Doanh nghiệp và cơ hội phát triển từ 4.0

Date: - View: 1032 - By:

Doanh nghiệp và cơ hội phát triển từ 4.0

SGGP 
 
Thống kê từ đầu năm 2017 đến nay, tại Việt Nam có hơn 50,5 triệu lượt người sử dụng internet, chiếm 54% dân số, cao hơn mức trung bình 46,64% sử dụng internet của thế giới.

TPHCM ứng dụng công nghệ truy suất nguồn gốc hàng hóa

TPHCM ứng dụng công nghệ truy suất nguồn gốc hàng hóa

Việt Nam hiện đang nằm trong tốp những quốc gia và vùng lãnh thổ có số lượng người dùng internet cao nhất tại châu Á. Điều này mang đến nhiều cơ hội đồng thời đặt ra không ít thách thức cho doanh nghiệp.

Nghị quyết Trung ương 5 đã xác định doanh nghiệp tư nhân là động lực quan trọng trong phát triển nền kinh tế và thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam hội nhập quốc tế. Hiện lực lượng doanh nghiệp tư nhân chiếm khoảng 90% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam, nhưng phần lớn có quy mô nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ. Với nội lực yếu và thiếu nguồn lực tài chính, doanh nghiệp tư nhân còn đối mặt với những tác động mạnh mẽ từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà tâm điểm là sự phát triển internet của vạn vật, trí tuệ nhân tạo, công nghệ in 3D, tự động hóa, năng lượng tái tạo… đang nâng cao chất lượng và giá trị cuộc sống của con người lên cao hơn. Làn sóng công nghệ mới này đang diễn ra với tốc độ khác nhau tại các quốc gia trên thế giới, tạo ra tác động mạnh mẽ tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, dẫn đến việc thay đổi phương thức và lực lượng sản xuất của xã hội.

Theo khảo sát, số tiền chi cho đầu tư nghiên cứu khoa học tại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 0,8% GDP là rất thấp so với các nước khác. Tuy nhiên, Việt Nam cũng có những lĩnh vực tiếp cận sớm các công nghệ mới và đạt kết quả tốt như thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến, viễn thông, ngân hàng... Các hệ thống tự động hóa của nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI với các sản phẩm công nghệ cao đã góp phần nâng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2017 của Việt Nam tăng 12 bậc.

Ông Lâm Ngọc Minh, Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ TPHCM (YBA), cho rằng đây là thời điểm có rất nhiều thay đổi, kèm theo nhiều cơ hội phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp và cải thiện quy mô của các đơn vị sản xuất kinh doanh. Chính phủ đang rất ủng hộ các hoạt động khởi nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác tại Việt Nam thông qua các chương trình hỗ trợ thiết thực và chính sách cụ thể. Bên cạnh đó, sự thay đổi nhanh chóng của lĩnh vực công nghệ và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn trên thị trường thương mại tự do, mang lại cơ hội cho những doanh nghiệp tận dụng được lợi thế và nắm bắt xu hướng mới. 

Tuy nhiên, các doanh nghiệp đầu ngành cũng đưa ra khuyến cáo cho những doanh nghiệp nhỏ và vừa là nên tiến hành quá trình đổi mới và hòa nhập xu hướng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 từng bước, cũng như đảm bảo sự phù hợp với tiềm lực của mỗi doanh nghiệp. Trong giai đoạn đầu, doanh nghiệp cần chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin để đơn giản hóa thủ tục, tinh giản quy trình hoạt động. Tiếp theo mới thực hiện thử nghiệm những công nghệ như dữ liệu lớn, điện toán đám mây, thương mại điện tử... Từ đó, các đơn vị sản xuất kinh doanh có thể cân đối các nguồn lực trong đổi mới công nghệ cũ, cũng như nắm bắt một cách hiệu quả và thích nghi với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Liên quan đến vấn đề ứng dụng công nghệ trong khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, bà Trương Lý Hoàng Phi, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC), cho rằng sự phát triển của công nghệ đã và đang thay đổi tư duy, cách tiếp cận của các nhà quản lý doanh nghiệp. Do đó, việc tận dụng tốt nền tảng của công nghệ và có sự thay đổi trong mô hình kinh doanh là chìa khóa tạo nên những chuyển biến ngoạn mục trong kinh doanh. 

Hiện nay, tại TPHCM đã có 5 không gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, 24 cơ sở vườn ươm tạo doanh nghiệp, 4 ban điều hành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho các lĩnh vực trọng yếu... Trong đó, TPHCM đang khẩn trương triển khai phát triển các cơ sở ươm tạo phù hợp với định hướng kinh doanh và cơ chế thị trường, nâng cao vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp lớn để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. 

Để thực hiện được các mục tiêu trên, ông Nguyễn Anh Ngọc, chuyên gia kinh tế, nhấn mạnh, cần gắn kết hiệu quả các vườn ươm tại TPHCM với đơn vị tài trợ vốn, ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là hòa nhập nhanh với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tăng khả năng thương mại hóa sản phẩm ngay trên thị trường trong nước, thông qua các hoạt động tổ chức giới thiệu sản phẩm mới, hội chợ chuyên ngành...

Còn Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, TPHCM, cho hay phải tăng cường các giải pháp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia sản xuất kinh doanh; cung ứng sản phẩm thông qua việc khảo sát, nghiên cứu nhu cầu thực tế của thị trường. Bên cạnh đó, cần trao cơ hội cho doanh nghiệp tham gia các chương trình đầu tư công, dự án đầu tư viện trợ và hỗ trợ nước ngoài.

TRUNG HẬU/ Báo Sài Gòn Giải phóng

http://www.sggp.org.vn/doanh-nghiep-va-co-hoi-phat-trien-tu-40-490969.html

LIÊN KẾT
FANPAGE