Chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp - Bài 2: Đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp

Date: - View: 1126 - By:

BNEWS.VN Theo các chuyên gia kinh tế, việc chuyển đổi hộ kinh doanh lên thành doanh nghiệp không thể thực hiện bằng các biện pháp mang tính hành chính mà phải là đồng hành cùng hộ kinh doanh

 

Chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp - Bài 2: Đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp. Ảnh minh hoạ: An Hiếu - TTXVN

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc chuyển đổi hộ kinh doanh lên thành doanh nghiệp không thể thực hiện bằng các biện pháp mang tính hành chính. Thay vào đó cần thực hiện như giải pháp mang tính tư vấn, đồng hành cùng hộ kinh doanh trong quá trình kinh doanh. Khi doanh nghiệp làm ăn thuận lợi thì động lực phát triển doanh nghiệp sẽ sinh sôi, nảy nở, lan rộng, thu hút nhiều doanh nghiệp từ nơi khác đến thành phố Hồ Chí Minh … 

Không theo số lượng 

Các chuyên gia cho rằng, đối với hoạt động làm ăn thông thường chỉ để kiếm đồng ra – đồng vào, cũng không có tiềm năng phát triển, thị trường ở phạm vi hẹp,… thì phù hợp với mô hình doanh hộ kinh doanh nhằm tiết giảm chi phí và thuận lợi cho quản lý; trường hợp này không nên vận động họ chuyển lên doanh nghiệp. 

Còn đối với các hoạt động kinh doanh với ý tưởng sáng tạo, có thể bắt đầu nhỏ, nhưng có triển vọng phát triển lớn, thị trường tiềm năng ở phạm vi rộng,… thì kinh doanh theo mô hình doanh nghiệp để có điều kiện phát triển lớn hơn, vươn xa hơn. 

Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền - thành viên nhóm Tư vấn chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố Hồ Chí Minh phân tích, không nên xem con số hộ kinh doanh chuyển đổi sang hình thức doanh nghiệp như mục tiêu theo đuổi bằng mọi giá. 

Nên thay thế bằng các chỉ tiêu phản ánh chất lượng khác phù hợp hơn chẳng hạn như giá trị sản xuất, doanh thu, lợi nhuận hay nộp ngân sách chẳng hạn. Không nhất thiết nhiều hộ kinh doanh chuyển đổi, mà điều cần quan tâm là giá trị làm ra của số doanh nghiệp được chuyển đổi từ hộ, chúng phản ánh doanh thu, giá trị sản xuất, lợi nhuận, hay đóng góp vào nộp ngân sách chẳng hạn.

Theo ông Điền, mục tiêu này đạt được hay không tuỳ thuộc vào sự nỗ lực trong cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, sự quyết tâm của chính quyền phục vụ và kiến tạo cơ hội cho doanh nghiệp. Sự tích cực kết nối doanh nghiệp của các hội ngành nghề và vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp lớn. 

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, con số 500.000 doanh nghiệp đến năm 2020 chỉ là mục tiêu hướng tới của thành phố. Bởi vậy, kỳ vọng thành lập mới 50.000 doanh nghiệp mỗi năm chỉ nhằm cải thiện sức cạnh tranh và nâng cao quy mô kinh tế cho thành phố Hồ Chí Minh.

Việc chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp còn tùy thuộc vào nhu cầu của bản thân hộ kinh doanh đó, không nên áp đặt bởi việc chuyển đổi này không tạo ra một nguồn lực kinh tế nào khác, mà chỉ thay đổi hình thức kinh doanh. 

Ngoài ra, theo ông Huỳnh Thanh Điền, việc chuyển đổi phải tuân thủ quy luật về “sự trưởng thành của hộ”, khi trưởng thành đến mức nào đó họ sẽ thành lập lập doanh nghiệp. Làm được như vậy thì sẽ không có sự đối phó với chính sách của hộ. 

Vấn đề đáng suy ngẫm là đặt ra con số mục tiêu 500.000 doanh nghiệp vào 2020, sau đó phân về các quận/huyện tạo ra áp lực theo đuổi số lượng bằng các biện pháp “mệnh lệnh” sẽ không hay. Thay vào đó là hãy lựa chọn hộ có ý định và có tiềm năng phát triển để chuyển đổi tích cực hỗ trợ họ kinh doanh thành công sau khi chuyển đổi như những gương điển hình. Tấm gương thành công đó là động lực giúp các hộ khác chuyển đổi. 

Lắng nghe để tiếp sức cho doanh nghiệp 

Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, mỗi người có thể thành lập ra một doanh nghiệp thì số lượng sẽ tăng rất nhanh, nhưng vấn đề là chất lượng hoạt động của doanh nghiệp đó như thế nào? Do đó, không nên chạy theo số lượng kiểu quy hoạch mà vấn đề là phải tạo ra môi trường để doanh nghiệp tự lớn mạnh, giống như miếng đất tốt để cây tự phát triển. 

Các chuyên gia cũng cho rằng, để nhiều hộ kinh doanh tự nguyện chuyển đổi và hoạt động tốt thì thành phố cần cải thiện môi trường kinh doanh, nhất là cải cách hành chính liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp sao cho đơn giản nhất, giảm thiểu chi phí tuân thủ pháp luật sau khi chuyển đổi: từ thủ tục đăng ký thành lập, kê khai, nộp thuế, đến các thủ tục xin cấp phép… 

Đồng thời, phải thắt chặt kỷ cương tuân thủ pháp luật, kiên quyết xử lý các trường hợp gian lận thương mại, trốn thuế, không tuân thủ các quy định về môi trường... nhằm đảm bảo sự bình đẳng trong kinh doanh, để doanh nghiệp sau khi chuyển đổi sẽ cạnh tranh công bằng, thậm chí còn có ưu thế hơn so với hộ kinh doanh thì mới góp phần giảm thiểu các rủi ro liên quan đến cạnh tranh. 

Việc thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ pháp lý, phổ cập kiến thức quản trị cho chủ hộ kinh doanh và nghiên cứu nhận định thị trường. Chẳng hạn như thành lập các tổ chức có chức năng tư vấn miễn phí về thủ tục thành lập, đăng ký kinh doanh, các hoạt động liên quan đến phát sinh chi phí tuân thủ pháp luật… 

Theo Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, trên thực tế không phải hoạt động làm ăn nào cũng phù hợp với doanh nghiệp. Hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp được diễn ra theo “quy luật trưởng thành của hộ”. Trong quá trình làm ăn hộ từng bước tích lũy tiền bạc, nhận diện được các cơ hội lớn hơn. Từ đó thôi thúc họ đầu tư thêm để tăng năng lực sản xuất, phát triển sản phẩm mới, mở rộng hệ thống phân phối... 

Lúc đó, buộc họ phải cần đến tư cách pháp nhân để ký kết hợp đồng, vay vốn, hưởng chính sách ưu đãi, đưa hàng vào các hệ thống phân phối, thuê mướn thêm nhân viên, tự khắc họ sẽ chuyển đổi lên doanh nghiệp. Do vậy, chủ trương này nên xem như là giải pháp góp phần tiếp sức cho hộ kinh mạnh dạn làm ăn lớn hơn. 

Doanh nghiệp chỉ sống tốt trong môi trường hội đủ các yếu tố như khách hàng, nhà cung cấp, cạnh tranh công bằng; có đủ các dịch vụ hỗ trợ liên quan đến vận tải, kho bãi, mặt bằng sản xuất, tài chính, viễn thông,… 

Chính quyền thành phố cần có giải pháp cụ thể để phát triển đồng bộ các thành phần đó thì tức khắc doanh nghiệp sẽ có môi trường để phát triển tốt. Nhà nước cũng cần tạo động lực về cầu, nghĩa là tạo ra nhu cầu để hộ có thể nhận diện cơ hội phát triển lớn hơn cho doanh nghiệp tư nhân. 

Bên cạnh đó, cần định hướng vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp lớn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp mới chuyển đổi từ hộ kinh doanh. Việc dẫn dắt diễn ra theo quy luật tự nhiên chứa không mang tính hành chính, doanh nghiệp lớn cần doanh nhỏ và vừa phụ trợ nên liên kết trong hướng dẫn công nghệ, huấn luyện tay nghề, ứng vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa…/. 
>>>Chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp - Bài 1: Chưa đạt kỳ vọng

LIÊN KẾT
FANPAGE