Thu hút đầu tư và “cạm bẫy” hội nhập

Date: - View: 1099 - By:
 

TS HUỲNH THANH ĐIỀN/ FORBES VIỆT NAM - 21/02/2019

Gia tăng cam kết với nguồn vốn đầu tư nước ngoài nhưng phải đi liền với giải pháp sử dụng FDI như một nền tảng tăng trưởng ổn định cho sản xuất trong nước, như vậy nền kinh tế mới củng cố được sức đề kháng mạnh với các “cú sốc” từ bên ngoài.

Khủng hoảng kinh tế ở Venezuela và nhiều quốc gia khác trong quá khứ là minh chứng cho thấy sự thất bại của một nền kinh tế thiếu nền tảng sản xuất, yếu kém trong điều hành kinh tế vĩ mô và bất ổn chính trị. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ, kèm theo sự thiếu cam kết với các doanh nghiệp nước ngoài đã tạo các đợt di chuyển của hàng loạt công ty lớn ra khỏi quốc gia khi xảy ra các cú sốc về kinh tế, chính trị. Sản xuất trong nước vô cùng yếu ớt làm tăng sự phụ thuộc vào nhập khẩu các mặt hàng nhu yếu phẩm, làm mất khả năng đề kháng với các “cú sốc” từ bên ngoài.

Thu hút đầu tư và “cạm bẫy” hội nhập - ảnh 1

TS.Huỳnh Thanh Điền. Ảnh: Quang Định

 

Hội nhập kinh tế tạo ra nhiều cơ hội cho các quốc gia mở rộng khả năng sản xuất thông qua thu hút đầu tư trực tiếp và gián tiếp của nước ngoài. Đi kèm với phương thức phát triển này là chấp nhận độ mở của nền kinh tế ngày càng lớn (tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên GDP ngày càng tăng). Để khuyến khích tăng trưởng buộc lòng phải gia tăng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và mở rộng các thị trường tài chính để phục vụ cho doanh nghiệp huy động vốn và tăng tính thanh khoản cho tài sản vốn. 

Nhu cầu đầu tư hạ tầng phục vụ cho phát triển kinh tế rất lớn, nhưng nguồn thu ngân sách thường không đáp ứng kịp bởi chính phủ giảm thuế để thu hút đầu tư. Khi đó, buộc phải dùng các khoản nợ vay trong và ngoài nước để tài trợ cho các dự án đầu tư công. 

Các khoản vay trong nước được thực hiện bằng cách phát hành trái phiếu để huy động vốn trong dân thực chất là phân phối lại nguồn lực trong nước, là cách thu hẹp đầu tư tư nhân trong nước để chuyển sang đầu tư công. Điều đó tạo ra sự lấn át của đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với đầu tư của khu vực tư nhân trong nước. 

Các chính phủ thường dùng nguồn vốn vay nước ngoài để đầu tư các dự án hạ tầng phục vụ sản xuất của nhóm doanh nghiệp FDI. Các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài cũng thường đi kèm nhiều điều kiện về mục đích sử dụng, cách thức thực hiện đầu tư và các điều kiện liên quan đến cam kết trả nợ. Các cam kết khi sử dụng vốn vay nước ngoài thường tạo thêm điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp FDI hoạt động, tiếp tục tạo ra tác động lấn át đối với doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Như vậy, trong ngắn hạn, dù sử dụng nguồn nợ vay trong nước hay nước ngoài để tài trợ cho các dự án đầu tư công cũng đều tạo ra tác động lấn át giữa khu vực đầu tư nước ngoài với khu vực kinh tế trong nước. Nếu các nguồn vốn vay này được sử dụng hiệu quả sẽ góp phần giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp, nhưng lại tăng thuế trong dài hạn. Trong khi khu vực trong nước đã mất khá nhiều lợi thế trong cạnh tranh đối với khu vực nước ngoài, khi đối mặt với việc tăng thuế, trong dài hạn họ sẽ gặp càng nhiều bất lợi.

Đó chính là “cái bẫy” được giăng sẵn đối với các quốc gia đang phát triển khi bước vào cuộc chơi toàn cầu hoá. Sự lấn át của khu vực FDI đối với khu vực tư nhân trong nước là nguyên nhân dấn đến sự bất ổn trong các nền sản xuất của nhiều quốc gia. Sản xuất nông nghiệp, lương thực và nhu yếu phẩm của các doanh nghiệp trong nước dần bị thu hẹp và được thay thế bằng nhập khẩu. Những doanh nghiệp trong nước dần chuyển sang cung cấp dịch vụ hỗ trợ sản xuất cho doanh nghiệp FDI.

Khi chính phủ sử dụng các biện pháp mở rộng và phát triển nhiều thị trường tài chính phục vụ cho doanh nghiệp huy động vốn và tăng tính thanh khoản cho tài sản vốn thì dễ dẫn đến đầu cơ, nhất là đầu cơ bất động sản, tài chính... tạo sự khan hiếm giả tạo và đẩy giá các dịch vụ này lên cao, làm gia tăng chi phí sản xuất lên hoạt động kinh doanh thực, tiếp tục gây khó khăn cho nền sản xuất trong nước.

Hội nhập thường đi kèm với tiến trình đô thị hoá và tạo ra sự hấp dẫn vượt bậc của các loại hình sản xuất phi nông nghiệp, nhiều khu đất nông nghiệp dần chuyển sang công nghiệp, dịch vụ. Trong ngắn hạn, phần lớn lao động nông thôn chưa kịp thích ứng với những thay đổi nghề nghiệp sẽ gây ra thất nghiệp. Trong dài hạn, nhu cầu việc làm được tạo ra từ khu vực công nghiệp, dịch vụ nhiều hơn lại dẫn đến khu vực nông nghiệp gặp nhiều khó khăn trong thuê mướn nhân công sản xuất. 

Hội nhập mang đến nhiều cơ hội mở phát triển năng lực sản xuất quốc gia, nhưng bên cạnh đó cũng rất nhiều cạm bẫy cho sự phát triển và ổn định. Đòi hỏi chính phủ phải điều tiết chính sách vĩ mô khéo léo, linh hoạt để thúc đẩy được sản xuất trong nước, tránh để nền kinh tế bị phụ thuộc quá nhiều vào khu vực đầu tư nước ngoài và kiểm soát tốt thị trường tín dụng, tài chính và hạn chế đầu cơ. Quan trọng nhất là ứng xử phù hợp để gia tăng cam kết với khối doanh nghiệp FDI, sử dụng FDI làm sao tạo được nền tảng tăng trưởng ổn định cho sản xuất trong nước. 

Chính sách tăng trưởng ổn định và bền vững còn đòi hỏi mục tiêu nhất quán lấy phát triển năng lực sản xuất làm trọng tâm. Đòi hỏi một nền tảng vững chắc phát triển các ngành cung cấp sản phẩm, dịch vụ thiết yếu phục vụ đời sống người dân như nông sản, lương thực, dược phẩm, năng lượng… để tránh phụ thuộc vào nhập khẩu. Ưu tiên thu hút FDI vào những ngành đòi hỏi công nghệ cao, thân thiện môi trường, sản xuất sản phẩm đầu cuối song song với kiến tạo các chương trình kết nối với các doanh nghiệp sản xuất và cung cấp dịch vụ phụ trợ trong nước. Quá trình tạo lập nền tảng sản xuất cũng đòi hỏi phải phát triển song song các ngành thương mại, dịch vụ và tài chính tương thích, đáp ứng đúng liều lượng phục vụ sản xuất. Càng đặc biệt chú trọng phát triển các công cụ ngăn chặn đầu cơ, điều tiết để dòng tín dụng chảy vào hoạt động sản xuất kinh doanh thực.

Dòng chảy đó còn đòi hỏi sự phối hợp hiệu quả cả hai chính sách tài khoá (thu thuế và chi tiêu chính phủ) và tiền tệ (điều tiết lượng cung tiền thông qua công cụ lãi suất, tỷ lệ dự trữ bắt buộc và mua bán các loại chứng khoán). Việc mở rộng tài khoá cần thông qua tăng chi đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, lĩnh vực công nghệ cao, logistics và nghiên cứu công nghệ mới; thắt chặt tài khoá trong chi thường xuyên thông qua giảm biên chế và cải cách hành chính. Chính sách tiền tệ tiếp tục mở rộng cho đầu tư sản xuất, nhưng thắt chặt thông ấn định hạn mức tín dụng trong đầu cơ bất động sản, chứng khoán. Đồng thời quản lý chặt chẽ các dòng di chuyển nguồn lực (vốn, lao động, công nghệ,…) vào ra khỏi quốc gia để kịp thời điều tiết tỷ giá kích thích xuất khẩu, phát triển ngành thay thế nhập khẩu để kích thích tăng trưởng kinh tế và tạo công ăn việc làm cho người dân.

LIÊN KẾT
FANPAGE