Ý tưởng sản phẩm phải phù hợp với nhu cầu khách hàng

Date: - View: 1462 - By:

TS. Huỳnh Thanh Điền/ Báo DNSG

Nhận diện ý tưởng kinh doanh là khởi đầu của quá trình khởi nghiệp. Phải xác định rõ đối tượng khách hàng cần phục vụ (khách hàng mục tiêu), từ đó thiết kế ý tưởng sản phẩm sao cho phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Kế đến là tìm giải pháp công nghệ để sản xuất sản phẩm, biện pháp marketing để cho khách hàng biết đến sản phẩm và cách thức bán hàng phù hợp.

Khách hàng mục tiêu được xác định trên cơ sở nghiên cứu thị trường. Trọng tâm của nghiên cứu thị trường là phân tích các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm cùng lĩnh vực trên các khía cạnh chất lượng, mẫu mã, bao bì, kiểu dáng, nguyên liệu sử dụng, cách thức marketing, bán hàng, giá bán. Cần nhận diện những điểm khách hàng hài lòng nhất về sản phẩm, dịch vụ bán hàng, chăm sóc khách hàng cũng như những điểm khách hàng chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực.

 

Đặc điểm khách hàng hài lòng nhất về sản phẩm hiện có trên thị trường sẽ được xem như là thuộc tính căn bản cần có cho thiết kế sản phẩm khởi nghiệp, điểm khách hàng chưa hài lòng về sản phẩm hiện có trên thị trường là yếu tố cần khai thác để thiết kế sự khác biệt của sản phẩm (thuộc tính công nghệ), từ đó phát triển ý tưởng sản phẩm sao cho đảm bảo thuộc tính căn bản và thuộc tính công nghệ.

Thiết kế sản phẩm cần xác định các tiêu chuẩn kỹ thuật vượt trội, nguồn nguyên liệu sử dụng cho sản xuất, mẫu mã, bao bì, cách bày bán và giá bán sản phẩm. Nguồn nguyên liệu sử dụng phải được xác định dựa trên khả năng cung ứng, chi phí vận chuyển và khả năng thay thế bằng một loại nguồn nguyên liệu tương tự. Cần thiết lập trước danh mục các nhà cung ứng nguyên liệu đầu vào rõ ràng, khả năng cung ứng của từng nhóm nhà cung cấp về số lượng, chất lượng và giá.

Mã, bao bì góp phần gia tăng giá trị cho sản phẩm. Tùy vào đặc thù của mỗi lĩnh vực, khách hàng mục tiêu mà thiết kế mẫu mã, bao bì phù hợp, căn bản nhất là phải đảm bảo sự tinh tế trong mẫu mã, an toàn trong bảo quản. Tương tự, màu sắc cũng là yếu tố cần lưu ý để phù hợp với từng nhóm khách hàng khác nhau.

Ý tưởng sản phẩm tối thiểu phải đảm bảo thuộc tính căn bản vì nếu không có thuộc tính này, khách hàng sẽ cảm thấy khó chịu và không chấp nhận sản phẩm. Còn thuộc tính công nghệ tạo sự khác biệt giúp doanh nghiệp thu hút sự chú ý, kích thích sự tìm tòi, quyết định mua hàng. Thuộc tính công nghệ cũng giúp tạo ra hiệu ứng lan tỏa nhanh chóng, giúp marketing, bán hàng hiệu quả hơn, nhờ đó công ty có được nguồn thu tốt trong những ngày đầu khởi nghiệp.

Ý tưởng sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách hàng là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành công hay thất bại của công ty khởi nghiệp.

Thiết kế sản phẩm luôn gặp rủi ro lớn liên quan đến khả năng chấp nhận của khách hàng. Cho nên trước khi đầu tư công nghệ, nhà xưởng sản xuất, kinh doanh, cần phải thăm dò khả năng chấp nhận của khách hàng. Sản phẩm mẫu được sản xuất ở phòng thí nghiệm, hoặc đặt hàng sản xuất thử ở một nơi có chi phí hợp lý. Sau đó thăm dò khách hàng bằng cách cho họ dùng thử để đánh giá các thuộc tính căn bản, thuộc tính công nghệ, khả năng chấp nhận giá bán cũng như mong đợi của khách hàng về cách thức mua hàng, thanh toán.

Kết quả thăm dò khách hàng cho biết có nên tiếp tục ý tưởng kinh doanh sản phẩm, hay phải dừng dự án khởi nghiệp. Nếu tiếp tục thì cần điều chỉnh đặc điểm nào của sản phẩm, mức giá bán có thể được chấp nhận. Từ đó xác định phương án công nghệ, cách thức marketing, bán hàng, quản lý vận hành mô hình kinh doanh, ước tính liều lượng vốn đầu tư cho phù hợp với giai đoạn đầu khởi nghiệp. Bên cạnh đó, kết quả thăm dò khách hàng giúp dự đoán các rủi ro và tìm ra giải pháp xử lý rủi ro trong kinh doanh.

Ý tưởng sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách hàng là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành công hay thất bại của công ty khởi nghiệp, đòi hỏi người khởi nghiệp phải nghiên cứu thị trường trước khi thiết kế ý tưởng, thăm dò khả năng chấp nhận của khách hàng để điều chỉnh sản phẩm trước khi quyết định đầu tư sản xuất, kinh doanh.

 

 

TS. Huỳnh Thanh Điền
Nguồn: Doanh Nhân Sài Gòn

LIÊN KẾT
FANPAGE