(Một buổi giảng tại doanh nghiệp FDI của Việt Nam, tháng 5/2018)
Nhận thức được tầm quan trọng của FDI trong việc góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, tạo công ăn việc làm, sản xuất thay thế xuất nhập khẩu, góp phần cải thiện cán cân thương mại và tạo sự lan toả công nghệ cho toàn bộ nền kinh tế. Chính phủ đã đề ra chính sách thu hút FDI xoay quanh các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn giảm tiền thuê đất; hỗ trợ thủ tục pháp lý; và chủ động hội nhập sâu rộng thông qua việc tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Mặt trái của FDI
Với chính sách ưu đãi trên, khu vực FDI ngày càng góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, cải thiện cán cân thương mại (chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu). Tuy nhiên, những năm gần đây tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chưa ổn định, thậm chí tăng trưởng ở mức thấp hơn so với thời kỳ chưa thu hút nhiều FDI. Qua đó cho thấy tác động “chèn lấn” của khu vực FDI đối với doanh nghiệp bản địa, chứ chưa tạo được hiệu ứng lan toả như mong đợi.
Lĩnh vực nào có doanh nghiệp FDI tham gia nhiều, thì doanh nghiệp bản địa ngày càng thu hẹp hoặc chuyển sang lĩnh vực khác. Doanh nghiệp FDI đóng góp chủ yếu vào kim ngạch xuất khẩu, doanh nghiệp bản địa chỉ xuất khẩu trong các lĩnh vực ít có sự tham gia của FDI. Sản xuất thay thế nhập khẩu chưa biểu hiện rõ nét, phần lớn máy móc thiết bị, nguyên liệu, linh kiện đầu vào chủ yếu nhập khẩu nên việc cân thượng mại chậm được cải thiện.
Kỳ vọng lớn nhất của chính sách thu hút FDI là tạo ra động lực thúc đẩy hình thành nền tảng công nghiệp quốc gia vững chắc. Theo đó, hình thành được hệ thống các doanh nghiệp nội địa tham gia chuỗi giá trị đầy đủ của ngành hoặc hoạt động trong những khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi sản xuất trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, đến nay doanh nghiệp FDI vào Việt Nam chủ yếu nhằm khai thác lao động rẻ, sự dễ dãi trong quản lý nhà nước về môi trường. Chưa tạo được sự cộng hưởng đối với khối doanh nghiệp bản địa, dòng vốn vào ra thường bất ổn bởi thiếu nền tảng doanh nghiệp cung ứng phụ trợ để giữ chân họ. Khi đi vào hoạt động thì tận dụng các ưu đãi về thuế, mặt bằng, thậm chí lợi dụng những chính sách này để dễ bề thực hiện hành vi né thuế.
Một trong những biện pháp né thuế phổ biến là “chuyển giá” được thực hiện thông qua nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên vật liệu với giá trị ghi trên chứng từ cao. Hiện tượng này dễ thấy qua việc quốc gia nào có FDI ở Việt Nam nhiều, thì Việt Nam cũng nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên vật liệu chính từ quốc quốc gia đó.
Kinh nghiệm thu hút FDI ở nhiều quốc gia cho thấy, yếu tố quyết định lựa chọn vị trí đầu tư của FDI là môi trường kinh doanh hội đủ các yếu tố về kết nối hạ tầng, nhân lực, nhà cung ứng, sự năng động của chính quyền trong việc giải quyết các vấn đề pháp lý trong đầu tư. Khi tạo ra môi trường làm ăn hấp dẫn thì tự khắc FDI sẽ đến. Việc ưu đãi về thuế và mặt bằng cho FDI sẽ tạo ra sự bất bình đẳng trong cạnh tranh, càng tạo ra tác động “chèn lấn” đối với với doanh nghiệp bản địa và tham nhũng trong công tác cấp phép đầu tư.
Tạo nền tảng công nghiệp quốc gia
Hướng đến mục tạo nền tảng công nghiệp quốc gia vững chắc, phương châm xuyên suốt là thúc đẩy doanh nghiệp FDI là ăn sâu, bám rễ tại Việt Nam. Cần xác định cấu trúc chuỗi giá trị của mỗi ngành và đánh giá khả năng, mức tham gia của doanh nghiệp bản địa, từ đó xác định lĩnh vực cần ưu tiên thu hút FDI. Ưu tiên thu hút FDI có khả năng bổ khuyết cho nền kinh tế hoặc những khâu giữ vai trò dẫn dắt chuỗi giá trị của ngành mà doanh nghiệp bản địa không đảm đương được (hạn chế các FDI có tác động chèn lấn doanh nghiệp bản địa). Với định hướng đó, dễ dàng thúc đẩy các FDI hợp tác với doanh nghiệp bản địa hoặc lôi kéo thêm vệ tinh cung ứng đi theo.
Theo đó, Việt Nam sẽ thu hút được doanh nghiệp FDI thế hệ mới với công nghệ cao, thân thiện với môi trường, năng suất cao,… Từ đó, sẽ tạo ra nhu cầu về lao động chất lượng cao để người dân có cơ hội làm việc với mức lương cao, nâng cao trình độ công nghệ và quản trị. Người lao động là nhân tố tạo ra sự lan toả về công nghệ kỹ thuật và quản lý. Khi người lao động có kinh nghiệm làm thuê cho FDI, họ có thể mang kinh nghiệm này đến lan toả cho doanh nghiệp trong nước. Đây cũng là một trong những biện pháp góp phần lan toả giá trị tiến bộ của FDI cho nền kinh tế.
Trọng tâm của chính sách thu hút FDI là tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, kết nối hạ tầng, nhân lực, hệ thống cung ứng, dịch vụ công, logistics, … giúp doanh nghiệp thuận lợi trong sản xuất kinh doanh. Để tạo ra được sự cộng hưởng giữa FDI với doanh nghiệp bản địa, cần có chính sách thúc đẩy các doanh nghiệp FDI phát triển mạng lưới cung ứng vệ tinh với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời thực hiện các chính sách trợ giúp doanh nghiệp bản địa nâng cao năng lực quản trị, mang tư duy toàn cầu về tiêu chuẩn, thị trường, công nghệ, nhân lực,… mới có thể liên kết với FDI, gia nhập vào mạng lưới cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, cần xem xét lại tác động của chính sách ưu đãi về thuế, chi phí mặt bằng đối với FDI và chú trọng quản lý nguồn thuế, chống chuyển giá.