Thuế chống bán phá giá nhắm vào hàng Việt

Date: - View: 76 - By:

TS HUỲNH THANH ĐIỀN

 

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, Việt Nam đã ký kết và tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP, mang lại nhiều cơ hội cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, song song với cơ hội mở rộng thị trường là những thách thức gia tăng từ các biện pháp phòng vệ thương mại mà các quốc gia nhập khẩu áp dụng, đặc biệt là điều tra và áp thuế chống bán phá giá. Thực tế cho thấy, số lượng các vụ điều tra chống bán phá giá đối với hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam đang ngày càng tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp và hoạt động thương mại quốc tế của quốc gia.

Nhiều vụ điều tra nhắm vào hàng Việt

Trong những năm gần đây, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam thường xuyên bị điều tra và áp thuế chống bán phá giá từ nhiều thị trường lớn. Ví dụ, tháng 12/2023, Mỹ áp thuế chống bán phá giá đối với tủ gỗ bếp và nhà tắm từ Việt Nam, do nghi ngờ lẩn tránh thuế từ Trung Quốc. Tháng 9 cùng năm, Ấn Độ áp thuế chống bán phá giá với sợi polyester từ Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan, dao động từ 0,8 đến 3,44 USD/kg. EU áp thuế chống bán phá giá với sản phẩm Gang thép Việt Nam  là 12,1% (trừ sản phẩm của Hòa Phát Dung Quốc) vào ngày 7/4/2025; gia hạn thuế đối với giày mũ da Việt Nam, dù có sự cải thiện về minh bạch. Úc cũng áp thuế cao đối với ống thép mạ kẽm và xi măng từ Việt Nam, trong khi Canada liên tục điều tra các sản phẩm nội thất Việt Nam từ 2021 đến 2023. Những vụ việc này không chỉ ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu mà còn cho thấy Việt Nam đang bị giám sát chặt chẽ tại nhiều thị trường lớn.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này là do tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong nhiều ngành hàng như thép, thủy sản, đồ gỗ, dệt may... diễn ra rất mạnh mẽ, khiến hàng Việt chiếm lĩnh thị phần lớn tại nhiều thị trường. Khi sức ép cạnh tranh tăng cao, các nhà sản xuất trong nước của nước nhập khẩu thường đề nghị chính phủ tiến hành điều tra chống bán phá giá nhằm bảo vệ lợi ích nội địa. Bên cạnh đó, lợi thế về chi phí sản xuất thấp khiến giá xuất khẩu của hàng Việt thường thấp hơn so với hàng cùng loại tại nước sở tại, dễ bị coi là có hành vi "bán phá giá".

Một nguyên nhân quan trọng khác là việc Việt Nam vẫn chưa được một số thị trường lớn như Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường. Do đó, trong quá trình điều tra chống bán phá giá, các cơ quan điều tra nước ngoài thường không sử dụng chi phí sản xuất thực tế tại Việt Nam mà thay vào đó là dữ liệu từ một quốc gia khác có điều kiện tương đồng nhưng chi phí cao hơn. Điều này dẫn đến việc biên độ phá giá bị tính toán theo hướng bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, sự thiếu kinh nghiệm, hạn chế về năng lực kế toán và pháp lý của một bộ phận doanh nghiệp xuất khẩu cũng khiến họ gặp nhiều khó khăn trong việc chuẩn bị hồ sơ, dữ liệu và phản hồi đúng quy trình điều tra. Việc không kịp thời hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ có thể dẫn tới việc bị áp thuế cao theo mức mặc định.

Không chỉ vậy, trong một số trường hợp, Việt Nam còn bị điều tra với cáo buộc là điểm trung chuyển hàng hóa từ các quốc gia khác nhằm lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại. Đây là hệ quả của việc một số doanh nghiệp FDI chọn Việt Nam làm nơi gia công, dán nhãn "Made in Vietnam" cho hàng hóa có xuất xứ từ các quốc gia đang chịu thuế, điển hình như Trung Quốc. Tình trạng này khiến Việt Nam có nguy cơ bị “vạ lây” khi bị xem xét điều tra không chỉ vì phá giá mà còn vì gian lận thương mại, gian lận xuất xứ.

Ứng phó và phòng ngừa

Trong bối cảnh đó, để giảm thiểu rủi ro và ứng phó hiệu quả với các vụ việc chống bán phá giá, cần có sự vào cuộc đồng bộ từ cả doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và cơ quan quản lý nhà nước.

Về phía doanh nghiệp, trước hết cần chủ động nâng cao nhận thức và năng lực về phòng vệ thương mại, thông qua việc thường xuyên cập nhật thông tin, tham gia các lớp tập huấn chuyên sâu. Doanh nghiệp cũng cần xây dựng hệ thống kế toán minh bạch, chuẩn hóa quy trình quản lý chi phí và giá thành để sẵn sàng cung cấp dữ liệu chính xác khi có yêu cầu điều tra. Đồng thời, cần xây dựng chiến lược định giá sản phẩm hợp lý, tránh tình trạng bán dưới giá thành, đồng thời chứng minh rõ ràng nguồn gốc nguyên liệu và sản phẩm nhằm phòng tránh rủi ro bị cáo buộc gian lận xuất xứ.

Về phía Nhà nước, cần tăng cường hỗ trợ pháp lý và kỹ thuật cho doanh nghiệp khi đối mặt với các vụ điều tra thương mại. Các cơ quan như Bộ Công Thương, Cục Phòng vệ Thương mại cần đóng vai trò chủ động trong việc cảnh báo sớm nguy cơ bị điều tra, hỗ trợ doanh nghiệp thu thập dữ liệu, thống nhất phản hồi và tham gia quá trình điều tra. Song song đó, Việt Nam cần tiếp tục đàm phán và cải cách thể chế kinh tế để sớm được công nhận là nền kinh tế thị trường, tạo lợi thế khi bị điều tra chống phá giá.

Một giải pháp quan trọng khác là thúc đẩy sự phối hợp giữa Nhà nước – hiệp hội – doanh nghiệp để xây dựng một mạng lưới cảnh báo, phản ứng nhanh và hỗ trợ chặt chẽ trong từng ngành hàng. Về lâu dài, doanh nghiệp cần tái cơ cấu sản xuất, đẩy mạnh đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng cho sản phẩm, đồng thời đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để tránh phụ thuộc vào một vài thị trường dễ bị tổn thương.

Trong kỷ nguyên hội nhập, xuất khẩu của Việt Nam đối mặt với các vụ điều tra chống bán phá giá là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, với chiến lược phù hợp và sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đây không phải là rào cản không thể vượt qua mà còn là cơ hội để doanh nghiệp nâng cao nội lực, cải thiện tính minh bạch và khẳng định vị thế trên thị trường toàn cầu.

LIÊN KẾT
FANPAGE