TS HUỲNH THANH ĐIỀN
Sau ngày đất nước thống nhất, đặc biệt kể từ Đổi mới năm 1986, nền kinh tế Việt Nam từng bước chuyển mình mạnh mẽ sang mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong giai đoạn bản lề ấy, một lực lượng đặc biệt đã âm thầm tiên phong trên mặt trận mới - mặt trận kinh tế. Đó chính là những người lính năm xưa, nay khoác lên mình vai trò doanh nhân.
Điều đáng quý là hành trình kinh doanh của họ không bắt đầu từ mưu cầu làm giàu, mà xuất phát từ lý tưởng tiếp tục phụng sự Tổ quốc trong thời bình. Họ lập nghiệp không chỉ để xây dựng doanh nghiệp, mà để tạo việc làm cho người dân, kiến tạo thương hiệu Việt, nâng cao chất lượng sống và đóng góp vào công cuộc dựng xây đất nước. Trong họ, hình ảnh người lính được tái hiện sống động, như một biểu tượng đẹp của sự chuyển tiếp lý tưởng từ bảo vệ độc lập sang kiến thiết tương lai.
Điểm khác biệt lớn nhất của lớp doanh nhân này nằm ở tinh thần phụng sự, thứ luôn hiện diện trong mọi quyết định kinh doanh. Không đặt lợi nhuận lên trên tất cả, họ luôn tự vấn: Việc này có mang lại giá trị cho cộng đồng không? Có giữ được đạo đức nghề nghiệp và danh dự doanh nghiệp không? Chính sự cẩn trọng đầy trách nhiệm ấy đã tạo nên thứ tài sản vô hình quý giá, đó là sự kính trọng và niềm tin từ xã hội. Và từ đó, hình thành nên một lớp doanh nhân kiên cường, kiên định, không dễ bị dao động bởi khó khăn ngắn hạn.
Không ít doanh nghiệp được thành lập và phát triển bởi những người lính cũ đã trở thành trụ cột kinh tế tư nhân, tạo hàng nghìn việc làm, đóng góp bền bỉ cho ngân sách nhà nước, đồng thời truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ bằng tinh thần dấn thân, đạo đức và bản lĩnh. Trong môi trường kinh doanh đầy biến động, tính kỷ luật vốn là phẩm chất quân đội, được thể hiện rõ nét trong chiến lược thực thi, quản trị tài chính, kiểm soát chất lượng, và xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, không ít doanh nghiệp thất bại không phải do thiếu tầm nhìn, mà do thiếu kỷ luật trong triển khai. Trong khi đó, sự kiên trì giúp các doanh nhân “mang bản sắc người lính” giữ vững mục tiêu, không từ bỏ trước áp lực hay những cú sốc thị trường.
Khi chuyển sang vai trò doanh nhân, tinh thần trách nhiệm với đồng đội và Tổ quốc được họ kết tinh thành trách nhiệm với người lao động, khách hàng và xã hội. Chính vì vậy, các doanh nghiệp do họ điều hành thường phát triển theo hướng bền vững, nhân văn và đáng tin cậy.
Không chỉ dừng lại ở việc tạo ra giá trị kinh tế, hành trình phát triển của các doanh nghiệp kiểu này còn là minh chứng sống động cho khát vọng kiến tạo và tinh thần cống hiến. Từ việc tiên phong mở đường cho ngành công nghiệp không khói, phát triển hạ tầng đô thị chiến lược, cho tới hàng nghìn tỷ đồng dành cho giáo dục, y tế, thiện nguyện, đền ơn đáp nghĩa…, tất cả đều cho thấy một tầm nhìn phát triển gắn liền với lợi ích lâu dài của quốc gia.
Đặc biệt, họ sẵn sàng đầu tư vào những lĩnh vực thiết yếu như năng lượng, nông nghiệp, giao thông, dịch vụ, những ngành nghề không mang lại lợi nhuận nhanh chóng nhưng có ý nghĩa chiến lược cho đất nước. Họ dấn thân vào cả những lĩnh vực mới mẻ mà không nhiều người dám làm, chỉ vì một thôi thúc: trách nhiệm và lòng yêu nước.
Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, mô hình phát triển của các doanh nghiệp tư nhân này cho thấy khả năng hợp tác chiến lược với các đối tác quốc tế và năng lực tạo ra sản phẩm đạt chuẩn quốc tế. Tinh thần chủ động “đứng trên vai người khổng lồ”, kết nối cùng các tập đoàn lớn trên thế giới để nâng tầm thương hiệu Việt là một hướng đi khôn ngoan, cần được nhân rộng.
Cũng cần nhìn lại tiến trình ghi nhận vai trò của kinh tế tư nhân. Mãi đến năm 2002, khu vực này mới chính thức được xác lập là một trong ba thành phần kinh tế. Đến năm 2017, tư nhân được coi là “một động lực quan trọng” (Nghị quyết 10-NQ/TW/2017), và chỉ đến năm 2025 (Nghị quyết 68-NQ/TW/2025), mới được khẳng định là “động lực quan trọng nhất” trong phát triển kinh tế đất nước. Trong suốt giai đoạn hành lang thể chế chưa thật sự rộng mở, những doanh nghiệp tư nhân tiên phong vẫn kiên cường bám trụ, cống hiến thầm lặng, đóng góp vào sự phát triển chung.
Giờ đây, khi thể chế đã minh bạch hơn, chính sách rõ ràng hơn, nhận thức xã hội đầy đủ hơn, tinh thần phụng sự của họ chắc chắn sẽ được phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Đặc biệt, tinh thần ấy đang được thế hệ kế thừa tiếp nối, thế hệ doanh nhân trẻ được truyền cảm hứng từ chính câu chuyện thật, giá trị thật, và đạo đức thật của những người đi trước.
Ngọn lửa ấy, ngọn lửa của lý tưởng phụng sự, của tinh thần người lính, của đạo đức kinh doanh đang tiếp tục được trao truyền và thắp sáng trên hành trình phát triển bền vững của đất nước trong kỷ nguyên mới. Và chính từ đó, tầm vóc của doanh nghiệp dân tộc sẽ được nâng lên tương xứng với khát vọng hùng cường mà dân tộc đang hướng đến.