Giải phóng gánh nặng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

Date: - View: 1134 - By:

Trên thực tế doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với rất nhiều vấn đề “khó nói” như chi phí không chính thức, sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong việc tiếp cận đất đai, tiếp cận tín dụng,…

Giai phong 'ganh nang' cho doanh nghiep vua va nho - Anh 1

 

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng các chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp chưa đi sâu vào việc tạo nguồn lực. Ảnh minh họa: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã được ban hành nhằm hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay vẫn chưa tiếp cận và tận dụng được các chính sách ưu tiên này để phát triển.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại “Hội thảo Thực trạng và giải pháp phát triển doanh nghiệp trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh” do Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND Tp. Hồ Chí Minh phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh và Hiệp hội Doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 6/9.

Thực thi chính sách chưa hiệu quả 

Tp. Hồ Chí Minh hiện có khoảng 310.000 doanh nghiệp; trong đó, có gần 99% doanh nghiệp có quy mô vừa trở xuống (doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ), chỉ có hơn 1% doanh nghiệp có quy mô lớn. Điều này cho thấy, muốn thực hiện mục tiêu phát triển doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững cần tạo điều kiện để doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ có cơ hội lớn lên.

Thực tế, thời gian qua, Chính phủ đã liên tục ban hành, cập nhật nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để doanh nghiệp phát triển sản xuất, mở rộng quy mô và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Điển hình như Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Nghị quyết 19-2017/NQ-CP ngày 6/2/2017 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020…

Thêm vào đó, Tp. Hồ Chí Minh cũng tích cực triển khai nhiều chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp như kích cầu đầu tư, hỗ trợ đổi mới công nghệ, cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)… nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2020 Tp. Hồ Chí Minh có 500.000 doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.

Nhiều chuyên gia nhận định, Việt Nam nói chung, Tp. Hồ Chí Minh nói riêng không thiếu các cơ chế chính sách để phát triển doanh nghiệp. Tuy nhiên hiệu quả thực thi các chính sách trên chưa đáp ứng được nhu cầu và kỳ vọng của doanh nghiệp.

Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, Giảng viên Viện Nghiên cứu khoa học và lãnh đạo doanh nghiệp (Leadman) cho biết, phát triển doanh nghiệp cần dựa trên 3 nguồn là hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp phát triển từ các doanh nghiệp hiện có.

Thực tế tại Tp. Hồ Chí Minh cho thấy, tốc độ chuyển đổi lên doanh nghiệp của hộ kinh doanh rất chậm, doanh nghiệp khởi nghiệp thành công khá ít và không nhiều doanh nghiệp đang hoạt động có ý định mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.

Theo Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, Tp. Hồ Chí Minh là địa phương tiên phong trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển doanh nghiệp của cả nước, đặc biệt còn triển khai nhiều chương trình khuyến khích phát triển doanh nghiệp riêng.

Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được các chính sách này còn rất ít, dẫn đến hiệu quả phát triển doanh nghiệp chưa đạt được như kỳ vọng.

Chia sẻ kinh nghiệm phát triển doanh nghiệp tại địa phương, bà Huỳnh Thị Thanh Hiền, Phó Chủ tịch UBND Quận 2, Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, tất cả cơ chế chính sách phát triển doanh nghiệp hiện nay đều quy về “cải cách thủ tục hành chính”, về lý thuyết các hộ kinh doanh, doanh nghiệp khởi nghiệp hầu như không gặp nhiều khó khăn trong việc làm các thủ tục kê khai thuế, xin giấy phép kinh doanh…Nhưng trên thực tế, doanh nghiệp vẫn chưa được hưởng các ưu đãi đúng như chủ trương, chính sách nêu ra.

Cụ thể, theo quy định tại Thông tư số 215/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 10/11/2016 thì người dân, doanh nghiệp sẽ được miễn hoàn toàn phí, lệ phí đăng ký doanh nghiệp trong các trường hợp doanh nghiệp bổ sung, thay đổi thông tin do thay đổi địa giới hành chính, doanh nghiệp thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử.

Tuy nhiên, khi các hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp đăng ký hồ sơ doanh nghiệp qua mạng thường phải chỉnh sửa thông tin nhiều lần, tốn kém về thời gian. Để nhanh chóng, nhiều doanh nghiệp chọn nộp hồ sơ trực tiếp thì lại phải đóng lệ phí là 200.000 đồng/hồ sơ.

Chưa kể, chủ trương chung của ngành thuế là khuyến khích doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử nhưng muốn sử dụng hóa đơn điện tử doanh nghiệp phải tốn hơn 3 triệu đồng để được đăng ký chữ ký điện tử. Những chi phí trên không quá lớn nhưng khiến nhiều hộ kinh doanh ngại chuyển đổi lên doanh nghiệp.

Thêm vào đó, nhiều chuyên gia cũng cho rằng các chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp chưa đi sâu vào việc tạo nguồn lực cho doanh nghiệp phát triển.

Thực tế, số lượng doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh tăng đều trong những năm gần đây nhưng số doanh nghiệp phát triển lớn mạnh chiếm tỷ lệ rất thấp. Phần lớn doanh nghiệp vẫn ở quy mô nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, sử dụng thiết bị lạc hậu, sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng thấp và thường xuyên phải đối mặt với việc thiếu vốn, thiếu nhân lực.

Giải phóng "gánh nặng" cho doanh nghiệp 

Để đảm bảo sự phát triển bền vững cho cộng đồng doanh nghiệp, bên cạnh việc thực thi hiệu quả các chính sách hỗ trợ thành lập doanh nghiệp, việc nâng cao chất lượng hoạt động cho các doanh nghiệp mới và cả doanh nghiệp hiện hữu là rất quan trọng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Trình, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, chủ trương, chính sách chung của cả nước và Tp. Hồ Chí Minh nói riêng là tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp phát triển.

Tuy nhiên, trên thực tế doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với rất nhiều vấn đề “khó nói” như chi phí không chính thức, sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong việc tiếp cận đất đai, tiếp cận tín dụng, điều kiện gia nhập thị trường… Đây là gánh nặng thật sự cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Trình, để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị trong việc xóa bỏ các gánh nặng cho doanh nghiệp.

Cụ thể, phải đồng bộ hóa cơ chế chính sách và giải quyết các bất cập trong cơ sở pháp lý, thống nhất việc hướng dẫn thực hiện của các cơ quan nhằm đảm bảo tính thống nhất và hiệu quả của các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp.

Ngoài ra, phát triển thị trường các ngành hàng chính là động lực để phát triển doanh nghiệp. Trong đó, các cơ quan chức năng cần bám sát, cập nhật và đưa ra các thông tin đáng tin cậy về thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, góp phần giúp doanh nghiệp có định hướng sản xuất phù hợp.

Bên cạnh đó, phải điều chỉnh chính sách và tạo điều kiện để doanh nghiệp nhỏ tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi. Trên thực tế, hầu hết doanh nghiệp vừa và nhỏ thường xuyên cần vốn trung hạn và dài hạn để đầu tư vào thiết bị, công nghệ sản xuất nhưng rất khó tiếp cận các quỹ hỗ trợ hoặc chỉ được đáp ứng nguồn vốn ngắn hạn.

Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, muốn phát triển doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng cần sự thống nhất cơ chế, chính sách. Điển hình, để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp thì không thể duy trì cơ chế thuế khoán có lợi cho hộ kinh doanh vì không ai muốn lên doanh nghiệp để phải đóng thêm tiền thuế trong khi doanh thu không tăng.

Ngoài ra, cần tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp mới trong việc định hướng chiến lược, tầm nhìn dài hạn; khuyến khích doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao, hướng đến việc mở rộng thị trường xuất khẩu.

Mặt khác, theo ông Trần Việt Anh, bên cạnh việc gia tăng số lượng doanh nghiệp mới, cần có chính sách chăm sóc, nuôi dưỡng các doanh nghiệp hiện hữu vì đây là những hạt nhân đã có nền tảng và kinh nghiệm trong việc quản trị doanh nghiệp cũng như tiếp cận thị trường.

Về phía doanh nghiệp, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp nhỏ và vừa không nên chỉ trông chờ vào các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Thay vào đó, cần tận dụng tốt những ưu thế sẵn có của Việt Nam như giá năng lượng rẻ, lao động trẻ, chi phí nhân công thấp để phát triển sản xuất hàng xuất khẩu.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần thay đổi tư duy nhận diện đối tác, tăng cường liên kết để tập hợp và sử dụng hiệu quả các nguồn lực về vốn, nhân lực và công nghệ vào sự phát triển chung./.

Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

LIÊN KẾT
FANPAGE