Để doanh nghiệp vượt khó

Date: - View: 408 - By:

Từ sản xuất, xuất khẩu, bất động sản đến hàng không, du lịch, dịch vụ… đều đang chật vật hoạt động, chờ được khơi thông dòng vốn để vượt qua giai đoạn khó khăn bủa vây.

BĐS khó, vật liệu xây dựng cũng đứng hình

Báo cáo với Chính phủ trong cuộc họp vừa diễn ra tại TP.HCM, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết hiện nay thị trường bất động sản (BĐS) đang rất khó khăn và đứng trước khả năng có thể rơi vào suy thoái. Một số tập đoàn, doanh nghiệp (DN) đứng trước rủi ro bị sụt giảm sâu thanh khoản, thậm chí có thể bị mất thanh khoản.

Nhiều đơn vị đã phải thực hiện các biện pháp “đau đớn” để tồn tại như thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh; dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới… Hoạt động thi công đình trệ, các DN cung ứng vật liệu xây dựng lập tức bị tác động mạnh.

Để doanh nghiệp vượt khó - ảnh 1
 

Chị T.L, Giám đốc Công ty A.W chuyên sản xuất, phân phối cửa nhôm lớn tại TP.HCM, buồn bã chia sẻ công ty của chị vừa nhận thông báo từ ngân hàng, sẽ áp dụng mức lãi suất lên tới 12,8%/năm, bắt đầu từ ngày 15.11 tới.

“Lãi suất thế này, không thể làm gì để có lời nổi với bối cảnh hiện nay. Giờ chỉ lo co cụm, tiết giảm tối đa tất cả chi phí để trả nợ thôi”, chị nói và cho biết các công trình quy mô lớn thời gian qua bị ngưng trệ đã gây “hiệu ứng domino” xuống hệ sinh thái nguyên vật liệu cung ứng ngành xây dựng, từ cửa đến xi măng, sắt, thép… Có tới 60% dự án của A.W bị dừng, tiền không về được do các chủ đầu tư không có dòng tiền, cũng không vay được từ ngân hàng để trả cho DN cung ứng vật liệu. Thêm khoảng gần 20% dự án vẫn còn khả năng duy trì công trình nhưng thanh toán chia ra nhiều đợt và phải đợi tiền. Công ty giờ chỉ có thể trông chờ vào phần nhỏ còn lại từ phía nhà dân lẻ. “Giờ làm ngày nào biết ngày ấy chứ cũng không định trước được giai đoạn sắp tới như thế nào”, chị T.L cám cảnh.

Hiện nay, công ty chỉ cố gắng cầm cự để giữ chân người lao động vì phía sau 1.000 công nhân là kèm theo khoảng 4.000 người khác. Nhất là thời điểm gần tết không muốn cho người lao động nghỉ việc.

Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Thắng Jean

Tương tự, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP xây dựng Hòa Bình, nhận định thị trường BĐS gặp khó, nguyên nhân xuất phát từ việc nhiều dự án gặp ách tắc về thủ tục pháp lý nên đã có chủ trương đầu tư, huy động vốn nhưng không triển khai được. Các chủ đầu tư nhiều năm qua vẫn phải trả lãi trên vốn đã huy động mà chủ yếu là sử dụng vốn tự có và dẫn đến tình trạng hết vốn. Bên cạnh đó, có những dự án đang triển khai như căn hộ nghỉ dưỡng, resort… thì đại dịch Covid-19 diễn ra và đến nay thị trường du khách quốc tế vẫn chưa hồi phục. Kết quả, những dự án tiếp tục nằm không khai thác được và cũng khiến các chủ đầu tư bị kẹt vốn.

Để doanh nghiệp vượt khó - ảnh 2

Sắt thép cũng như nhiều ngành nghề vật liệu xây dựng khác đang gặp khó khăn

N.T

Sản xuất, dịch vụ… khó đều

Không chỉ BĐS, các DN sản xuất, xuất khẩu cũng đang phải hoạt động cầm chừng. Xót xa báo tin khoảng 4.000 công nhân tại 3 nhà máy của công ty chỉ làm việc một nửa thời gian theo kiểu ngày làm ngày nghỉ trong suốt quý 3, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Thắng Jean, cho biết điều này tương ứng với công suất nhà máy đã giảm 50%. Sản phẩm chủ lực của công ty là hàng jean và áo thun xuất khẩu vào thị trường EU giảm 80%, hàng vào thị trường Mỹ giảm khoảng 40%. Bản thân ông Việt cũng phải chạy đôn chạy đáo để tìm đơn hàng và sau đó mở bán sang thị trường Úc cùng Canada, nên từ cuối tháng 10, công suất của Việt Thắng Jean đã nhích lên được khoảng 70%.

Ngoài đơn hàng sụt giảm sâu, cái khó của DN này hiện còn là hàng tồn kho lớn vì là đơn hàng xuất khẩu bán trực tiếp. Có những container quần áo bị kẹt ở cảng tại Đức, Mỹ đến 3 tháng mới lấy được hàng khiến bị lỗi mốt do qua mùa. Đồng thời thị trường sụt giảm nhanh so với dự báo khi sản xuất trước đó nên hàng không thể bán được. Dòng tiền thu về chậm song song với hạn mức tín dụng của ngân hàng cũng bị giảm xuống, lãi suất cũng tăng cao hơn trước khiến chi phí đầu vào của công ty liên tục tăng so với đầu năm. Hàng bán không được buộc phải giảm giá xuống dưới giá vốn nhưng vẫn không tiêu thụ được khi người mua hàng ở các nước như châu Âu, Mỹ đã thắt lưng buộc bụng.

Ông Phạm Văn Việt nhấn mạnh: “Hiện nay, công ty chỉ cố gắng cầm cự để giữ chân người lao động vì phía sau 1.000 công nhân là kèm theo khoảng 4.000 người khác. Nhất là thời điểm gần tết không muốn cho người lao động nghỉ việc”.

Ngay cả những ngành chứng kiến tốc độ hồi phục sau đại dịch ấn tượng như hàng không, du lịch nhưng cũng ghi nhận kết quả kinh doanh không mấy khả quan. Du lịch thì theo ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation, các công ty hiện nay hoàn toàn làm thị trường nội địa và sống bằng du lịch trong nước. Nghịch lý là khách đông nhưng nhiều công ty lữ hành không có khách do xu hướng du lịch tự do, di theo nhóm tự túc nhiều hơn. Theo ông Kỳ, mọi người chỉ nghĩ đơn thuần rằng du lịch mở cửa, DN bán được tour thì sẽ lại có dòng tiền, nhưng vấn đề là tour ở đâu mà bán nếu không chuẩn bị trước dịch vụ.

“Đơn cử, các hãng hàng không thông báo tung ra 1 gói 10.000 vé ai lấy phải đặt tiền cọc trước mới được giá ưu đãi. Còn nếu mua vé máy bay theo từng chuyến, từng tour, từng đoàn thì giá đắt gấp đôi, không hiệu quả. Tương tự, khách sạn cũng cần dòng tiền nhanh nên cũng yêu cầu cọc trước. Tiền đặt cọc đó không hề đơn giản với các DN vốn đang kiệt quệ”, vị này chia sẻ.

Khơi thông dòng vốn, tháo nút thắt cho thị trường

Nhìn trên bối cảnh kinh tế chung, TS Huỳnh Thanh Điền, chuyên gia kinh tế, cho rằng lợi thế hiện nay là lạm phát của VN chưa cao. Thị trường nội địa và DN nội địa chưa bị ảnh hưởng nhiều. Vì thế, quan trọng nhất là làm sao kích cầu thị trường nội địa để tạo chuyển động cho nền kinh tế.

Việc điều phối chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước hiện nay, theo TS Huỳnh Thanh Điền, chủ yếu không phải để kiềm chế lạm phát mà tập trung ổn định tỷ giá. Thực tế, lạm phát của VN chưa quá cao nên nếu tiếp tục tăng lãi suất thì nguồn tiền, dòng tiền để sản xuất, kinh doanh trong nước cũng không còn. DN không thể hoạt động, phải sa thải công nhân, dẫn đến cầu trong nước giảm, ảnh hưởng tâm lý, người tiêu dùng cũng thắt chặt chi tiêu. DN khó cả vốn đầu vào và đầu ra sản phẩm thì tình hình kinh tế sẽ rất khó khăn. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần tính toán kiềm chế lãi suất, không để tiếp tục tăng lên quá cao, tìm cách đưa dòng vốn đi vào sản xuất và tiêu dùng trong nước để kích cầu, kích thích sản xuất.

Bên cạnh đó, động thái siết tín dụng đổ vào lướt sóng chứng khoán hay đầu cơ thị trường BĐS là hợp lý nhưng phải phân định rõ: ngành BĐS, ngành xây dựng không chỉ có nhà ở mà còn có các dự án xây dựng hạ tầng sản xuất công nghiệp, trường học, bệnh viện… Nếu cứ động tới BĐS là “thắt” hết tín dụng thì ngành xây dựng sẽ rất khó. Ngưng hoạt động xây dựng là coi như chặn mọi hoạt động đầu tư, sản xuất, bởi xây dựng là ngành vô cùng quan trọng, tác động đến hàng trăm ngành hàng như sản xuất sắt, thép, xi măng, gỗ…

“Một dự án sản xuất phải có nhà xưởng, văn phòng, máy móc thiết bị… Nếu tắc luôn hết thì ngành sản xuất kinh doanh cũng sẽ đứng. Kích thích tiêu dùng đầu tư trong nước thì phải khơi thông nguồn vốn, mở tín dụng cho các ngành then chốt như xây dựng, lái dòng tín dụng vào những ngành đó. Nếu cứ đánh đồng, “thắt” tín dụng quá thì DN chắc chắn sẽ không thể gượng được, tình hình kinh tế 2023 sẽ vô vàn khó khăn”, chuyên gia này cảnh báo.

TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), nhận định: “Chính phủ cần xem xét có cơ chế hỗ trợ để DN vượt qua giai đoạn khó khăn này, nhất là thời điểm cuối năm khi nguồn vốn là quan trọng với mọi đơn vị.

“Cơ chế đó có thể thông qua các ngân hàng để hỗ trợ về thanh khoản cho những DN lớn, các DN vẫn đang làm ăn hiệu quả và tạo ra công ăn việc làm cho hàng ngàn người lao động. Trong khi lạm phát của VN vẫn đang trong tầm kiểm soát thì có thể xem xét nới lỏng chính sách tiền tệ một chút vẫn được”, TS Nguyễn Hữu Huân đề xuất.

Nhiều dự báo tình hình thế giới lẫn trong nước đều sẽ khó khăn hơn. Hiện nay chỉ có tìm cách làm thế nào để giảm thiểu mức độ khó khăn đó cho các DN chứ không thể thúc đẩy tăng trưởng mạnh như thời gian qua. Nhất là khi dòng vốn đã “đắt đỏ” hơn trên cả toàn cầu và VN cũng vậy. Chính phủ phải cân đối chính sách ở điểm cân bằng, vừa đảm bảo ổn định vĩ mô nhưng vẫn hỗ trợ được cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

Quan trọng hơn là hiện nay khi dư địa hỗ trợ từ chính sách tiền tệ ở mức thấp thì phải thúc đẩy triển khai chính sách tài khóa hiệu quả hơn như việc đầu tư công, các chương trình phục hồi kinh tế đã đề ra từ đầu năm. Hơn nữa, cần phải điều chỉnh chính sách linh hoạt, hướng dòng vốn vào các lĩnh vực cần thiết của nền kinh tế.

TS Võ Trí Thành (Chuyên gia kinh tế)

https://thanhnien.vn/de-doanh-nghiep-vuot-kho-post1519742.html

 

LIÊN KẾT
FANPAGE