TS HUỲNH THANH ĐIỀN
Tiền kỹ thuật số (tiền ảo) có thể sẽ là đồng tiền của tương lai, nhưng trước khi được pháp luật công nhận thì đã lên đến hàng ngàn đồng tiền được ra đời và sử dụng như công cụ để kích thích lòng tham, thực hiện hành vi lừa đảo khắp nơi từ thành thị đến nông thôn trên khắp thế giới.
Ý tưởng ban đầu của tiền kỹ thuật số (tiền ảo) khá hay. Khi phần lớn các giao dịch trong nền kinh tế được thực hiện qua ngân hàng và người giao dịch phải mất phí. Vì thế, người ta nghĩ đến việc lập trình ra đồng tiền ảo để giao dịch qua internet, khỏi phải qua ngân hàng nên không mất phí. Nhiều người tin rằng đây là đồng tiền của tương lai bởi nhân loại đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, internet đang dần trở nên phổ biến với mọi người thì giao dịch tiền ảo là thuận lợi hơn.
Bởi vì ý tưởng về đồng tiền ảo rất hay và việc tạo ra chúng nó cũng rất dễ dàng, nên đến nay lên đến hàng ngàn loại tiện ảo đã đươc lập trình ra (không thể thống kê chính xác vì chúng được sinh ra liên tục). Chúng được sử dụng như một công cụ để những kẻ tham lam thực hiện hành vi lừa đảo khắp nơi trên thế giới, kể cả các miền quê - những nơi mà người dân không hề biết đến internet, điện toán, dữ liệu lớn (big data),… Chẳng hạn như thời gian qua trên các phương tiện truyền thong có đưa tin nhiều người dân ở các huyện của tính Bắc Giang và nhiều tỉnh lân cận khác đã đổ xô đầu tư tiền ảo Aloscoin (AOC). Không hợp đồng khi đóng tiền mà chỉ là những tờ giấy viết tay, vậy mà có một số người bỏ kinh doanh, cắm nhà cửa, vay nóng chỉ với mục đích đầu tư tiền ảo với hy vọng thoát nghèo chỉ sau vài tháng.
Sức hút của tiền ảo được các “thiên tài” lừa đảo thổi phồng qua những bài thuyết trình trong các hội thảo được tổ chức tại những nơi sang trọng với những câu từ tưởng chừng như là chân lý: nào là tiền ảo là tiền của tương lai trong thời buổi 4.0; tiền ảo có số lượng nhất định nên đầu tư thì sẽ tăng giá, tiền ảo có tính bảo mật rất cao, tiền được tạo ra do chính công đồng chơi, không ai có thể chi phối được đồng tiền này (kể cả nhà nước),… Rồi tìm mọi thông tin bất kỳ nhân vật “lỡ miệng” lên tiếng ủng hộ tiền ảo để truyền thông thông tin đó,…nhằm lôi kéo người tham gia. Họ tỏ ra mình là người tiến bộ, những người kinh doanh tiền ảo là những người tiến bộ. Họ nói, phần lớn người ta không hiểu biết về tiền, phê phán những ai không ủng hộ hoặc cảnh báo rủi ro tiền ảo.
Nhưng thử nghĩ lại xem, cái gọi là “đầu tư tiền ảo” có thật sự hấp dẫn đến vậy không!? Nếu đã gọi là tiền thì không có chuyện đem đồng tiền này đầu tư vào đồng tiền khác. Chúng ta có bao giờ lấy Việt Nam đồng đầu tư Đô la Mỹ không? Không! chỉ có “trao đổi” khi cần: Người Mỹ qua Việt Nam, họ cần Việt Nam đồng để chi tiêu, đầu tư nên họ dù Đô la Mỹ để đổi lấy Việt Nam Đồng; ngược lại, người Việt Nam đi đến đến Mỹ thì họ lấy Việt Nam đồng đổi lấy Đô la Mỹ để chi tiêu, đầu tư ở bên Mỹ.
Đầu tư được hiểu là mang tiền đổi lấy tài sản để tài sản đó hoạt động tạo ra giá trị, nhờ vào giá trị tạo ra đó mà người đầu tư kiếm được lợi nhuận; hay lấy tiền đầu tư chứng khoán (chứng khoán là đại diện cho tài sản của công ty cụ thể nào đó). Mang đồng tiền này đi đổi để nắm giữ một đồng tiền nào đó chờ tăng giá để kiếm thêm tiền thì không được gọi là đầu tư, mà gọi là đầu cơ. Đầu cơ là hành vi nguy hiểm cho mọi nền kinh tế nên chính phủ các nước phải có nhiệm vụ ngăn chặn nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng công dân của nước họ.
Tiền là phương tiện dùng để trao đổi hàng hoá, tiền đại diện cho giá trị hàng hoá, dịch vụ mà người cầm tiền có thể trao đổi. Trước đây các vật chất như bạc, đồng,…và hiện nay là giấy được dùng làm tiền, thì tương lai với việc phát triển của internet thì việc lập trình ra tiền số cũng hoàn toàn có khả năng đó. Cho dù thứ gì được quy ước là tiền đi nữa, thì tiền luôn phải được pháp luật thừa nhận nhận và quản lý từ việc phát hành, lưu hành, quản lý,… và bảo vệ rất nghiêm, ổn định tỷ giá trao đổi, ngăn chặn giả mạo.
Tính đến thời điểm hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa thừa nhận “tiền ảo” là tiền, cũng như chúng chưa được dùng để giao dịch các hàng hoá (chưa thể dùng có tiền ảo bà con có mua gạo, nước mắn, cafê,…). Nếu trong tương lai, nhà nước thừa nhận tiền kỹ thuật số như một đồng tiền thì sẽ có quy định về việc lập trình ra tiền, phát hành, quản lý, ….để chống giả mạo, lừa đảo. Khi được công nhân là tiền thì chắc chắc nhà nước sẽ quản lý tỷ giá quy đổi của nó với Việt Nam đồng so cho ổn định, sẽ không còn chuyện tỷ giá tăng/giảm bất thường. Lúc đó, nắm giữ tiền ảo chờ tăng giá sẽ không còn ý nghĩa nữa, đúng là chơi cũng ảo tưởng không khác gì cái tên tiền ảo.
Nhiều người bỏ tiền thật ra mua tiền ảo chỉ vì hy vọng tăng giá để kiếm tiền. Đây không phải là hoạt động làm giàu chân chính, bởi làm giàu là dùng tiền để tạo ra hàng hoá, dịch vụ mang lợi ích cho nhiều người và xã hội. Người ta cảm thấy hạnh phúc thì họ sẽ trả giá cao nhờ vậy mà mình kiếm tiền. Nguyên lý của kiếm tiền là tạo ra lợi ích gì đó cho người khác để họ chấp nhận trả tiền và lợi ích cho xã hội. Không mang lại lợi ích cho người khác và xã hội mà muốn kiếm nhiều tiền thì đó là lòng tham. Chơi tiền ảo kiếm tiền theo cách lòng tham của người đến sau trả tiền cho lòng tham của người đến trước, rồi sẽ có ngày người cuối cùng sẽ thiệt hại lớn nhất.
Tiền ảo đang tạo ra môi trường thúc đẩy động cơ xấu, khích thích lòng tham của con người,… cứ để tiếp tục như thế nay số người làm ăn chân chính sẽ ngày càng ít đi. Rất buồn là một bộ phận không nhỏ trọng tiền, mà quên đi giá trị mang lại phía sau những đồng tiền đó. Đây chính là gốc rễ của lòng tham, là cội nguồn của cái gọi là đầu tư tiền ảo tràn lan.