Kiều hối - nguồn lực tài chính của kiều bào và xuất khẩu lao động gửi về nước hỗ trợ thân nhân. Để sử dụng dòng vốn này hiệu quả hơn, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích chuyển những khoản ngoại tệ này trong dân sang đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Nguồn vốn hiệu quả
UBND TP. Hồ Chí Minh vừa ban hành Kế hoạch 5782/KH-UBND triển khai thực hiện Đề án Chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn từ nay đến năm 2030.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, trong bốn nhóm vấn đề lớn của bản Đề án, nổi bật là nhóm đề xuất chính sách thu hút người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng phát triển thành phố phù hợp với tình hình, điều kiện khách quan và các điều ước quốc tế Việt Nam tham gia. Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, các đơn vị xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, với sự tham gia thực hiện của NHNN thành phố và các tổ chức tín dụng, công ty kiều hối. Theo đó, ngành Ngân hàng phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, bổ sung cơ chế chính sách và đề xuất, kiến nghị phát triển dịch vụ kiều hối và mạng lưới chi trả; giải pháp duy trì, thu hút và tăng trưởng nguồn kiều hối…
Mục tiêu của Đề án thu hút kiều hối của TP. Hồ Chí Minh là phát huy nguồn lực kiều hối theo hướng tạo lập kênh dẫn vốn cho người nhận kiều hối với mục đích tiết kiệm sang kinh doanh, giúp người sở hữu kiều hối có cơ hội nhận sinh lời cao. Theo đó, thành lập các Quỹ đầu tư, phát hành trái phiếu, hướng hoạt động huy động nguồn kiều hối tham gia vào các kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, đa dạng hóa các kênh chuyển kiều hối… Bản Đề án thu hút kiều hối nhấn mạnh vai trò các kênh chuyển kiều hối đa dạng, thuận lợi cho kiều bào tham gia xây dựng thành phố văn minh hiện đại, có phúc lợi xã hội cao.
Theo Công ty kiều hối Sacombank, lượng kiều hối chuyển qua công ty 5 năm gần đây đạt trên 10 tỷ USD trong tổng số 87 tỷ USD trong giai đoạn 2019-2023, thậm chí giai đoạn xảy ra đại dịch Covid-19 lượng kiều hối công ty tiếp nhận và chi trả vẫn tăng. Năm 2023, kiều hối chuyển qua công ty kiều hối Sacombank chiếm 60% tổng lượng kiều hối chuyển về TP. Hồ Chí Minh qua các tổ chức tín dụng và tổ chức kinh tế. Ông Trần Minh Khoa - Giám đốc Công ty kiều hối Sacombank cho biết, qua kinh nghiệm chi trả kiều hối, công ty nhận thấy phải tạo sự tin cậy cho người Việt Nam ở nước ngoài gửi tiền về nước an toàn và đến tay người thân nhanh chóng với chi phí thấp. Kiều hối là dòng tiền một chiều, người nhận thường sử dụng vào mục đích cá nhân như tiêu dùng, phát triển kinh tế gia đình, đầu tư bất động sản…
Đại diện một số tổ chức tín dụng cho biết, kiều hối chuyển về nước hiện nay không phải chịu thuế thu nhập nên cũng khuyến khích kiều bào chuyển tiền về cho thân nhân mua căn hộ cho thuê, đầu tư nhà đất, góp vốn vào các hoạt động kinh doanh của hộ gia đình... Do đặc thù của dịch vụ chuyển kiều hối là dòng tiền cho tặng nên hoạt động chi trả đến tay người nhận kiều hối thường kết thúc luôn nên không có con số thống kê chính xác nguồn lực kiều hối đầu tư vào lĩnh vực nào.
Theo Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài TP. Hồ Chí Minh, công tác thống kê lượng kiều hối lần đầu tiên thực hiện từ năm 1993, đến nay thành phố đón nhận trên 210 tỷ USD kiều hối. Năm 2023, tổng lượng kiều hối chuyển về TP. Hồ Chí Minh đạt gần 9,5 tỷ USD, tăng 43% so với năm liền kề và gấp ba lần so với giải ngân vốn đầu tư nước ngoài của TP. Hồ Chí Minh. Bà Vũ Thị Huỳnh Mai, Chủ tịch Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài TP. Hồ Chí Minh cho biết, một trong những mục tiêu nắn dòng kiều hối là đưa vào hạ tầng, sản xuất kinh doanh… từ đó có thêm nguồn lực đầu tư và tạo thêm công ăn việc làm cho xã hội. Khi Đề án được triển khai, có ít nhất 5 dự án phát triển kinh tế - xã hội có sự đóng góp từ nguồn lực kiều hối.
Thêm cơ hội sinh lời cho người nhận kiều hối
TS. Huỳnh Thanh Điền, giảng viên trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho rằng, cần phải có chính sách tạo ra lợi ích, cơ hội sinh lời cho kiều bào gửi tiền về tham gia đầu tư vào các công trình phát triển kinh tế xã hội. Việt Nam là một trong những quốc gia có tăng trưởng kinh tế cao, mức sinh lời cao trong đầu tư. Đặc biệt là trong bối cảnh thế giới gần đây có nhiều biến động, khả năng sắp tới kiều hối sẽ chuyển về nước nhiều hơn.
Hiện có hai kênh đầu tư, thứ nhất là đầu tư gián tiếp - phát hành trái phiếu, cổ phiếu, trong đó Nhà nước làm hạ tầng đô thị có thể huy động vốn tư nhân thông qua phát hành trái phiếu công trình địa phương. Bên cạnh đó chúng ta có thể thành lập những Quỹ đầu tư kiều hối. Thông qua Quỹ này, kiều bào có nguồn lực dù ít, hay nhiều đều có thể mua trái phiếu để tham gia đầu tư xây dựng thành phố. Thứ hai, đầu tư trực tiếp để phát triển hạ tầng kinh doanh: căn cứ trên cơ sở đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư có năng lực và thực tế có nhiều công ty đã và đang thu hút vốn của Việt kiều về đầu tư. Theo đó, Nhà nước nên tạo điều kiện cho các công ty có vốn từ kiều bào cùng tham gia dự án. TS. Điền nhấn mạnh, cơ chế chính sách cho hoạt động đầu tư trực tiếp này cần rõ ràng, minh bạch để các nhà đầu tư bỏ vốn tránh làm mất uy tín từ chính sách ảnh hưởng đến hoạt động huy động vốn.
TS. Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh cho biết, Nghị quyết 98 cho phép thành phố mở rộng huy động các nguồn lực tài chính phát triển kinh tế - xã hội thay vì đề xuất Trung ương điều tiết ngân sách. Về kiều hối, đến nay chúng ta mới chỉ ước lượng được chứ chưa đo đếm được tỷ lệ chuyển vào đâu, tuy nhiên, người dân đưa vào lĩnh vực nào đều tốt cả. Theo TS. Lịch muốn nắn dòng kiều hối chuyển vào các kênh đầu tư phải có định chế tài chính cho người có kiều hối thấy có lợi hơn, an toàn hơn để bỏ vốn vào. Hiện nay thành phố có Công ty đầu tư tài chính Nhà nước TP. Hồ Chí Minh (HFIC) có thể thành lập Quỹ đầu tư thu hút kiều hối, trước mắt trong năm 2025, HFIC có thể thực hiện huy động vốn này cho 1-2 dự án mang tính mở đường. Ngoài ra, thành phố có thể phát hành trái phiếu đô thị do loại trái phiếu này được đảm bảo bằng ngân sách thành phố, loại trái phiếu này an toàn ngang bằng với trái phiếu Chính phủ; và nếu loại trái phiếu này được phép lưu chuyển, giao dịch trên thị trường như trái phiếu Chính phủ thì người dân sẽ lựa chọn nhiều hơn và có thể được xem là một kênh dẫn vốn kiều hối chảy vào các dự án đầu tư của thành phố.