Tạo nền tảng vững chắc cho công nghiệp

Date: - View: 1044 - By:
TS HUỲNH THANH ĐIÈN - SGGP 
 

 

Kinh tế của TPHCM vẫn còn một số tồn tại. Tăng trưởng công nghiệp, thương mại chưa bền vững, có dấu hiệu suy giảm và phụ thuộc lớn vào doanh nghiệp (DN) FDI. Năng lực cạnh tranh của DN trong nước còn nhiều hạn chế. 

 

Tạo nền tảng vững chắc cho công nghiệp

Ngoài ra, hiện nay DN nhỏ và vừa với sức cạnh tranh yếu, thị trường đầu ra chưa ổn định, thiếu liên kết với DN lớn lại chiếm tỷ trọng lớn. Đây cũng chính là nỗi lo đằng sau những thành tựu thu hút được nhiều FDI sử dụng công nghệ cao. Bởi vì DN FDI thiếu vệ tinh cung ứng thì họ không thể bám rễ được.

Ngoài ra, theo lộ trình hội nhập với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, từ năm 2015, Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ. Nhiều tập đoàn, thương hiệu bán lẻ hàng đầu thế giới đã thâm nhập vào TPHCM. Họ sẽ có nhiều bước đi từng bước chiếm dần thị phần, đặt ra rào cản từ chối hàng nội địa khiến hàng trong nước mất dần thị trường ngay trên sân nhà. DN trong nước cũng vì thế gặp nhiều khó khăn hơn.

Những bất ổn này là biểu hiện của nền kinh tế thiếu nền tảng và dễ dẫn đến khủng hoảng bất ngờ cho kinh tế. Đây chính là vấn đề quan trọng cần được giải quyết trong nửa nhiệm kỳ còn lại.Để tạo ra nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế, TP nên xác định công đoạn cần tập trung trong chuỗi giá trị của mỗi ngành công nghiệp ưu tiên phát triển. TP nên đảm nhận khâu nghiên cứu, thiết kế, lắp ráp sản phẩm đầu cuối và phân phối. Đây là những công đoạn có giá trị gia tăng cao, việc sản xuất chúng đòi hỏi công nghệ cao, thân thiện với môi trường… Việc phát triển sản xuất các sản phẩm này có tác động lan tỏa đến sự phát triển của các ngành kinh tế khác và kết nối được vệ tinh cung ứng thuộc TP và các vùng lân cận. Các khâu nguyên liệu, công nghiệp hỗ trợ… có thể liên kết với DN ở các địa phương lân cận để phát huy sức mạnh của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tiếp đó, TP cần triển khai đồng bộ các chương trình thúc đẩy DN sản xuất, cung ứng phụ trợ, dịch vụ hỗ trợ cho lĩnh vực ưu tiên. Trước hết là triển khai các chương trình phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất, dịch vụ hỗ trợ cho cung ứng, sản xuất, phân phối sản phẩm. Kế đến là tạo cơ chế thúc đẩy nghiên cứu phát triển công nghệ, sáng tạo ra kênh huy động vốn cho DN. Đồng thời tích cực triển khai các chương trình hỗ trợ DN như cung cấp thông tin về hội nhập, thị trường, đào tạo nhân lực, mặt bằng sản xuất… Quan trọng nhất là tạo ra khuôn khổ và thúc đẩy DN hướng đến tiêu chuẩn toàn cầu để tận dụng cơ hội xuất khẩu từ hội nhập.

Các chính sách thúc đẩy phát triển sản phẩm, dịch vụ ưu tiên cần được cụ thể thành những chương trình, dự án. Chẳng hạn như phát triển các trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu, sàn giao dịch hàng hóa, cổng thông tin kết nối giữa DN hỗ trợ với DN đầu cuối; phát triển thương mại điện tử, chính quyền điện tử, phổ biến các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và chỉ dẫn phương pháp giúp DN tận dụng được cơ hội. Với cơ chế đặc thù, TP có thể vận dụng để huy động nguồn lực từ xã hội để đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất kinh doanh cho DN và người dân.
http://www.sggp.org.vn/tao-nen-tang-vung-chac-cho-cong-nghiep-530529.html
 
LIÊN KẾT
FANPAGE