Nâng cao chất lượng dạy nghề

Date: - View: 1140 - By:

 

Những năm qua, đào tạo nghề vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Nói chính xác hơn, những lao động sau khi học nghề xong chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Nguyên nhân của tình trạng trên, ngoài việc thiếu kết nối giữa đơn vị đào tạo và các doanh nghiệp sử dụng thì công tác đào tạo cũng còn nhiều bất cập.

Dạy nghề hiện nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.

Dạy nghề còn chung chung

Ông Lê Minh Tấn- Giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội TP HCM cho biết, hiện ở thành phố có 435 cơ sở dạy nghề. Trong đó gồm 19 trường cao đẳng, 27 trường trung cấp nghề, 65 trung tâm dạy nghề và 324 cơ sở dạy nghề.

Trong thời gian 5 năm qua, thành phố đã đào tạo được khoảng 1,8 triệu sinh viên nghề để cung cấp cho thị trường lao động thành phố, đóng góp rất lớn vào những phát triển chung của tình hình kinh tế, xã hội.

Đồng thời, việc đào tạo nghề cũng giúp giải quyết việc hàng cho hàng triệu người. Ngoài ra, các đơn vị này còn liên kết đào tạo nghề cho các lao động ở nông thôn, lao động là người khuyết tật nhằm giảm các gánh nặng cho xã hội. Tuy nhiên, có một thực tế là, tỷ lệ người ra trường thất nghiệp vẫn còn rất cao, thậm chí là một vấn nạn hiện nay. 

Theo TS Huỳnh Thanh Điền- giảng viên Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn thì thực tế, việc dạy nghề còn mang nặng tính hình thức, chung chung. Nghĩa là, nguồn nhân lực mà các đơn vị dạy nghề cung cấp cho các doanh nghiệp chưa đạt được như mong muốn. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài có vốn FDI không thể sử lao động nội địa khiến một lượng lớn việc làm bị thất thoát.

Nôm na, việc làm thì dư thừa nhưng lao động đáp ứng việc làm đó lại thiếu hụt. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp nhỏ cũng than thở không thể sử dụng lao động nghề mới ra trường. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng, các giáo trình dạy nghề thường cũ kỹ, lạc hậu và không theo kịp sự đổi mới của các doanh nghiệp. Đặc biệt, đội ngũ giáo viên dạy nghề chỉ đơn giản là “thợ giảng” chứ hoàn toàn không có tay nghề dẫn đến sinh viên không có thực tế làm việc khi ra trường.

Để khắc phục các yếu tố trên, ông Điền đề nghị các trường, cơ sở dạy nghề nên mạnh dạn kết nối với các doanh nghiệp, tìm hiểu nhu cầu của doanh nghiệp trước khi đào tạo. Thậm chí, nhu cầu định hướng tương lai để phục vụ cũng cần được nghiên cứu, xem xét.

Việc này không chỉ khiến các nhà tuyển dụng cảm thấy an tâm mà quan trọng hơn, khi ra trường, tỷ lệ người lao động tìm được việc làm, đáp ứng nhu cầu của xã hội sẽ tăng lên.

“Lấy ví dụ là một doanh nghiệp như Samsung sẽ có yêu cầu sử dụng lao động khác với một doanh nghiệp như L.G, vì vậy mà các đơn vị dạy nghề cần chủ động liên hệ với doanh nghiệp nhằm đào tạo được một nguồn nhân lực phù hợp nhất với yêu cầu của từng doanh nghiệp”, ông Điền nhấn mạnh.

Tương tự, PGS TS Đỗ Văn Hùng (Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM) cũng cho rằng, khúc mắc của giáo dục dạy nghề hiện nay là chưa theo kịp nhu cầu của xã hội. “Bản chất của dạy nghề là phục vụ nhu cầu của xã hội, cụ thể là các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, hầu hết các trường dạy nghề chưa đáp ứng được. Từ cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học, các máy móc thiết bị chuyên ngành, nhất là các ngành công nghệ cao, đòi hỏi tay nghề cao. Tình trạng sinh viên nghề sau khi ra trường mới “lần đầu tiên” nhìn thấy các máy móc, thiết bị trong nghề nghiệp của mình là không hiếm.

Liên kết để dạy nghề

 Xác định rằng, dạy nghề không chỉ đơn thuần là công việc của các trường nghề, cơ sở dạy nghề mà là của toàn xã hội, bà Nguyễn Thị Thu- Phó Chủ tịch TP.HCM cho biết, để đáp ứng được nguồn nhân lực cho thành phố từ nay tới năm 2020 và tầm nhìn 2025, các đơn vị dạy nghề cần liên kết với nhau, liên kết với các doanh nghiệp để đáp ứng chính xác nhu cầu.

Đặc biệt, bà Thu lưu ý một số điểm gồm, quy hoạch lại mạng lưới dạy nghề để thúc đẩy các cơ sở tốt, đồng thời xóa bỏ những cơ sở thiếu hiệu quả. Ngoài ra, việc xác định mục tiêu nguồn nhân lực, như nguồn nhân lực cao của công nghệ thông tin, khoa học phụ trợ thời kỳ hội nhập nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội cũng là một khía cạnh giúp dạy nghề phát triển.

Bà hi vọng, các đơn vị dạy nghề sẽ đóng vai trò quan trọng, then chốt trong những quyết sách, đổi mới và nâng cao chất lượng lao động của thành phố trong tương lai.

Còn ông Nguyễn Hồng Minh- Cục trưởng Cục Dạy nghề cho rằng, vai trò của dạy nghề đang ngày một quan trọng, nhất là ở các thành phố lớn như TP HCM. Sắp tới, khi mà lao động giữa các nước trong khối ASEAN được sử dụng chung một quy chuẩn thì người lao động sẽ có nhiều cơ hội, lẫn các thách thức.

Vì vậy, việc chuẩn bị tốt những ngay từ khâu dạy nghề nhằm đạo tạo nguồn nhân lực là vô cùng quan trọng. Ngoài ra, ông Minh cũng khẳng định, việc dạy nghề hiện vẫn còn nhiều khó khăn, chồng chéo và rườm rà trong không ít thủ tục, nhất là mở các nghành nghề mới. Đặc biệt, việc dạy nghề phải gắn liền với sự phát triển của xã hội, đảm bảo người lao động sẽ có việc làm để nâng cao uy tín của các đơn vị dạy nghề.   

 Đoàn Xá

LIÊN KẾT
FANPAGE