Hội nhập sâu rộng với các hiệp định thương mại tự do (FTA) cùng sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đòi hỏi doanh nghiệp (DN) phải tìm cách thích ứng để phát triển, hoặc đối diện với nguy cơ rời khỏi thị trường.
Sức ép từ doanh nghiệp ngoại
Năm 2018 là thời hạn thực hiện nhiều thỏa thuận theo lộ trình đã cam kết trong các FTA thế hệ mới, như xóa bỏ hàng rào thuế quan đối với nhiều mặt hàng, tự do lao động trong khối ASEAN... Theo đó, sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho DN Việt Nam xuất khẩu hàng hóa và mở rộng kinh doanh ra nước ngoài.
Bên cạnh đó DN cũng gặp không ít thách thức cạnh tranh ngay trên thị trường nội địa bởi nhiều loại hàng hóa của nước ngoài sẽ tự do thâm nhập thị trường Việt Nam.
Khi hội nhập sâu rộng, các nước đều thắt chặt tiêu chuẩn hàng hóa, môi trường, lao động nhằm bảo vệ DN của nước họ. Vì thế, DN Việt Nam phải sản xuất hàng hóa đạt chuẩn theo thỏa thuận, tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc về xuất xứ, truy xuất nguồn gốc để đáp ứng được các điều kiện xuất khẩu.
Không ít DN Việt Nam lâu nay thiếu định hướng xuất khẩu nên sẽ rất lúng túng trong việc tận dụng cơ hội để mở rộng thị trường ra bên ngoài. Cùng với đó, trình độ sản xuất, công nghệ của DN Việt Nam vẫn còn ở mức thấp nên sẽ rất khó cạnh tranh về giá, chất lượng và thương hiệu trên trường thế giới.
Khả năng tận dụng cơ hội xuất khẩu của DN Việt Nam còn hạn chế, trong khi đó, hàng hóa của DN nước ngoài thâm nhập vào thị trường Việt Nam với năng lực cạnh tranh cao về chất lượng, giá cả, thương hiệu, công nghệ và trình độ quản lý. DN Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ chia sẻ khách hàng với DN ngoại hoặc khách hàng truyền thống sẽ quay lưng với hàng nội bởi hàng ngoại có chất lượng cao hơn, dù giá có nhích lên chút ít.
Trên thực tế, điều này đã diễn ra trong thời gian qua khi hàng hóa của DN nước ngoài đổ vào Việt Nam dưới sự dẫn đường của các hệ thống bán lẻ chính nước họ. DN trong nước ngày càng đánh mất thị phần vào tay DN ngoại, bởi vì hệ thống phân phối nội địa chưa ổn định, tính liên kết chưa cao.
Chật vật đuổi theo cách mạng 4.0
Trong khi đó, cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, có tác động thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh chưa từng có trong lịch sử. Ba cuộc cách mạng công nghiệp trước đó chủ yếu tập trung vào các giải pháp công nghệ ở khâu sản xuất, đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tạo ra giải pháp công nghệ ở hầu hết các khâu từ cung ứng, tổ chức sản xuất, kiểm soát chất lượng, marketing, bán hàng đến quản trị tài chính, nhân sự, đầu tư. Nếu DN Việt Nam không kịp thời nắm bắt, tận dụng cơ hội thì sẽ nhanh chóng tụt hậu, thậm chí khó tồn tại.
Phần lớn DN Việt Nam chủ yếu cải tiến công nghệ ở khâu marketing, như marketing online, bán hàng, thanh toán online, còn việc ứng dụng vào sản xuất, kiểm soát chất lượng còn khá hạn chế do hạn chế tự động hóa sản xuất. DN Việt Nam chủ yếu sản xuất các sản phẩm với giá trị gia tăng thấp, công nghệ khá lạc hậu, thậm chí trình độ công nghệ vẫn còn ở mức độ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến yếu kém trong năng lực tiếp cận công nghệ mới của DN Việt Nam, như chi phí đầu tư cho các dây chuyền sản xuất tự động hóa khá cao, trong khi nguồn vốn của DN còn hạn chế, nhất là DN nhỏ và vừa. Một số DN có quy mô lớn còn thiếu tầm nhìn về công nghệ số, hoặc đã lỡ đầu tư lớn cho công nghệ cũ, chưa thu hồi được vốn nên khó chuyển sang công nghệ mới, mặc dù nhận thấy việc chuyển đổi là cần thiết.
Các cơ quan có chức năng của Nhà nước còn chậm áp dụng công nghệ khi thực hiện thủ tục hành chính như đăng ký, kê khai, quyết toán thuế, hạ tầng thông tin phục vụ cho thanh toán vẫn còn khá lạc hậu; phần lớn các giao dịch trong nền kinh tế còn sử dụng tiền mặt nên rất khó cho DN phát triển các hình thức thanh toán trực tuyến.
Bối cảnh hội nhập với các FTA và cuộc cách mạng 4.0 đặt ra yêu cầu phải có tư duy toàn cầu trong định hướng kinh doanh: khách hàng toàn cầu, tiêu chuẩn toàn cầu, công nghệ toàn cầu, nhân lực toàn cầu. Theo đó, các giải pháp kinh doanh phải nhằm nâng cao năng lực thâm nhập thị trường nước ngoài và phòng vệ trên thị trường nội địa.
Theo đó, DN cần định hướng xuất khẩu, chú trọng xây dưng thương hiệu, vận dụng các phương pháp quản lý sản xuất hiện đại, cơ cấu lại nguyên liệu để đáp ứng điều kiện về xuất xứ, tích cực đổi mới công nghệ và phát triển nhân lực hội nhập, xây dựng hệ thống phân phối hoàn chỉnh.
Việc đổi mới công nghệ và phương thức kinh doanh dựa trên thành quả của cuộc cách mạng 4.0 không thể một sớm một chiều. DN cần khảo sát mô hình đổi mới tổng thể, nhưng thực hiện đổi mới theo lộ trình đã xác định. Đối với DN nhỏ và vừa cần lựa chọn chiến lược kinh doanh tránh đối đầu, cạnh tranh với DN lớn, mà nên tìm cách hợp tác để cung ứng hàng hóa phụ trợ hoặc phát triển các loại hình dịch vụ phụ trợ.
Để thích ứng với bối cảnh kinh doanh mới, đòi hỏi DN phải tập cách ứng xử tích cực với những thay đổi, đó là tránh bị động, luôn luôn thích ứng để phát triển.