Nhiều thách thức với giáo dục nghề nghiệp

Date: - View: 1208 - By:

Tỷ lệ lao động qua đào tạo chưa đạt mục tiêu đề ra, một số ngành nghề chỉ đáp ứng 30% nhu cầu tuyển dụng, chương trình đào tạo thiếu thực tiễn… là những vấn đề mà đào tạo nghề đang gặp phải.

Thiếu thực tiễn

Theo ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ – TB – XH TP. HCM, trong những năm gần đây, nhận thức của xã hội về công tác đào tạo nghề từng bước có những chuyển biến rõ rệt. Chất lượng và hiệu quả đào tạo được cải thiện, mạng lưới cơ sở dạy nghề và ngành nghề đào tạo phát triển đa dạng. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo chưa đạt mục tiêu đề ra. Các ngành: Công nghệ thông tin, Điện – Điện tử, Cơ khí chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu tuyển dụng. Đồng thời, có sự mất cân đối giữa các bậc học và cơ cấu ngành nghề giữa lĩnh vực kỹ thuật với các ngành nghề khác.

Khảo sát của TS Huỳnh Thanh Điền, nhóm tư vấn đề án Phát triển công nghiệp hỗ trợ TP. HCM cho thấy, doanh nghiệp tại TP. HCM chủ yếu cung ứng linh kiện, phụ tùng được sản xuất với công nghệ đơn giản, giá trị gia tăng thấp, chứ chưa tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, cần thiết lập mô hình thúc đẩy quá trình liên kết giữa doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo nghề để đáp ứng được nhu cầu vận hành hệ thống sản xuất công nghiệp hỗ trợ. Hiện tại, trình độ nhân lực của doanh nghiệp trong nước chủ yếu từ sơ cấp, trung cấp trở xuống, trong đó, lao động phổ thông chiếm tỷ lệ cao. “Đây là hệ quả của chương trình đào tạo tại các trường nghề thường được thiết kế chủ quan, chứ không dựa vào nhu cầu của người sử dụng lao động. Khi xây dựng chương trình, các cơ sở dạy nghề thường tham khảo chương trình đào tạo của nhau hoặc của các trường trên thế giới mà quên đi điều kiện, yêu cầu kỹ năng đặc thù của các doanh nghiệp. Vì vậy, kiến thức và kỹ năng của người học sau khi tốt nghiệp không được vận dụng ở thực tiễn doanh nghiệp Việt Nam. Dù có rất nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nhưng thiếu cơ chế phối hợp với doanh nghiệp”, ông Điền nói.

Nhieu thach thuc

Học viên trường trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigon Tourist trong giờ học.

TS Vũ Xuân Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề cho biết, thị trường lao động Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức. Tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp, chỉ 20,62%. Khảo sát của Ngân hàng Thế giới về chất lượng nguồn nhân lực cho thấy, Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm trên thang điểm 10, xếp thứ 11 trong tổng số 12 nước châu Á tham gia xếp hạng. Trong khi đó, Hàn Quốc đạt 6,91 điểm, Ấn Độ 5,76, Malaysia 5,59 và Thái Lan là 4,94 điểm. Chất lượng thấp nên năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 1/15 so với Singapore, 1/5 so với Malaysia và 2/5 so với Thái Lan. Theo chỉ số cạnh tranh nhân tài toàn cầu, được nghiên cứu tại 109 quốc gia, năng lực cạnh tranh của nước ta chỉ xếp thứ 5 ở Đông Nam Á và xếp thứ 82 trên 109 nước tham gia xếp hạng.

TS Vũ Xuân Hùng cho biết thêm, tỷ lệ thất nghiệp quý I năm 2015 là 177.700 sinh viên. Đến quý I năm 2016, tăng lên thành 190.900 sinh viên và quý II năm nay là 191.300 sinh viên. “Thất nghiệp ngày càng nhiều là do cơ cấu nhân lực lao động của Việt Nam đã phát triển theo hướng gia tăng bất cập, tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” ngày càng tăng. Tính đến quý II năm 2015, cơ cấu nhân lực Việt Nam là 1 đại học nhưng chỉ có 0,35 cao đẳng, 0,65 trung cấp và 0,4 sơ cấp. Điều này đi ngược với quy luật của thị trường lao động, là những người lao động trực tiếp (trình độ trung cấp, sơ cấp) phải nhiều hơn rất nhiều lần so với lao động gián tiếp (đại học). Do đó, người trẻ tốt nghiệp THPT thì phải tham gia vào thị trường lao động, chỉ một phần nhỏ đi vào đại học theo hướng hàn lâm. Như vậy mới phù hợp với thị trường lao động. Chúng ta cần khắc phục bất cập này. Nhà nước không khắc phục được thì sẽ lãng phí vô cùng”, ông Hùng nói.

CẦN BỘ TIÊU CHUẨN NGHỀ

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. HCM, 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu tại TP. HCM giai đoạn 2016 – 2020 đến 2025 gồm: Cơ khí, Điện tử – Công nghệ thông tin, Chế biến lương thực – thực phẩm, Hóa chất – Nhựa – Cao su. Mỗi năm, 4 nhóm ngành này cần cần khoảng 45.000 lao động. Ngoài ra, 9 nhóm ngành dịch vụ như: Du lịch, Y tế, Kinh doanh, Thương mại, Dịch vụ vận tải, Kho bãi… cũng đang rất phát triển, mỗi năm cần tới gần 100.000 lao động. Vì vậy, giáo dục nghề nghiệp tại TP. HCM nên tập trung đào tạo.

PGS. TS Dương Đức Lân, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cho rằng, đầu tư vào nguồn nhân lực chất lượng cao là điều mà các nước đã làm từ rất lâu và là thước đo phát triển kinh tế. “Muốn có được lao động chất lượng cao, trước tiên, mỗi nghề được đưa vào đào tạo phải có phân tích, đánh giá để đưa ra bộ tiêu chuẩn nghề. Thậm chí, còn phải chính xác đến từng vị trí công việc. Mà việc này phải do doanh nghiệp thực hiện, vì họ là người sử dụng lao động. Doanh nghiệp biết nghề đó, vị trí đó yêu cầu những tiêu chuẩn gì, chứ không phải do các giáo viên ở các trường nghề chủ quan đưa vào”, ông Lân nói và khuyến khích TP. HCM cần nhân rộng mô hình đào tạo kép của Đức. Đây là mô hình đào tạo gắn kết giữa doanh nghiệp và nhà trường, phù hợp với thực trạng giáo dục nghề nghiệp hiện nay. Điểm mạnh của mô hình này là thời gian người học lên lớp rất ít mà chủ yếu thực hành tại doanh nghiệp. Đến khi ra trường, lao động lại làm việc tại vị trí cũ nên không bỡ ngỡ, doanh nghiệp cũng không phải mất chi phí cũng như thời gian đào tạo lại. Còn PGS. TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM kiến nghị, để có nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập cần có cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp phù hợp. Đồng thời, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp và sớm áp dụng Khung trình độ quốc gia, nâng cao chất lượng đào tạo tiếp cận chuẩn ASEAN, thế giới…

Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM nhấn mạnh, nhận thức về dạy nghề và học nghề là yếu tố căn bản để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Vì vậy, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, ban, ngành để tăng cường tuyên truyền sâu rộng, làm thay đổi nhận thức của người dân, không nhất thiết phải vào đại học như một điều kiện tiên quyết để lập nghiệp. Sở GD – ĐT TP. HCM cần thực hiện hiệu quả chủ trương đẩy mạnh phân luồng sau THCS, định hướng nghề nghiệp sau THPT. “TP. HCM phải đẩy nhanh việc quy hoạch, phát triển hệ thống dạy nghề để làm cơ sở sắp xếp lại mạng lưới trường nghề cho phù hợp, theo hướng giải thể, sáp nhập các cơ sở hoạt động không hiệu quả. Song song đó, phải có những chính sách thu hút giáo viên và nâng cao năng lực, trình độ, kỹ năng…”, bà Thu nói.

QUANG DUY

14 TRƯỜNG NGHỀ CHƯA TUYỂN ĐƯỢC SINH VIÊN NÀO 

Theo Bộ LĐ – TB – XH, giai đoạn 2011 – 2015, cả nước có 14 trường cao đẳng nghề được thành lập nhưng chưa tuyển được khóa nào. Có 3 trường cao đẳng nghề tư thục: Đại An, Công nghệ LICOGI và Hàng hải Vinalines đã có giấy phép nhưng chưa đi vào hoạt động, do khó khăn về kinh tế, chủ đầu tư không bố trí được nguồn vốn đầu tư theo cam kết nêu trong dự án, khi thành lập trường. Báo cáo kiểm toán chuyên đề “Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm và dạy nghề, giai đoạn 2012 – 2013” cho thấy, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam và 9 tỉnh, thành phố chưa xác định đúng nhu cầu, dẫn đến tình trạng thiết bị đã mua sắm nhưng hiệu suất khai thác, sử dụng không cao. Việc đầu tư không phù hợp với thực tế đã gây nên tình trạng lãng phí nghiêm trọng. Cụ thể, cơ sở dạy nghề khu vực Tây Nam Bộ của T.Ư Hội Nông dân Việt Nam được xây dựng trên phần đất rộng 4,3 ha tại tỉnh Long An, với tổng số tiền đầu tư hơn 80 tỷ đồng nhưng không có ai học. Cơ sở dạy nghề khu vực Tây Nam Bộ có một hội trường lớn, với 180 chỗ ngồi, 11 phòng làm việc, 14 phòng học lý thuyết theo tiêu chuẩn dạy nghề, 5 phòng học thực hành, một xưởng thực hành và đầy đủ dụng cụ để dạy nghề cơ khí: Tiện, phay, điện dân dụng, sửa chữa máy nông nghiệp. Tuy nhiên, cơ sở này đã bỏ không từ khi thành lập đến nay và đang cho thuê làm nhà nghỉ, trường mẫu giáo… Giám đốc của cơ sở dạy nghề này là ông Lê Văn Tấn phải kiêm cả bảo vệ, kế toán, lao công.

Bài viết được đăng trên Báo Sinh Viên Việt Nam số 38, phát hành ngày 26/09/2016

LIÊN KẾT
FANPAGE