TS HUỲNH THANH ĐIỀN
Việt Nam và Hoa Kỳ đã chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện – một bước tiến mang ý nghĩa chính trị và chiến lược sâu sắc. Tuy nhiên, một điểm nghẽn quan trọng vẫn tồn tại: Hoa Kỳ đến nay vẫn chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Điều này không chỉ ảnh hưởng đến Việt Nam mà còn gây tổn hại đến chính lợi ích chiến lược và kinh tế của Hoa Kỳ.
Về phía Việt Nam, việc không được công nhận là nền kinh tế thị trường khiến nước này dễ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại thiếu công bằng, đặc biệt trong các vụ kiện chống bán phá giá. Hoa Kỳ có thể sử dụng dữ liệu từ nước thứ ba thay vì dựa vào chi phí và giá thành thực tế tại Việt Nam, gây thiệt hại cho doanh nghiệp xuất khẩu và tạo cảm giác phân biệt đối xử trong chính sách thương mại.
Tuy nhiên, tổn hại lớn hơn thuộc về phía Hoa Kỳ. Thứ nhất, việc thiếu nhất quán giữa tuyên bố chính trị và hành động thực tế có thể làm suy giảm niềm tin chiến lược của Việt Nam, cũng như của các đối tác trong khu vực. Trong bối cảnh Mỹ đang cần củng cố mạng lưới đối tác để đối trọng với các thách thức địa chiến lược, thì sự thiếu thiện chí kinh tế sẽ làm yếu đi vị thế.
Thứ hai, các doanh nghiệp Mỹ đang tự đánh mất cơ hội trong một thị trường năng động như Việt Nam, nơi đang vươn lên thành trung tâm sản xuất và tiêu dùng hàng đầu Đông Nam Á. Khi các đối tác khác như EU, Hàn Quốc, Nhật Bản đã có FTA toàn diện với Việt Nam, thì các rào cản phi thị trường từ phía Mỹ lại khiến doanh nghiệp Mỹ hụt hơi.
Thứ ba, nếu Hoa Kỳ thực sự muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng và giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, thì Việt Nam chính là một đối tác thay thế chiến lược. Việc tiếp tục áp đặt định kiến về thể chế kinh tế sẽ làm chậm tiến trình “friend-shoring”, một trọng tâm trong chiến lược phục hồi công nghiệp của Mỹ.
Cuối cùng, chính sách thương mại thiếu công bằng này vô hình trung đang đẩy Việt Nam xích lại gần hơn với các đối tác khác, làm giảm dư địa ảnh hưởng của Mỹ tại một khu vực cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt.
Nếu Hoa Kỳ thực sự cam kết với mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, thì việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường nên được coi là bước đi tất yếu, vừa đúng đắn về mặt nguyên tắc, vừa có lợi về mặt chiến lược. Quan hệ toàn diện không thể dựa trên sự phân biệt nửa vời.