TS Huỳnh Thanh Điền/ Báo Gài gòn Giải phóng
Điều kiện cần cho mọi cơ hội phát triển của doanh nghiệp (DN) là nhu cầu mà DN có điều kiện và khả năng cung ứng. Chính phủ có thể tạo ra nhu cầu này và định hướng cho DN trong nước cung ứng, qua đó giúp DN trong nước ngày càng lớn mạnh, đủ sức cạnh tranh toàn cầu. Đây cũng chính là một việc làm thiết thực để cụ thể hóa thông điệp “Chính phủ kiến tạo”.
Các doanh nghiệp Việt Nam đang nâng cao sức cạnh tranh sản xuất các mặt hàng kỹ thuật cao (Ảnh: Sản xuất máy tính tại Nhà máy FPT Elead). Ảnh: CAO THĂNG
Vòng luẩn quẩn năng lực cạnh tranh
Sau nhiều năm hội nhập, những thành tựu đạt được về phát triển kinh tế của Việt Nam là không thể phủ nhận. Tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức khá ổn định, cán cân thương mại từng bước chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu, thể chế kinh tế thị trường ngày càng được hoàn thiện. Tuy nhiên, DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và DN “thân hữu” có lợi thế trong tiếp cận đất đai, tài nguyên đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng và thặng dư cán cân thương mại. Trong khi đó, nhóm DN trong nước thuộc khu vực sản xuất còn gặp nhiều khó khăn, nhất là cơ hội tiếp cận thị trường, đơn hàng sản xuất cung ứng sản phẩm còn nhiều hạn chế.
Trên thực tế, các ngành nghề trong bất kỳ nền kinh tế nào cũng đều có mối quan hệ mật thiết với nhau, ngành này là đầu vào cho ngành khác. Trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, sự phụ thuộc đó không chỉ gói gọn trong một quốc gia mà vươn ra phạm vi toàn cầu. Theo đó, các DN trong các ngành kinh tế cũng luôn tồn tại mối quan hệ cung ứng lẫn nhau để hướng đến phục vụ tiêu dùng cuối cùng; trong mối quan hệ đó, luôn tồn tại nhóm DN dẫn dắt chuỗi cung ứng. Thực tế trong thời gian qua, nhờ vào xu hướng hội nhập sâu rộng mà các công ty đa quốc gia tận dụng được lợi thế theo quy mô lớn trở thành những DN dẫn dắt, lãnh đạo chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Theo đó, nếu DN Việt Nam muốn phát triển quy mô kinh doanh cần phải tích hợp được vào chuỗi cung ứng đó.
Tuy nhiên, năng lực cung ứng của DN Việt Nam gặp nhiều hạn chế bởi nhu cầu sản phẩm phụ trợ chưa hướng đến DN trong nước do doanh nghiệp FDI còn e ngại khi đặt hàng, vì tiềm ẩn nhiều rủi ro về chất lượng, số lượng và tiến độ giao hàng. Vì vậy, họ thường đặt hàng với những đơn hàng sản xuất nhỏ, chủ yếu là làm thử nên không hấp dẫn được DN trong nước đầu tư cải tiến công nghệ. Mặt khác, ngay cả các DN lớn trong nước cũng ngại đặt hàng các DN nội cung ứng cũng với lý do tương tự. Cho nên, phần lớn các DN trong nước rơi vào “vòng luẩn quẩn”: thiếu vốn - khó tiếp cận tín dụng - khó đầu tư cải tiến công nghệ - năng lực cạnh tranh kém - hiệu quả thấp, khó tích tụ vốn.
Mấu chốt của vòng luẩn quẩn này là khả năng tiếp cận nhu cầu, tiếp cận chuỗi cung ứng. Nguyên nhân: 1- những yếu kém về công nghệ, trình độ quản lý, hạn chế trong áp dụng hệ thống quản lý chất lượng (trên 70% DN không áp dụng hệ thống quản lý) nên khó đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu; 2- nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất sản phẩm đòi hỏi kỹ thuật cao, do trình độ sản xuất thấp, do các chương trình đào tạo kỹ thuật, thiết kế công nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn; 3- DN trong nước thiếu định hướng xuất khẩu.
Kỳ vọng Chính phủ kiến tạo
Khi DN trong nước gặp khó khăn trong việc tiếp cận nhu cầu và chuỗi cung ứng toàn cầu, họ kỳ vọng nhận được cơ hội do Chính phủ kiến tạo. Mặc dù hiện nay Việt Nam đang thực hiện nhiều dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng như đường bộ, đường sắt, đường biển, bến cảng, sân bay, hạ tầng viễn thông… hay các công trình mang tính thường nhật như xử lý rác, chống ngập, chống ô nhiễm không khí... Việc đầu tư các công trình này sẽ tạo ra nhu cầu rất lớn giúp DN phát triển.Tuy nhiên, phần lớn đối tượng DN hưởng lợi từ các công trình này là các doanh nghiệp FDI.
Mặt khác, các cơ chế chính sách hỗ trợ DN về thị trường, nguồn nhân lực, nghiên cứu công nghệ… còn mang tính hình thức, chưa đi vào chiều sâu, chưa đáp ứng nguyện vọng của DN. Chẳng hạn như hỗ trợ kinh phí cho DN tham gia xúc tiến thị trường, nhưng lại không có chính sách tạo lập thị trường thực cho DN; hỗ trợ cho nghiên cứu công nghệ cho các nhà khoa học với các vấn đề không liên quan đến nhu cầu của DN; quy định về trích lập quỹ đổi mới công nghệ nhưng không có cơ chế hướng dẫn, tư vấn sử dụng quỹ cho đúng mục đích (phần lớn DN sử dụng quỹ này không đúng mục đích); quy định hỗ trợ kinh phí đào tạo cho DN vừa và nhỏ, nhưng không kết nối DN để thiết kế các chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của họ…
Vai trò kết nối
Để thúc đẩy DN trong nước phát triển, vai trò kiến tạo cơ hội thông qua tạo nhu cầu thiết thực cho DN để tham gia sản xuất cung ứng là rất quan trọng. Có nhiều cách kiến tạo nhu cầu, trong đó cách tốt nhất là thông qua thực hiện các chương trình đầu tư công và các dự án đầu tư viện trợ/hỗ trợ ra nước ngoài để các DN trong nước tham gia, cụ thể:
Một là, kiến tạo nhu cầu: Trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng như đường bộ, đường sắt, đường biển, bến cảng, sân bay, hạ tầng viễn thông… hay các công trình mang tính thường nhật như xử lý rác, chống ngập, chống ô nhiễm không khí,… Chính phủ phải ưu tiên huy động các DN trong nước tham gia.
Hai là, thúc đẩy đổi mới công nghệ: nhu cầu lớn được tạo ra chính là động lực quan trọng để sáng tạo công nghệ. Khi đó, Chính phủ tiếp tục huy động các trường/viện thiết kế công nghệ rồi chuyển giao cho DN thi công/ sản xuất. Hay nói cách khác, Chính phủ và (hoặc) chính quyền địa phương giữ vai trò kết nối DN với trường/viện. Cách kiến tạo này vừa tạo cơ hội làm ăn cho DN, vừa thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ.
Ba là, tạo cơ hội phát triển kinh doanh ra bên ngoài: Trong các mối quan hệ quốc tế song phương, Chính phủ nên phân tích rõ: lĩnh vực nào mà DN nước ngoài cần khai thác ở nước mình, nhưng không phải là lợi thế khi sản xuất tại nước họ thì kêu gọi họ vào đầu tư. Đồng thời cũng xem hàng hóa nào thật sự cung ở nước họ không đủ thì đàm phán giảm thuế xuất; tìm cách đưa DN Việt thâm nhập vào thị trường nước họ bằng những chương trình cụ thể.
Bốn là, phát triển nguồn nhân lực: Chính phủ/chính quyền các địa phương định hướng các Hiệp hội là nơi tổng hợp các vấn đề yếu kém về nhân lực của DN, kết nối với các trường/viện để thiết kế chương trình đào tạo và thực hiện đào tạo cho phù hợp với nhu cầu thực của DN.
Năm là, xác lập quyền sở hữu tài sản để tạo vốn kinh doanh cho DN: tạo lập và đa dạng các kênh huy động vốn, công cụ huy động vốn cho DN. Bên cạnh đó, phải thực hiện nghiêm cơ chế xác lập quyền sở hữu tài sản (kể cả động sản và bất động sản) để DN có thể cầm cố, thế chấp để tạo vốn kinh doanh.
Vai trò của mình, Chính phủ/chính quyền địa phương không đơn thuần chỉ là quản lý nhà nước đối với các hoạt động trong nền kinh tế, mà cần kiến tạo cơ hội để thúc đẩy các chủ thể hoạt động có hiệu quả. Tạo cơ hội không chỉ dừng là ở mức độ ban hành và quản thực thi cơ chế, mà cần phải có những chương trình mang tính gợi ý, thu hút DN tham gia và đồng hành cùng DN trong mọi hoạt động.
Cơ chế chính sách trong thời gian qua để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp là rất nhiều, nhưng không phát huy được hiệu ứng, là do thiếu tính cụ thể, thiếu cân nhắc đến tính khả thi liên quan đến điều kiện tiếp cận, tư vấn hỗ trợ DN tiếp cận, chưa thật sự kiến tạo cơ hội cho DN. |
Tiến sĩ HUỲNH THANH ĐIỀN
(Thành viên Nhóm Tư vấn đề án Phát triển công nghiệp hỗ trợ TPHCM)