Định vị ngành công nghiệp hỗ trợ
Thực trạng ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) nước ta vài năm trở lại đây đã được đưa ra mổ xẻ khá nhiều, bởi phát triển ì ạch hơn 20 năm nay và chưa thực sự có bước đột phá để tạo động lực cho các ngành công nghiệp khác. Sự kiện Chính phủ Nhật Bản triển khai các dự án CNHT tại Đà Nẵng thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và TPHCM thông qua Tổ chức thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) khiến các cơ quan quản lý nước ta phải vào cuộc xốc lại ngành CNHT.
Chỉ hỗ trợ những mặt hàng đơn giản
Kết quả khảo sát năm 2013 của Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho thấy số lượng doanh nghiệp (DN) tham gia lĩnh vực CNHT tại Việt Nam khá mỏng. Cụ thể, tỷ lệ DN CNHT trên DN công nghiệp chính chỉ đạt 2,07 lần, trong đó thấp nhất là ngành cơ khí (1,7 lần) và cao nhất là ngành ô tô (5 lần). So với phạm vi CNHT khá rộng, dàn trải với 5 nhóm ngành và 46 nhóm sản phẩm, phục vụ cho khoảng 30 ngành kinh tế - kỹ thuật, số lượng DN như trên chưa đáp ứng yêu cầu.
Chính vì vậy, một số ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam dù kim ngạch xuất khẩu mỗi năm đem về hàng chục tỷ USD, nhưng nguyên liệu, vật tư kỹ thuật cho sản xuất chủ yếu phụ thuộc vào thị trường bên ngoài, đặc biệt là Trung Quốc.
Theo đánh giá của Vụ Kinh tế Công nghiệp, Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT), CNHT Việt Nam phát triển quá chậm, năng lực cạnh tranh hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành công nghiệp. Trong cơ cấu nhập khẩu, nguyên liệu sản xuất chiếm tỷ trọng lớn, đặc biệt là các ngành dệt may, da giày, điện tử, gỗ… phải nhập nguyên phụ liệu 70-80%; tỷ lệ nội địa hóa của các ngành công nghiệp Việt Nam mới ở mức 32,2%.
Hiện Intel đã trở thành một trong những nhà đầu tư chiếm tỷ trọng giá trị xuất khẩu lớn nhất tại Khu công nghệ cao TPHCM. Tuy nhiên, đến năm 2013, tỷ lệ nội địa hóa của tập đoàn mới đạt trên 10% tổng chi tiêu cho các nhà cung cấp nội địa, tương đương 11 triệu USD. Mặc dù tập đoàn muốn tăng cường tỷ lệ nội địa hóa nhiều hơn nữa nhưng khả năng đáp ứng của DN Việt Nam còn khá khiêm tốn. Bà Sherry Boger, |
Trong khi đó, cơ hội cung cấp linh kiện phụ tùng cho các tập đoàn đa quốc gia, tổng công ty lớn có dự án đầu tư tại Việt Nam (Samsung, Intel, Canon, Orion - Hanel) đều nhường lại cho những DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Đơn cử, Việt Nam hiện có khoảng 210 DN sản xuất linh kiện, phụ tùng cung cấp cho 50 DN sản xuất, lắp ráp ô tô.
Nhưng các linh kiện, phụ tùng đó chủ yếu là sản phẩm đơn giản, hàm lượng công nghệ thấp (chi tiết cấu thành khung xe, thùng xe, xăm lốp, bộ tản nhiệt…). Nhiều DN thừa nhận chất lượng các sản phẩm sản xuất trong nước chưa cao, kém ổn định. Với khoảng cách công nghệ quá xa, thiếu chuyên nghiệp, DN Việt Nam khó tiếp cận khách hàng, thậm chí để tiếp cận được, giữa các DN thường cạnh tranh không lành mạnh.
Trong một buổi hội thảo gần đây, ông Trương Thanh Hoài, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương), chia sẻ: “Samsung từng gửi chúng tôi danh mục 100 mặt hàng cần gia công. Tưởng dễ làm nhưng khi làm việc với các DN điện tử, hầu hết đều cho biết không có công nghệ để làm. Do DN Việt Nam không đủ năng lực để sản xuất sản phẩm đáp ứng công nghệ với giá cạnh tranh nên phải nhập khẩu. Chỉ trong năm 2014, dự kiến tổng kim ngạch nhập khẩu linh kiện, phụ kiện ngành điện tử, dệt may, da giày khoảng 53,2 tỷ USD; trong khi tổng giá trị sản xuất công nghiệp của thành phần kinh tế nhà nước chỉ 40 tỷ USD”.
Ông Nguyễn Văn Đạo, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Điện tử Samsung Vina, cho biết: “Không nhà sản xuất nào muốn nhập khẩu linh kiện từ nước ngoài vì vừa mất thời gian, vừa tốn ngoại tệ, bởi thời gian đối với nhà sản xuất là vô giá. Linh kiện càng được cung cấp nhanh chóng bao nhiêu sản phẩm đưa ra thị trường càng sớm bấy nhiêu. Hiệu quả cạnh tranh hơn nhau là ở chỗ này”.
Thiếu chính sách, thiếu tầm nhìn
Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), đến tháng 4-2014 Việt Nam có trên 16.300 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 238 tỷ USD. Hiện đang có 100 nước và vùng lãnh thổ và trên 100 tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới đang có mặt tại Việt Nam. Những làn sóng đầu tư mạnh mẽ nhất đến nay có thể kể đến là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore.
Tuy nhiên, khảo sát của JETRO đối với các DN Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam đã chỉ ra một thách thức không hề nhỏ khi chi phí nguyên vật liệu cho các DN làm đầu vào giai đoạn sản xuất chiếm tỷ lệ 62,4%. Trong khi đó khả năng cung cấp nguyên liệu tại chỗ cho DN Nhật Bản của DN Việt Nam chỉ đạt 27,9%, tỷ lệ này ở Indonesia 43%, Thái Lan 53% và Trung Quốc 61%...
Nhà nước cần xây dựng các cơ chế chính sách ưu đãi đặc biệt đối với DN phát triển CNHT như thuế, tiền thuê đất, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực. Nguồn vốn ngân sách của Trung ương và địa phương cần đầu tư xây dựng khu công nghiệp hoặc phân khu công nghiệp chuyên ngành mũi nhọn là cơ khí, điện - điện tử, dệt may, giày dép… Các khu này có cơ sở hạ tầng tốt, có hệ thống xử lý ô nhiễm tập trung, hoàn chỉnh theo chuyên ngành. Khi cơ sở hạ tầng của khu công nghiệptốt sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư phát triển CNHT. GS.TS Nguyễn Đông Phong, |
Theo TS. Huỳnh Thanh Điền, Tổng công ty 28 (Bộ Quốc phòng), nguyên nhân là có nhiều rào cản khiến CNHT Việt Nam chậm phát triển. Rào cản đầu tiên là DN FDI đến Việt Nam chủ yếu sản xuất các khâu trung gian rồi bán cho DN lắp ráp hoàn thiện ở những quốc gia khác. Điều này do chúng ta không tuyển chọn ban đầu các DN FDI có giá trị gia tăng cao nên chưa tạo động lực về cầu cho công nghiệp phụ trợ trong nước.
Kế đến các DN FDI vào Việt Nam cũng ưu tiên sử dụng nguồn nguyên liệu, phụ liệu, thiết bị… cung cấp bởi các đối tác chiến lược từ nước ngoài. Hơn nữa, chính sách phát triển CNHT mới dừng lại ở mức chỉ ra các ngành cần khuyến khích, nội dung được Chính phủ ưu đãi, mà chưa có quy hoạch cụ thể cho phát triển lĩnh vực này.
Ông Bùi Thư Cao, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM, chỉ ra 4 nguyên nhân cốt lõi gây ra hạn chế sự phát triển của ngành CNHT: (1) Công nghiệp luyện kim còn yếu (lĩnh vực gốc rễ của các ngành công nghiệp nặng). (2) Công nghiệp chế tạo ra máy công cụ yếu. (3) Trình độ khoa học kỹ thuật còn hạn chế. (4) Cơ chế chính sách của Nhà nước còn hạn chế trong việc khuyến khích, đầu tư cho nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghiệp mới; quy hoạch định hướng phát triển ngành nghề cho từng địa phương; hỗ trợ chính sách thuế thu nhập; các chính sách ưu đãi không bình đẳng giữa DN nhà nước và tư nhân; việc thực thi và giám sát thực hiện chính sách không hiệu quả; hỗ trợ phân phối điều tiết mang tầm quốc gia và quốc tế.
Cần cơ chế đặc biệt
Một trong những giải pháp cấp bách hiện nay, theo các chuyên gia, cần hoàn thiện quy hoạch phát triển CNHT, xây dựng chiến lược phát triển CNHT ở cấp quốc gia. Bởi nhiều nội dung trong các văn bản hiện hành đã lạc hậu, không phù hợp với chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được Chính phủ thông qua tháng 6-2014, cũng như chiến lược phát triển các ngành hàng công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ thông qua 2013-2014.
TS. Lã Hoàng Trung, Viện Chiến lược Thông tin - Truyền thông (Bộ Thông tin - Truyền thông), chia sẻ đầu tư trực tiếp từ nước ngoài là nguồn lực quan trọng nhất hiện nay để phát triển CNHT điện tử. Trong số các nước ASEAN, Thái Lan và Việt Nam được Nhật Bản xem là ứng cử viên hàng đầu cho cách thức sản sản xuất tích hợp. Bên cạnh đó, DN tư nhân đóng vai trò quan trọng hàng đầu đối với sự phát triển các ngành CNHT, nên cần phải được sự ủng hộ một cách mạnh mẽ.
Các DNNVV có những khó khăn và hạn chế nhất định như quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, khả năng quản trị yếu, khó tiếp cận vốn và mặt bằng, tính liên kết với các DN lớn kém bền chặt. Vì vậy, theo TS. Lã Hoàng Trung, để các DNNVV phát triển và tham gia ngành CNHT nên có chính sách đầu tư phát triển theo 3 hướng tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ tài chính, tháo gỡ khó khăn về mặt bằng sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Nhiều nhà đầu tư rời bỏ Việt Nam vì không thể tìm mua các linh kiện đơn giản như ốc vít, |
Theo Th.S Mạc Thị Thanh Hiền, Vụ Kinh tế Tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương), nguồn nhân lực phục vụ cho CNHT hiện chưa đáp ứng được cả về số lượng lẫn chất lượng. Nhân lực giá rẻ không còn là lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút FDI của Việt Nam, khi các thỏa thuận về miễn giảm thuế nhập khẩu chính thức được thực hiện.
Vì thế, điều cốt yếu hiện nay phải đào tạo được nguồn nhân lực có khả năng quản lý, khả năng ứng dụng và có tính sáng tạo để sản xuất ra được những sản phẩm có tính cạnh tranh cao.
Bà Lê Bích Loan, Phó Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP), phân tích: “Các DN công nghệ cao tại SHTP đã ý thức được tầm quan trọng của việc nội địa hóa nguồn cung ứng nên đã ưu tiên nhiều hơn để tìm kiếm các đối tác trong nước. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu nội địa hóa hiện chủ yếu là đáp ứng cho các sản phẩm đơn giản như bao bì, khay nhựa… còn các linh kiện điện tử có giá trị gia tăng cao đòi hỏi trình độ công nghệ cao như linh kiện bán dẫn, linh kiện cơ khí điện tử, DN Việt Nam chưa sản xuất được. Nếu có chỉ dừng lại ở mức độ nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm nhỏ lẻ.
Trước thực trạng trên, ngoài những ưu đãi hiện có dành cho DN CNHT, TPHCM đã yêu cầu các sở, ban, ngành, trong đó có SHTP nghiên cứu và đề xuất các gói ưu đãi tốt hơn về thuế, hạ tầng, đào tạo nhân lực để khuyến khích DN trong nước tham gia CNHT”.