Để doanh nghiệp hoạt động thật sự hiệu quả: Cần gỡ nhiều vấn đề

Date: - View: 1324 - By:
(HNM) - Hướng đến phát triển doanh nghiệp cả về số lượng lẫn chất lượng là mục tiêu của TP Hồ Chí Minh hiện nay. Tuy nhiên, theo nhận xét chung của các chuyên gia, số lượng doanh nghiệp của thành phố nhiều nhưng chất lượng phát triển chưa cao. Để mỗi doanh nghiệp hoạt động thật sự hiệu quả, ngành chức năng cần “gỡ” nhiều vấn đề đang tồn tại.

Những rào cản

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh, tính đến tháng 6-2017 trên địa bàn thành phố có hơn 309.000 doanh nghiệp với tổng số vốn điều lệ 3.546.077 tỷ đồng. Trong số này, có đến 275.901 doanh nghiệp siêu nhỏ, chiếm 89,25%; 13.463 doanh nghiệp nhỏ, chiếm 4,36%; 15.546 doanh nghiệp vừa, chiếm 5,03% và chỉ 4.228 doanh nghiệp lớn, chiếm 1,37%.
 

 

Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần được hỗ trợ nhiều hơn nữa để phát triển.

Tuy số lượng doanh nghiệp nhiều, nhưng theo Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, giảng viên Viện Nghiên cứu khoa học lãnh đạo và quản trị doanh nghiệp (Leadman) thì “chất lượng” phần lớn doanh nghiệp chưa cao. Trong 6 tháng đầu năm 2017, TP Hồ Chí Minh có hơn 18.000 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới, tuy nhiên con số phá sản cũng tương đương. Điều này cho thấy, chất lượng của doanh nghiệp mới thành lập còn nhiều hạn chế. 

Ông Nguyễn Đình Tuệ, Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, số lượng doanh nghiệp đăng ký hoạt động và số lượng doanh nghiệp nộp thuế chênh nhau rất lớn. Theo ông Tuệ, số doanh nghiệp đăng ký nhưng chưa hoạt động chiếm khoảng 41% tổng số doanh nghiệp thành lập mới.

Ông Nguyễn Văn Trình, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh (HIDS) cho rằng, thời gian qua thành phố đã có nhiều chủ trương, chính sách để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, tệ làm khó, “bôi trơn”, chi phí không chính thức gia tăng là gánh nặng với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cạnh tranh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp trên “sân nhà” ở các lĩnh vực như tín dụng, đất đai, các đơn đặt hàng của Nhà nước, cấp phép và các thủ tục hành chính… khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó phát triển.

Còn theo nhận xét chung của các chuyên gia, trong số ba nguồn chính thành lập doanh nghiệp, gồm khởi nghiệp mới, chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp, và các doanh nghiệp hiện tại phát triển thêm doanh nghiệp mới, thì doanh nghiệp khởi sự mới có khả năng thành công rất thấp. Còn hộ kinh doanh cũng ngại chuyển đổi thành doanh nghiệp bởi nhiều nghĩa vụ pháp lý hơn, tăng chi phí gián tiếp. Trong khi đó, môi trường kinh doanh hiện tại vẫn chưa thật sự hấp dẫn.

“Thành lập“ và “nuôi dưỡng“

Theo ông Nguyễn Văn Trình, để phát triển doanh nghiệp, cần có các giải pháp nhằm cải thiện và đi đến xóa bỏ các tồn tại nêu trên. Theo đó, tập trung đồng bộ vào 8 nhóm giải pháp: Cơ chế chính sách; nguồn vốn; cải cách thủ tục hành chính; khoa học - công nghệ; phát triển hạ tầng; nhân lực; liên kết vùng và hội nhập quốc tế. Các nhóm giải pháp này được thực hiện đồng bộ sẽ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giúp doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh có điều kiện đẩy mạnh hoạt động sản xuất - kinh doanh trên địa bàn.

Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền khuyến nghị tập trung vào hai nhóm chính sách, gồm: Khuyến khích thành lập và nuôi dưỡng doanh nghiệp. Các chính sách này thành phố đã có, tuy nhiên để đi vào cuộc sống, cần cải cách theo hướng đơn giản hóa tất cả các thủ tục liên quan từ khâu đăng ký thành lập, kê khai đến nộp thuế… Chính sách nuôi dưỡng doanh nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế thực chất, nâng cao chất lượng sản xuất - kinh doanh cho họ, nên thành phố cần tích cực triển khai các giải pháp, chương trình kích cầu, đầu tư… Song song với chính sách hỗ trợ, cần chú trọng đầu tư hạ tầng để doanh nghiệp có nhiều cơ hội hơn.

Một điều kiện thuận lợi lớn cho doanh nghiệp là Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quốc hội thông qua tháng 6-2017, có hiệu lực từ ngày 1-1-2018. Theo các chuyên gia, luật sẽ là “cú hích” để các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, bởi luật có nhiều quy định hỗ trợ doanh nghiệp như: Tiếp cận tín dụng, vốn sản xuất - kinh doanh, ưu đãi về thuế, hỗ trợ pháp lý, đặc biệt, hỗ trợ rất mạnh đối với doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và tham gia cụm liên kết ngành. 

Tuy nhiên, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chủ yếu đề cập đến khung hỗ trợ, chưa quy định chi tiết điều kiện và mức độ hỗ trợ cụ thể, cũng như một số hỗ trợ chưa rõ đầu mối thực hiện. Do vậy, từ nay đến ngày luật có hiệu lực, thành phố cần có sự chuẩn bị cũng như nhiều giải pháp thực hiện chương trình phát triển doanh nghiệp cụ thể để sớm phát huy hiệu quả, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển cả về lượng và chất.
 
 
Đặng Loan
LIÊN KẾT
FANPAGE