Chuyên gia kỳ vọng GDP TP. HCM đạt 5-6% trong năm 2022

Date: - View: 568 - By:

(CLO) Kinh tế TP. HCM trong năm 2022 vẫn được kỳ vọng khi còn đó những dư địa, tiềm lực phát triển. Các chuyên gia dự báo GDP của thành phố trong năm nay có thể đạt 5-6% nếu đi đúng hướng.

 

GDP TP. HCM có thể đạt 5 - 6% trong năm 2022

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp, khó lường, tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2022 được dự báo ở mức 4-4,5%, lạm phát toàn cầu khoảng 3,3%.

TS. Cấn Văn Lực, Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV kiêm Giám đốc Trường Đào tạo BIDV cho rằng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của Việt Nam sẽ là đa mục tiêu. Trọng tâm vẫn là vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi, phát triển kinh tế xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Về tăng trưởng GDP năm 2022, các hoạt động kinh tế - xã hội được dự báo sẽ phục hồi mạnh hơn khi dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn và Việt Nam tiếp tục chiến lược sống chung an toàn với Covid. Hiện nay, các tổ chức quốc tế khá lạc quan về triển vọng của nền kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn. Theo đó, dự báo kinh tế nước ta năm 2022 tăng trưởng ở mức 6,5-7% (như ADB và HSBC dự báo mức 6,5% và Standard Chartered 6,7%; còn WB dự báo mức tăng trưởng 5,5%).

Riêng đối với "đầu tàu" kinh tế TP. HCM, TS. Huỳnh Thanh Điền, giảng viên Đại học Nguyễn Tất Thành đánh giá cao khả năng khôi phục nền kinh tế của TP. HCM. Ông dự đoán GDP của thành phố trong năm 2022 có thể đạt mức 5-6%.

"Thực tế, nền kinh tế thế giới trong đợt dịch Covid-19 lần 4 không hề suy giảm, đồng nghĩa với việc nhu cầu thị trường quốc tế rất lớn. Chúng ta không gặp khó về thị trường. Nhà đầu tư hiện có xu hướng chuyển dịch sang các nước còn dư địa, tiềm lực tăng trưởng tốt như Việt Nam và một số nước ở Đông Nam Á", TS. Huỳnh Thanh Điền nêu.

Ngoài ra, ông Điền cho rằng nước ta vẫn còn nhiều lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia khác về nguồn nhân lực, chi phí nhân công thấp. Những kỳ vọng về giao thông, pháp lý, thủ tục xuất nhập khẩu của doanh nghiệp nước ngoài đối với Việt Nam cũng đang được cải thiện. Cùng với đó, chúng ta có các điểm tương đồng với Trung Quốc khiến việc chuyển dịch những nhà máy từ đất nước tỷ dân sang Việt Nam sẽ đơn giản, nhanh chóng hơn.

Phải thật sự "mở", tạo điều kiện cho doanh nghiệp

TS. Huỳnh Thanh Điền nhấn mạnh, nếu muốn kinh tế TP. HCM khôi phục, các chính sách phải thật sự mở, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp sản xuất.

Bên cạnh đó, cần có chính sách thúc đẩy các doanh nghiệp FDI phát triển mạng lưới cung ứng vệ tinh với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, thực hiện các chính sách trợ giúp doanh nghiệp bản địa nâng cao năng lực quản trị, mang tư duy toàn cầu về tiêu chuẩn, thị trường, công nghệ, nhân lực… mới có thể liên kết với FDI, gia nhập vào mạng lưới cung ứng toàn cầu.

 

Ngoài ra, thành phố phải quyết liệt vào cuộc, phối hợp với chi nhánh của Ngân hàng Nhà nước TP. HCM chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện tốt chương trình khoanh nợ, giãn nợ cho doanh nghiệp. Để từ đó, các doanh nghiệp không phải rơi vào tình trạng nợ xấu, còn sức để khởi động lại.

Ông Điền dự báo, thời gian tới doanh nghiệp sẽ thường xuyên gặp phải vấn đề thiếu hụt nguồn lao động vì rủi ro Covid-19 vẫn còn tiếp diễn. Vì thế, doanh nghiệp cần xây dựng kịch bản rõ ràng và chi tiết để ứng phó kịp thời khi có biến cố xảy ra. 

Đối với việc đón người lao động trở lại, TP. HCM cần phải tính đến bài toán an toàn. Bởi, vừa qua số ca nhiễm ở các khu nhà trọ rất nhiều với tỷ lệ tử vong cao, vì nơi này thường không đảm bảo an toàn, điều kiện tiếp cận y tế kém.

Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, Chính phủ cần nhất quán quan điểm chỉ đạo là quyết tâm thực hiện “đa mục tiêu” (chứ không chỉ có mục tiêu kép). Cụ thể, vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế, đảm bảo năng lực y tế, an sinh xã hội, năng lực chống chịu các cú sốc bên ngoài và tâm thế phục hồi, tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức trong và sau đại dịch.

Cần sớm ban hành và thực hiện tốt Chương trình phòng, chống dịch với phương châm nhất quán là “sống chung an toàn với Covid”, trong đó cần quan tâm, có đề án, kế hoạch tổng thể về nâng cao năng lực y tế. Đồng thời, cần sớm ban hành và thực thi hiệu quả Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh, quyết liệt cải cách, hoàn thiện thể chế (bao gồm cả khung pháp lý cho kinh tế số, mô hình kinh doanh mới); cải thiện thực chất hơn nữa môi trường đầu tư - kinh doanh; kiên quyết tháo gỡ rào cản, vướng mắc sớm nhất có thể.

Theo TS. Cấn Văn Lực, Chính phủ cũng cần sớm ban hành hướng dẫn thực thi một luật sửa 8 luật; xây dựng đề án sửa đổi các bộ luật được sự quan tâm lớn của người dân và doanh nghiệp hiện nay như luật Đất đai, luật Nhà ở, luật Kinh doanh bất động sản, luật Giao dịch điện tử…

Song song đó, nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách, nhất là giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế nhằm có thể huy động và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn.

5 nhóm giải pháp của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Chính phủ đề xuất chi khoảng 60.000 tỷ đồng để mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh.

Chi khoảng 53.000 tỷ đồng để đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; khoảng 110.000 tỷ đồng để hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; khoảng 114.000 tỷ đồng cho phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển.

Đồng thời, Chính phủ sẽ tập trung cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ngoài ra, huy động từ các quỹ tài chính ngoài ngân sách Nhà nước khoảng 10.000 tỷ đồng để phục vụ một số nhiệm vụ khác.

Kỳ Hoa

https://congluan.vn/phat-trien-kinh-te--xa-hoi-da-muc-tieu-chuyen-gia-ky-vong-gdp-tp-hcm-dat-5-6-trong-nam-2022-post177995.html
LIÊN KẾT
FANPAGE