cuộc cách mạng công nghiệp là xuất hiện những phương thức kinh doanh mới và đánh dấu sự đổi ngôi giàu có của các DN trên phạm vi toàn cầu. Chúng có tác động thay đổi cấu trúc hoạt động của DN, theo đó sở hữu vốn của DN cũng dần chuyển từ cổ đông địa phương sang cổ đông toàn cầu.
Những năm gần đây xuất hiện nhiều phương thức kinh doanh mới với sức cạnh tranh vượt trội so với những cách làm ăn truyền thống của các DN lớn. Chẳng hạn như phương thức kinh doanh khai thác tài nguyên sẵn có của người dùng (thường gọi là kinh tế chia sẻ) như Airbnb, Grap, Uber, RabbitTask..., bán hàng trực tuyến, sản xuất linh hoạt đáp ứng nhu cầu của khách hàng với năng suất không thua kém sản xuất hàng loạt.
Phương thức kinh doanh mới chủ yếu được sáng tạo dựa trên nền tảng phát triển của internet kết nối vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây, công nghệ tự động hóa trong sản xuất và kiểm soát chất lượng, robot cộng tác với người, in ấn 3D... Mỗi sự kết hợp giữa các công nghệ đó có thể dễ dàng sáng tạo ra phương thức kinh doanh mới, nếu tận dụng tốt có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh vượt trội.
Sự phát triển của các công nghệ này không chỉ giúp DN có thể vận dụng để gia tăng năng suất và kiểm soát chất lượng, mà còn có thể kết hợp với nhau để đổi mới tất cả các hoạt động của DN từ phân tích hành vi của khách hàng, sáng tạo sản phẩm mới, quảng bá sản phẩm, tư vấn trực tuyến, kiểm soát sản xuất và chất lượng tự động, quản lý tài chính, làm việc từ xa... Các giải pháp công nghệ này giúp DN khởi nghiệp vận dụng để tạo ra lợi thế mới, giúp DN hiện hữu tái lập lợi thế mới để tiếp tục phát triển.
Trước xu hướng này, dòng đời của sản phẩm sẽ rút ngắn hơn, sự xuất hiện bất ngờ của đối thủ tiềm ẩn và sản phẩm thay thế làm DN không kịp thích ứng. Những giải pháp công nghệ đều có thể ứng dụng trong các hoạt động quản trị, nếu DN chậm nắm bắt và cải tiến thì năng lực cạnh tranh sẽ kém, có nguy cơ rời khỏi thị trường. Trong khi đó, quá trình đổi mới của DN luôn đối mặt với những trở lực, nhất là công nghệ đã đầu tư với giá trị lớn nhưng lạc hậu khi chưa thu hồi vốn, kiến thức và kỹ năng của nguồn nhân lực không thích ứng với bối cảnh mới.
Những DN không kịp thời nắm bắt công nghệ để đổi mới sáng tạo, vẫn kinh doanh theo phương thức truyền thống có thể sẽ thoái vốn bằng cách bán lại cho DN có ưu thế cạnh tranh hơn nhờ vào đổi mới sáng tạo. Đó sẽ là xu hướng cấu trúc vốn trong tương lai - xu hướng đại chúng hóa toàn cầu nguồn vốn của các công ty.
Trên thực tế, xu hướng này đang diễn ra ngày càng nhanh trong những năm gần đây. Các giao dịch mua bán - sáp nhập (M&A) giữa DN chậm nắm bắt công nghệ, kém lợi thế cạnh tranh sáp nhập vào các DN có ưu thế về đổi mới sáng tạo. Những cổ đông sáng lập của các DN bị sáp nhập sẵn sàng thoái vốn để đầu tư vào những DN có ưu thế về công nghệ.
Bên cạnh đó, phương thức kinh doanh mới chẳng những chiếm được ưu thế cạnh tranh mà còn tránh né được nghĩa vụ tuân thủ pháp luật, bởi công cụ quản lý của Nhà nước chưa thể theo kịp sự năng động của thị trường.
Nhiều phương thức kinh doanh mới nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của các văn bản pháp luật về nghĩa vụ thuế và các điều kiện kinh doanh, tạo ra sự bất bình đẳng trong thực hiện nghĩa vụ tuân thủ pháp luật giữa DN kinh doanh truyền thống với DN kinh doanh theo phương thức mới, càng thúc đẩy DN theo phương thức kinh doanh truyền thống đi đến bờ vực phá sản sớm hơn nếu không kịp thời tái lập lợi thế mới để thích ứng.
Để thích ứng với xu hướng công nghệ mới, trước hết cần nhận diện tác động của chúng đến sự thay đổi nhu cầu của khách hàng, làm cơ sở để định hướng lại chiến lược đổi mới. Thay đổi dễ nhận thấy nhất là xu hướng tương tác với internet của đại đa số khách hàng trong hoạt động hằng ngày, từ nảy sinh nhu cầu đến tìm kiếm thông tin và mua hàng.
Do vậy, phương thức thu thập dữ liệu người dùng qua các công cụ internet để dự đoán hành vi mua sắm của khách hàng, marketing và bán hàng trực tuyến, công nghệ kết nối người dùng với nhà cung cấp để rút ngắn thời gian và chi phí phân phối... là cấp thiết đối với DN ở hầu hết các ngành.
Về lâu dài, cần định hướng chiến lược kinh doanh toàn cầu để giúp DN thuận lợi hơn trong nắm bắt thông tin, tiếp cận được các giải pháp công nghệ mới để cải tiến phương pháp sản xuất, kinh doanh, tiếp cận khách hàng toàn cầu.
DN trong nước cần định hướng liên kết, hợp tác tốt với các DN FDI để thuận lợi hơn trong nắm bắt tiêu chuẩn, kỹ thuật mới, tiếp cận tri thức và công nghệ mới. Quan trọng nhất là chuẩn bị nhân lực có khả năng hấp thụ thành quả của tiến bộ công nghệ toàn cầu, từng bước tái lập lợi thế mới.