TỔ CHỨC CHUỖI GIÁ TRỊ SẢN XUẤT CHO NHÃN HIỆU RIÊNG

Date: - View: 1203 - By:

TS HUỲNH THANH ĐIỀN

Việt Nam không có lợi thế về sản xuất công nghiệp, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng việc phát triển nhãn riêng và tổ chức chuỗi giá trị sản xuất trên phạm vi toàn cầu nhằm tối thiểu chi phí là lựa chọn mạnh dạn và phù hợp đối với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tại Việt Nam.

Các nhãn hiệu sản phẩm nổi tiếng với thị trường tiêu thụ trên phạm vi toàn cầu như Airbus, Boeing, Samsung, Toyota, Iphone,…không sản xuất, thậm chí không lắp ráp ở nước sở tại. Rất nhiều sản phẩm mang thương hiệu của công ty mẹ nhưng toàn bộ quá trình nghiên cứu, thiết kế, sản xuất linh kiện, chi tiết, lắp ráp được sản xuất bởi các công ty con, chi nhánh và đối tác ở nhiều nước trên thế giới. Cách tổ chức sản xuất đã phổ biến từ lâu đối với hầu hết các sản phẩm công nghiệp.

Để tạo ra một nhãn hiệu sản phẩm thành công không nhất thiết phải đầu tư dây truyền sản xuất từ đầu đến cuối (nếu làm như vậy sẽ không hiệu quả và khả thi), mà điều quan trọng là biết thiết kế và tổ chức chuỗi giá trị sản xuất tối ưu trên phạm vị toàn cầu. Doanh nghiệp phát triển nhãn hiệu riêng phải biết cách thiết kế chuỗi giá trị và lựa chọn đối tác phù hợp trên phạm vi toàn cầu từ khâu  thiết kế, nguyên liệu, đến hợp tác sản xuất các chi tiết, linh kiện, lắp ráp, kết nối hệ thống phân phối,… sao cho chi phí sản xuất thấp nhất, hưởng được nhiều nhất các ưu đãi về thuế. Khâu quan trọng nhất của doanh nghiệp sở hữu nhãn hiệu sản phẩm là kiểm soát chất lượng và chịu trách nhiệm hoàn toàn về chất lượng sản phẩm đối với sự hài lòng của khách hàng.

Các tập đoàn đa quốc gia tổ chức sản xuất theo xu hướng tối ưu hóa chuỗi giá trị trên phạm vi toàn cầu. Mỗi quốc gia có lợi thế nhất định nên phù hợp với một vài công đoạn sản xuất của một sản phẩm. Chẳng hạn như chuỗi giá trị của ngành may: các nhãn hiệu thời trang nỗi tiếng hàng trăm năm ở Mỹ, Châu Âu chủ yếu sản xuất gia công ở các nước Châu Á (trong đó có Việt Nam). Doanh nghiệp sản xuất gia công theo thiết kế và gắn nhãn mác theo yêu cầu của doanh nghiệp đặt hàng. Doanh nghiệp đặt hàng chủ yếu cung cấp thiết kế hoặc duyệt thiết kế do doanh nghiệp sản xuất, kiểm soát chất lượng và chịu trách nhiệm hoàn toàn với khách hang của mình.

Trong bối cảnh hội nhập, khi doanh nghiệp gia nhập thị trường có thể chọn lựa một khâu nào đó trong chuỗi giá sản xuất của ngành. Doanh nghiệp lãnh đạo chuỗi giá trị thường đảm nhận khâu hoàn thiện sản phẩm mang thương hiệu của mình. Để tối ưu hoá chi phí và chất lượng họ không thể đảm nhận tất cả các khâu từ thiết kế, nguyên liệu, phụ liệu, sản xuất các chi tiết, linh kiện,… mà cần đến các doanh nghiệp sản xuất cung ứng phụ trợ và phân phối. Mỗi quốc gia có lợi thế nhất định trong sản xuất các sản phẩm phụ trợ nên doanh nghiệp cung ứng được phân bổ khắp nơi trên phạm vi toàn cầu theo nguyên tắc chi phí sản xuất thấp nhất và trình độ công nghệ phù hợp.

Việc tạo ra và sở hữu một nhãn hiệu thành công là rất khó, nên có những doanh nghiệp chỉ tham gia vài công đoạn trong chuỗi sản xuất trong các khâu cụ thể như cung ứng nguyên liệu, phụ liệu, sản xuất lịnh kiện, chi tiết, vận tải, phân phối,…. Một doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đầu cuối cần đến rất nhiều doanh nghiệp phụ trợ cung ứng. Chẳng hạn như để sản xuất kinh doanh chiếc điện thoại cần hàng trăm nhà cung ứng và phân phối. Ngược lại, một doanh nghiệp sản xuất phụ trợ cũng có thể cung ứng được cho rất nhiều doanh nghiệp sản xuất đầu cuối khác nhau, chẳng hạn như doanh nghiệp gia công cơ khí có thể chung cấp chi tiết cho xe gắn máy, ô tô, máy bay, thiết bị sản xuất công nghiệp…

Trong xu hướng hiện nay, lợi thế sản xuất đang dịch chuyển về các quốc gia Châu Á. Trung Quốc là một trong những quốc gia có định hướng quy hoạch phát triển sản xuất công nghiệp với quy mô lớn, nền tảng công nghiệp chế tạo rất tốt nên chi phí sản xuất, lắp ráp thấp hơn nhiều nước trên thế giới. Do vậy, nhiều nhãn hiệu sản phẩm toàn cầu (như Iphone, Samsung, Dell,…) chọn Trung Quốc là nơi đặt hàng cung ứng nguyên liệu, chi tiết, linh kiện, thậm chí là lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh. Các doanh nghiệp trong phần lớn các ngành công nghiệp ở Việt Nam cũng nhập khẩu nguyên phụ liệu, linh kiện và nhiều sản phẩm phụ trợ khác nhập khẩu từ Trung Quốc bởi giá thành rẻ hơn so với rất nhiều nước khác trên thế giới.

Việc lựa chọn nơi sản xuất sản phẩm trung gian và rắp ráp không chỉ cân nhắc đến các yếu tố cung ứng và chi phí sản xuất, mà còn phụ thuộc vào các điều kiện về thuế, tiêu chuẩn xuất, nhập khẩu và phân phối hàng hoá. Chẳng hạn như quốc gia nào có chính sách đánh thuế nhập khẩu sản phẩm đầu cuối, miễn thuế nhập linh kiện thì sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp FDI sản xuất sản phẩm trung gian để lắp ráp. Quốc gia nào tham gia ký kết nhiều Hiệp định thương mai tự do sẽ thu hút được nhiều FDI sản xuất và lắp ráp vì các thuận lợi về dịch chuyển lao động, hưởng các ưu đãi về thuế khi xuất hàng đi nhiều thị trường trên toàn cầu.

Trong thời gian qua, Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với các cam kết về cắt giảm thuế, điều kiện xuất xứ, lao động, môi trường, thế chế,…thúc đẩy hang hoá, lao động, dòng vốn và doanh nghiệp tự do di chuyển vào ra. Trong khi đó, Việt Nam không có lợi thế về sản xuất công nghiệp bởi nền sự manh mún, quy mô nhỏ và thiếu nền tảng công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ nên chi phí sản xuất cao và chất lượng còn nhiều hạn chế. Doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu sản xuất được các chi tiết, linh kiện với công nghệ đơn giản, chưa sản xuất được các sản phẩm trung gian đòi hỏi công nghệ cao hoặc sản xuất được thì chi phí cao, nên cũng không thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp sản xuất tại nhiều nước khác trên thế giới.

Vì thế, lựa chọn tốt nhất của doanh nghiệp Việt Nam là tạo ra nhãn hiệu sản phẩm riêng theo hướng thiết kế và tổ chức chuỗi giá trị sản xuất tối ưu trên phạm vị toàn cầu. Theo đó, doanh nghiệp sản xuất đầu cuối đảm nhận công tác nghiên cứu thị trường, định hướng ý tưởng sản phẩm và phương thức phân phối. Trên cơ sở ý tưởng sản phẩm, doanh nghiệp  phân chia thành những công đoạn và đặt hàng cụ thể cho từng công đoạn thiết kế triển khai sản phẩm, nguồn nguyên liệu, sản xuất sản phẩm trung gian, lắp ráp hoàn chỉnh, phân phối,… Việc lựa chọn đối tác đặt hàng tất nhiên phải theo nguyên tắc chi phí thấp và chất lượng phân bố trên phạm vi toàn cầu.

Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm cuối cùng với khách hàng về sản phẩm mang nhãn hiệu của mình nên cần làm tốt công tác kiểm soát chất lượng. Theo đó, doanh nghiệp cần nắm bắt và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, hệ thống quản lý môi trường, trách nhiệm xã hội và các quy chuẩn quốc tế liên quan đến lĩnh vực sản xuất của mình. Áp dụng các hệ thống này không chỉ hướng đến chất lượng mà còn là cách phát tín hiệu về chất lượng sản phẩm và trách nhiệm của doanh nghiệp với khách hàng. Đồng thời cũng là điều kiện cần khi xuất khẩu hàng hoá trên phạm vi toàn cầu theo cam kết của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Ngoài ra, người tiêu dùng rất quan tầm về điều kiện về xuất xứ của nguyên liệu, sản phẩm trung gian nên doanh nghiệp cần trung thực và minh bạch xuất xứ. Nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đưa vào yêu cầu cam kết xuất xứ khi quyết định mức thuế ưu đãi. Chẳng hạn như CPTPP cam kết “xuất xứ từ sợi” đối với hang dệt may, nghĩa là quần áo xuất khẩu qua lại các nước phải thoả sử dụng nguyên liệu từ sợi, vải, nút,… của các nước trong khối CPTPP thì mới được hưởng ưu đãi về thuế. Doanh nghiệp được quyền tư khai xuất xứ nhưng phải chịu hậu kiểm. Nếu phát hiện không trung thực trong khai báo xuất xứ sẽ bị trừng phạt rất nặng (có thể doanh nghiệp sẽ bị trừng phạt bằng lệnh cấm xuất khẩu vào thị trường đó). Người tiêu dùng rất quan tâm đến chữ tín và cam kết của doanh nghiệp nên doanh nghiệp cũng nên trung thực trong khai báo xuất xứ. 

LIÊN KẾT
FANPAGE