Chính sách của Nhà nước giữ vai trò quyết định trong việc tạo môi trường kích thích những ý định tích cực và thúc đẩy chúng trở thành hành động khởi nghiệp. Từ ý định đến hành động khởi nghiệp là quãng đường hoặc dài, hoặc ngắn, tùy thuộc vào hoàn cảnh kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia.
Chính sách của Nhà nước giữ vai trò quyết định trong việc tạo môi trường kích thích những ý định tích cực và thúc đẩy chúng trở thành hành động khởi nghiệp. Từ ý định đến hành động khởi nghiệp là quãng đường hoặc dài, hoặc ngắn, tùy thuộc vào hoàn cảnh kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia.
Quá trình khởi nghiệp bắt nguồn từ những ý định được ấp ủ trong môi trường sống của gia đình, nhà trường và cộng đồng. Nơi đây chứa đựng những tác nhân hình thành ý định khởi nghiệp tiêu cực hoặc tích cực.
Ý định tiêu cực xem mục đích của khởi nghiệp chỉ nhằm đem lại lợi ích, kiếm thật nhiều tiền cho bản thân mà không quan tâm đến xã hội. Ý định tích cực xem khởi nghiệp là quá trình tạo ra sản phẩm, dịch vụ đem lại lợi ích không chỉ cho mình mà còn cho xã hội.
Ý định khởi nghiệp tiêu cực bắt nguồn từ xã hội trọng tiền, nhiều người trong xã hội chỉ biết tôn vinh đồng tiền mà ít quan tâm đến việc kiếm tiền sẽ đem lại lợi ích hay gây nguy hại đến xã hội. Vấn đề này thường tồn tại trong một xã hội với nhiều quan chức tham nhũng, hối lộ. Theo đó, mọi người thường kiếm tiền bằng nhiều thủ thuật, thủ đoạn mà ít quan tâm đến việc tạo ra lợi ích cho xã hội.
Từ đó, vô tình con cái trong gia đình bị cuốn vào lối sống và làm việc với nhiều thủ đoạn miễn kiếm được tiền, bất chấp việc đó có xâm hại đến xã hội hay không. Lúc đó, ý định khởi nghiệp tiêu cực được hình thành và một ngày nào đó họ sẽ trở thành những doanh nhân chụp giật, kiếm tiền bằng các thủ đoạn gây hại cho xã hội.
Trái lại, ý định khởi nghiệp tích cực bắt nguồn từ xã hội biết trân trọng những giá trị đem lại lợi ích cho xã hội và lên án mạnh mẽ những hành vi kiếm tiền gây nguy hại đến cộng đồng. Việc này thường tồn tại trong một xã hội thượng tôn pháp luật, quan chức liêm chính, ít tham nhũng và hối lộ.
Theo đó, mọi người trong xã hội làm giàu bằng cách tạo ra sản phẩm, dịch vụ, hoặc sức lao động phục vụ cho người chấp nhận trả tiền; đồng thời hành vi này mang lại lợi ích, sự văn minh cho xã hội. Khi đó, khát vọng làm giàu chân chính sẽ được hình thành trong mỗi người, thúc đẩy sự ra đời lớp doanh nhân đóng góp tích cực vào nền văn minh của xã hội.
Ý định khởi nghiệp tiêu cực và tích cực luôn tồn tại đan xen trong một xã hội. Do vậy, hạn chế ý định khởi nghiệp tiêu cực và thúc đẩy ý định khởi nghiệp tích cực là trách nhiệm của cả dân tộc, đòi hỏi sự nỗ lực phối hợp giữa gia đình, nhà trường và Nhà nước. Nhà nước giữ vai trò tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch và đảm bảo tinh thần thượng tôn pháp luật của mỗi công dân.
Việc kiến tạo môi trường pháp luật đảm bảo nguyên tắc là mọi hoạt động kiếm tiền được đánh đổi bằng việc tạo ra lợi ích cho người chấp nhận trả tiền và đem lại tiến bộ cho xã hội. Nguyên tắc này được duy trì xuyên suốt trong việc ban hành các văn bản pháp luật, kiểm soát việc thực thi pháp luật.
Bên cạnh đó, cần tạo môi trường ươm tạo những ý tưởng khởi nghiệp tích cực từ trang bị kiến thức đến hỗ trợ các hoạt động như kết nối thị trường, hỗ trợ công nghệ, vốn, mặt bằng, đào tạo, thuế..., cũng như định hướng vai trò của doanh nghiệp lớn, trường, viện, các tổ chức xã hội trong việc ươm tạo những ý tưởng khởi nghiệp.
Việc tạo lập môi trường thúc đẩy khởi nghiệp sao cho việc gia nhập hoặc rời khỏi thị trường dễ dàng và ít gặp các rủi ro về pháp lý cần được xem là nguyên tắc xuyên suốt. Hơn nữa, mọi chính sách cần được thực thi bởi đội ngũ công chức sâu sát với dân, đảm bảo cuộc sống bằng tiền lương và duy trì tính liêm chính cho đội ngũ công chức để đảm bảo mọi chính sách được thực thi hiệu quả.
Ngoài ra, phần lớn các ý định khởi nghiệp tiêu cực với tương lai hình thành đội ngũ doanh nhân tội phạm xuất phát từ lớp người bị xã hội "ruồng bỏ”. Do vậy, cần có chính sách trợ giúp cho các đối tượng gặp khó khăn trong cuộc sống, gieo vào tâm trí họ tư tưởng về một xã hội nhân ái. Qua đó chẳng những góp phần ngăn chặn tệ nạn xã hội, mà còn kịp thời ngăn ngừa những ý định khởi nghiệp tiêu cực, cũng như hạn chế đội ngũ doanh nhân chụp giật, tội phạm trong tương lai.
Nhà trường giữ vai trò quan trọng trong việc hình thành tư duy và ý tưởng cho học trò thông qua đào tạo ở bậc trung học. Cần đào tạo kiến thức nhận biết căn bản về các mô hình kinh doanh cho học sinh thông qua các phương pháp học tập trải nghiệm. Có thể khuyến khích học sinh tìm hiểu về hoạt động mưu sinh của chính cha mẹ chúng để qua đó sớm trang bị cho các em kiến thức quản trị kinh doanh.
Nhà trường có thể thiết kế các chương trình tham quan, trải nghiệm tại các doanh nghiệp sản xuất để các em thảo luận, chia sẻ, có cái nhìn khái quát và áp dụng trên một mô hình ảo. Qua đó giúp các em sớm nhận thức được các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh mang lại lợi ích cho xã hội. Từ đó sớm kích thích sự ấp ủ ý định khởi nghiệp tích cực.
Khi tạo ra môi trường thúc đẩy mọi người thượng tôn pháp luật, thì việc nuôi dạy con cái của bậc làm cha mẹ cũng sẽ tích cực hơn. Mọi người phải làm giàu bằng việc đem lại lợi ích cho người khác và xã hội. Hành vi đó sẽ tự khắc gieo cho con cái tư tưởng làm giàu chân chính. Để thúc đẩy nhanh hơn tiến trình này, các đoàn thể, gia đình, nhà trường cần đẩy mạnh việc tuyên truyền nhận thức làm giàu chân chính trong mọi tầng lớp nhân dân; cũng như lên án mạnh mẽ những hành vi kiếm tiền chụp giật, gây nguy hại cho xã hội. Đây là gốc rễ của kế sách khởi nghiệp lâu dài.