TS. Huỳnh Thanh Điền
Với sự chuẩn bị chu đáo và cam kết mạnh mẽ từ Chính phủ, TP.HCM đang vững vàng trên hành trình vươn mình trở thành trung tâm tài chính quốc tế, tạo nền tảng mới để kinh tế Việt Nam phát triển vượt bậc và hòa nhập sâu rộng vào thị trường toàn cầu.
Nền tảng cần thiết
Thứ nhất, trung tâm tài chính quốc tế là nơi mà tất cả các doanh nghiệp có nhu cầu huy động vốn sẽ niêm yết cổ phiếu. Nhu cầu này không chỉ từ các doanh nghiệp trong nước mà còn từ các doanh nghiệp trên toàn thế giới. TP.HCM cần trở thành điểm hấp dẫn hơn các khu vực khác để thu hút các nhà đầu tư đến đây huy động vốn, đặc biệt là thông qua các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). TP.HCM cần nâng cao năng lực công nghệ, cải tiến hệ thống giao dịch điện tử để đảm bảo tốc độ và độ chính xác trong các giao dịch chứng khoán.
Thứ hai, Trung tâm tài chính quốc tế như TP.HCM cần đạt được những yếu tố như tính minh bạch của thị trường và khung hành lang pháp lý tốt. Điều này đòi hỏi tăng cường giám sát thị trường và triển khai các công cụ quản lý rủi ro hiệu quả để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư. Những bước này sẽ giúp tạo lòng tin vững chắc từ các nhà đầu tư quốc tế, làm nền tảng cho sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán TP.HCM. Đây là những yếu tố quan trọng giúp tăng sự tin cậy của thị trường chứng khoán TP.HCM.
Thứ ba, TP.HCM cần thu hút các công ty tư vấn niêm yết cổ phiếu, tư vấn mua bán và đầu tư chứng khoán. Khi các doanh nghiệp quốc tế muốn niêm yết tại TP.HCM, họ cần đến sự hỗ trợ từ các công ty tư vấn về thủ tục pháp lý, hồ sơ năng lực, chiến lược kinh doanh hoặc chiến lược IPO. Việc tổ chức các hoạt động này tốt và chuyên nghiệp sẽ giúp TP.HCM trở thành lựa chọn hàng đầu cho các doanh nghiệp quốc tế.
Ngoài ra, cần tăng cường kỷ cương thị trường dưới sự giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để TP.HCM có thể trở thành một trung tâm tài chính quốc tế đáng tin cậy.
Hiện thực hóa
TP.HCM đã có những điều kiện thuận lợi như tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, chính trị ổn định và đường lối ngoại giao cởi mở. Tuy nhiên, để thực sự thu hút các nhà đầu tư quốc tế, TP.HCM cần tiếp tục cải thiện tính minh bạch và hấp dẫn của thị trường thông qua các chiến lược dài hạn, bắt đầu từ việc nâng hạng thị trường chứng khoán.
Bước đầu tiên để hiện thực hóa trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM là nâng hạng thị trường chứng khoán TP.HCM theo chuẩn mực quốc tế. TP.HCM cần khảo sát các đặc trưng của các sàn giao dịch chứng khoán tại các trung tâm tài chính quốc tế khác để điều chỉnh khung hành lang pháp lý và kỷ cương phù hợp.
“Các Trung tâm tài chính quốc tế trong khu vực như Singapore, Hongkong (Trung Quốc) dù phát triển hình thành rất sớm, nhưng hiện đã phát triển tới mức bão hòa, không hấp dẫn về cơ hội đầu tư so với những trung tâm tài chính quốc tế mới như TP.HCM, nên không lo chuyện cạnh tranh”.
Điều này bao gồm việc cải thiện công nghệ để nâng cao hiệu suất giao dịch, tăng cường giám sát thị trường để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, và triển khai các biện pháp quản lý rủi ro hiệu quả hơn. Ngoài ra, việc hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế để áp dụng các chuẩn mực toàn cầu cũng là một bước quan trọng trong việc nâng cao uy tín của thị trường chứng khoán TP.HCM.
Ngoài ra, TP.HCM cần phát triển hạ tầng hỗ trợ tài chính đa dạng, bao gồm các văn phòng hiện đại với đầy đủ tiện nghi để phục vụ cho các doanh nghiệp quốc tế, các trung tâm hội nghị lớn để tổ chức các sự kiện tài chính toàn cầu, và khách sạn đạt chuẩn quốc tế để đón tiếp các chuyên gia và nhà đầu tư nước ngoài.
Khu vui chơi, giải trí cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra một môi trường sống và làm việc lý tưởng, giúp TP.HCM trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp tài chính và nhân sự chất lượng cao. Các dịch vụ phụ trợ tài chính như ngân hàng, bảo hiểm, công ty công nghệ tài chính cũng cần được thúc đẩy.
Bước đi bền vững
Việc trở thành Trung tâm tài chính quốc tế đối với TP.HCM là một khát vọng hoàn toàn khả thi, nhưng để đạt được điều này, Thành phố cần triển khai một loạt giải pháp dài hạn.
Trước tiên, TP.HCM cần tập trung vào cải thiện hạ tầng công nghệ thông tin để đảm bảo thị trường chứng khoán hoạt động hiệu quả và minh bạch. Điều này bao gồm việc nâng cấp hệ thống giao dịch điện tử và triển khai các công cụ giám sát hiện đại nhằm tăng cường khả năng phát hiện và ngăn chặn gian lận.
Đồng thời, thành phố cần đầu tư vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực tài chính, từ đó tạo ra một lực lượng lao động đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu của một trung tâm tài chính quốc tế.
Những bước đi chiến lược này sẽ giúp đảm bảo sự bền vững và phát triển lâu dài cho TP.HCM trên con đường trở thành một trung tâm tài chính toàn cầu.
Chiến lược chăm sóc những “ông lớn” quốc tế
Để hiện thực hóa trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM phải có các chiến lược chăm sóc những “ông lớn” tầm cỡ quốc tế, tư vấn, hỗ trợ chính sách thu hút họ IPO tại đây. Và khi những doanh nghiệp lớn tầm cỡ quốc tế niêm yết thành công ở đây sẽ tạo ra sự lan tỏa thông tin rất nhanh, thu hút những doanh nghiệp quốc tế khác tới tìm hiểu đầu tư.
Ngoài ra, TP.HCM phải xây dựng thành một thành phố đô thị chuẩn mực quốc tế đó xanh sạch, đẹp, hạ tầng thông thoáng thu hút các chuyên gia quốc tế đến làm việc. Khi TP.HCM hấp dẫn các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính về đây hoạt động sẽ tạo ra sự lan tỏa về trình độ, kỹ năng cho những nhân lực trong nước, từ từ nhân lực trong nước sẽ mạnh và làm chủ được.
https://doanhnhansaigon.vn/trung-tam-tai-chinh-quoc-te-tai-tp-hcm-315846.html