Thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp
Đặc biệt là quan tâm đến điều kiện làm ăn của các doanh nghiệp lớn trong các ngành, bởi hoạt động của doanh nghiệp lớn sẽ tạo nhu cầu thúc đẩy cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp lớn trong các ngành bất động sản, xây dựng, công nghiệp chế biến, chế tạo đang gặp nhiều khó khăn.
Quan sát dữ liệu về tình hình tài chính của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán cho thấy, rất nhiều doanh nghiệp có dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm, dòng tiền từ hoạt động đầu tư bị kẹt, kênh huy động vốn chưa được khơi thông.
Dòng tiền bị tắc cho thấy rủi ro kinh doanh và rủi ro tài chính rất cao, nếu cơ chế chính sách không khơi thông, tiếp sức sẽ khó lòng khôi phục. Khi doanh nghiệp lớn không có khả năng khôi phục, thì doanh nghiệp nhỏ cũng thiếu cơ hội làm ăn. Hệ quả là thu nhập và tiêu dùng giảm, kinh tế khó khôi phục.
Hành động thiết thực nhất là tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp lớn để thúc đẩy hoạt động kinh tế của các doanh nghiệp nhỏ và cả nền kinh tế. Chẳng hạn như mở trần khống chế chi phí lãi theo quy định của Nghị định 132/2020/NĐ-CP; tháo gỡ các vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản; khơi thông lại các kênh huy động vốn của thị trường tài chính,…
Vấn đề then chốt của việc tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế nằm ở chỗ củng cố năng lực kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp để thích ứng với bối cảnh mới. Chính sách vĩ mô cần trọng tâm vào việc tạo cơ hội làm ăn thực chất cho doanh nghiệp, như tạo ra nhu cầu tiêu dùng, điều kiện kinh doanh thuận lợi, giảm sự không chắc chắn cho các dự định đầu tư của doanh nghiệp.
Khi đó, mở rộng tiền tệ thông qua các biện pháp giảm lãi suất, nới lỏng hạn mức tín dụng mới phát huy được hiệu quả. Quan trọng hơn hết trong mở rộng tiền tệ là phải tạo ra cơ chế thông thoáng cho dòng tín dụng chạy ra nền kinh tế đúng nơi then chốt, tạo được hiệu ứng lan tỏa.
Ngân hàng Nhà nước cần rà soát lại các quy định về cho vay, nhất là cần nghiêm túc xem xét lại các quy định đang gặp phải phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp.
Bản thân chính sách tiền tệ khó lòng phát huy hiệu quả, cần sự phối hợp nhịp nhàng với mở rộng tài khóa để tạo cơ hội hoặc kích thích doanh nghiệp làm ăn.
Để đầu tư công hiệu quả, quan trọng nhất là đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư công theo hướng giảm đầu mối phối hợp, giảm các khâu trong thủ tục đầu tư, giải ngân. Đồng thời xây dựng đội ngũ quản trị dự án công chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, cần rà soát lại các quy định hiện hành đi ngược với sự kỳ vọng của định hướng mở rộng tài khóa và tiền tệ.