TS Huỳnh Thanh Điền
Dự thảo quy định người mua chỉ được hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) khi người bán đã nộp thuế đang tạo ra nhiều lo ngại trong cộng đồng doanh nghiệp. Mặc dù mục tiêu của quy định này là nhằm chống thất thu thuế và hạn chế gian lận, nhưng cách tiếp cận lại đặt toàn bộ rủi ro lên vai người mua, một bên không có khả năng kiểm soát hành vi của người bán.
Theo nguyên tắc pháp lý, mỗi chủ thể trong giao dịch phải chịu trách nhiệm với nghĩa vụ của mình. Khi người mua đã thanh toán đầy đủ, nhận hóa đơn hợp lệ và không có dấu hiệu thông đồng gian lận, thì họ có quyền được khấu trừ hoặc hoàn thuế theo đúng quy định pháp luật. Việc gắn quyền lợi hợp pháp đó với nghĩa vụ nộp thuế của bên bán là không công bằng, và làm sai lệch nguyên tắc trách nhiệm độc lập giữa các bên. Trong thực tế, người mua không có bất kỳ công cụ hành chính hay pháp lý nào để biết hoặc buộc người bán nộp thuế. Việc bị từ chối hoàn thuế chỉ vì đối tác vi phạm nghĩa vụ sẽ khiến người mua rơi vào thế bị động và thiệt hại nặng nề dù không có lỗi.
Không chỉ bất hợp lý về mặt pháp lý, quy định này còn tác động trực tiếp đến hoạt động tài chính và kinh doanh của doanh nghiệp. Việc bị treo khoản thuế GTGT đáng lẽ được hoàn sẽ ảnh hưởng đến dòng tiền, làm giảm khả năng tái đầu tư và gây khó khăn đặc biệt đối với các doanh nghiệp xuất khẩu – những đối tượng phụ thuộc lớn vào hoàn thuế để duy trì sức cạnh tranh. Về lâu dài, điều này tạo ra một môi trường kinh doanh bất ổn, nơi mà sự rủi ro không đến từ thị trường mà lại đến từ chính sách. Các doanh nghiệp sẽ trở nên e ngại trong giao dịch, nhất là với các đối tác vừa và nhỏ, và điều này sẽ cản trở sự lưu thông hàng hóa, dịch vụ cũng như niềm tin thị trường.
Hơn nữa, nếu mục tiêu là chống gian lận và thất thu, thì giải pháp cần đến từ việc hiện đại hóa và nâng cao năng lực quản lý thuế, thay vì đẩy trách nhiệm cho người mua. Việc mở rộng sử dụng hóa đơn điện tử, kết nối dữ liệu liên ngành và tăng cường công tác thanh tra, hậu kiểm sẽ hiệu quả hơn nhiều so với việc áp đặt cơ chế gián tiếp làm liên đới người mua vào nghĩa vụ của người bán.
Quy định này không những không đạt được hiệu quả quản lý bền vững mà còn tạo ra rủi ro pháp lý và tài chính cho người nộp thuế hợp pháp, làm suy yếu niềm tin vào hệ thống thuế và môi trường đầu tư. Do đó, cần xem xét lại quy định này trên cơ sở đảm bảo công bằng, minh bạch và phù hợp với nguyên tắc pháp lý hiện hành.