Thay đổi tư duy doanh nghiệp thời kỳ hội nhập

Date: - View: 1060 - By:

TTH.VN - Phát triển doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập là nội dung chương trình Cà phê Doanh nhân do Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Thừa Thiên Huế; Trung tâm Truyền thông và Tổ chức sự kiện VIET MISSION; Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 16/12.

Lắm thách thức

Thông qua chương trình Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, Giảng viên Viện Nghiên cứu khoa học lãnh đạo và Quản trị doanh nghiệp; Giám đốc Phát triển đầu tư Tổng Công ty 28, Bộ Quốc phòng giúp doanh nghiệp Huế nhận diện đặc điểm bối cảnh kinh doanh mới dưới tác động của xu hướng hội nhập và cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Qua đó, gợi ý cách thức ứng phó cho doanh nghiệp trước thời cơ mới.

Theo TS Huỳnh Thanh Điền, bản thân những xu thế kinh tế toàn cầu đã mở ra cho doanh nghiệp rất nhiều cơ hội kinh doanh quốc tế. Cụ thể, sẽ tạo ra “sân chơi” mở rộng cho các doanh nghiệp; xoá bỏ những rào cản biên giới về kinh tế thương mại; mở ra cơ hội hợp tác liên doanh, liên kết….

Tuy nhiên, hội nhập (TTP, VN-EAEU, FTA…) thúc đẩy dịch chuyển tự do dòng hàng hóa, dịch vụ, vốn, lao động, hội nhập về thể chế buộc doanh nghiệp phải thay đổi môi trường kinh doanh. Doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều đối thủ cạnh tranh hơn, thế lực cạnh tranh toàn cầu mạnh hơn, công cụ cạnh tranh và thủ đoạn cạnh tranh đa dạng, phức tạp hơn, những đòi hỏi của thị trường cũng ngày càng chặt chẽ và nghiêm ngặt hơn. Thực tế đòi dỏi doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chất lượng, chi phí thấp, giá cả hợp lý, dịch vụ hoàn hảo, thời hạn giao hàng phải chính xác, kênh phân phối phải tiện lợi…

Song hành với đó là thách thức về công nghệ trong việc nghiên cứu, phát minh và ứng dụng trên toàn cầu. Trong cơn lốc của cách mạng công nghệ, các doanh nghiệp ở các ở các nước phát triển đang và sẽ phải nỗ lực cao để giành sự vượt trội và độc quyền công nghệ hiện đại. Các doanh nghiệp phải tìm ra được bước đột phá hữu hiệu nhằm đẩy lùi nguy cơ tụt hậu về công nghệ.

Doanh nhân Lê Xuân Phương đề xuất Hội Doanh nhân trẻ đứng ra liên kết hội viên

Trước thực tế đó đòi hỏi bản thân DN cần chủ động nỗ lực trong việc tìm kiếm các thông tin về ngành hàng, thị trường tiềm năng và các chuẩn mực quốc tế, trên cơ sở đó định hướng và xây dựng kế hoạch phát triển doanh nghiệp dài hạn, đáp ứng được yêu cầu và tận dụng cơ hội do hộ nhập quốc tế mang lại. Ngoài ra, doanh nghiệp cần rà soát, đánh giá lại DN, xem xét bối cảnh cạnh tranh mới ở trong nước và ngoài nước, sẵn sàng để chuyển đổi sang thời kỳ mới; xây dựng chiến lược nâng cao sức cạnh tranh, xác định giá trị cốt lõi để lựa chọn sản phẩm và thị trường mục tiêu.

Doanh nghiệp phải thay đổi tư duy

Nói đến khó khăn của doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập, TS Huỳnh Thanh Điền chỉ rõ, doanh nghiệp đang luẩn quẩn quanh “vòng kim cô” (hạn chế vốn – khó tiếp cận tín dụng – khó đổi mới công nghệ - chất lượng sản phẩm kém, giá thành cao, thiếu năng lực cạnh tranh – hiệu quả kinh tế thấp, khó tích tụ được vốn).  Nhưng doanh nghiệp phải biết, vòng kim cô chỉ tồn tại khi Tôn Ngộ Không chưa đắc đạo, khi đắc đạo rồi cái vòng này sẽ tự mở. Vòng kim cô ấy chỉ là biểu hiện của quy luật để đi đến sự đắc đạo. Cũng như doanh nghiệp muốn thoát khỏi vòng tròn ấy chính doanh nghiệp phải tự “đắc đạo” chứ không phải ai khác. Và tư duy toàn cầu trong chiến lược kinh doanh là một nút mở, doanh nghiệp phải chuẩn bị đủ điều kiện thâm nhập thị trường, điều kiện phòng vệ quốc tế. Một trong cách thích nghi với điều kiện mới chính là lựa chọn hợp tác chiến lược, tham gia vào chuỗi hoạt động của các doanh nghiệp FDI lớn cùng với đó là đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp.

Tại chương trình, nhiều khó khăn của doanh nghiệp trong hội nhập được TS Huỳnh Thanh Điền và một số doanh nghiệp có kinh nghiệm trong xuất nhập khẩu bàn luận tìm giải pháp khắc phục.

Doanh nhân Hồ Thị Sương Lan, Giám đốc Công ty Công ty TNHH Dịch vụ du lịch và Lữ hành Phong Lan Việt chia sẻ về tình trạng doanh nghiệp Huế khi muốn xuất hay nhập một sản phẩm ra nước ngoài đều phải tốn một chi phí khá lớn cho các công ty trung gian, đẩy giá sản phẩm lên cao. Bà Lan đề xuất nên chăng, tỉnh cần thành lập một cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp trong vấn đề xuất nhập khẩu nhằm giảm bớt các chi phí trong các khâu trung gian.

Vấn đề này, một số đơn vị có kinh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu đề xuất doanh nghiệp nên ký kết hợp tác với các doanh nghiệp chuyên về xuất nhập khẩu có như thế mới giảm thiểu thời gian và các vấn đề liên quan. Hội Doanh nhân trẻ cần đứng ra kết nối với Nhóm sàn tri thức Việt Nam nắm bắt những khó khăn của doanh nghiệp từ đó có những hỗ trợ thông tin kịp thời cho hội viên trong thời kỳ hội nhập.

Chụp ảnh lưu niệm với TS Huỳnh Thanh Điền

Ông Nguyễn Văn Lộc, Giám đốc Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Quốc Trung cũng nêu ra thực trạng, tỉnh chưa có những hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp, người dân vẫn thờ ơ với chất lượng đầu vào cho các sản phẩm chăn nuôi. “Vừa qua, công ty đầu tư một dây chuyền sản xuất hiện đại với quy mô đầu tư gần 20 tỷ đồng, chất lượng sản phẩm được công nhận đạt chuẩn, tuy nhiên, các sản phẩm lại không thể cạnh tranh với các sản phẩm trôi nổi, chất lượng kém trên thị trường trong tỉnh. Trong khi đó, sản phẩm lại các địa phương khác rất ưa chuộng, chiếm 70% tổng sản lượng tiêu thụ của đơn vị”.

Giải quyết vấn đề trên, TS Huỳnh Thanh Điền nhấn mạnh, vai trò của liên kết rất quan trọng. Một doanh nghiệp kinh doanh trong thời kỳ hội nhập phải thay đổi từ tư duy làm từ A đến Z sang tư duy chọn một khâu quan trọng trong một chuỗi hàng hóa, từ đó liên kết với các doanh nghiệp tạo nên chuỗi cung ứng. Đồng thời, doanh nghiệp phải khẳng định niềm tin với người tiêu dùng thông qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm, chứng minh chất lượng sản phẩm. Chỉ khi nào khẳng định được giá trị làm chăn chân chính mới tạo được chuyển biến cho bản thân doanh nghiệp.

Bài, ảnh: Hoàng Loan/ Báo Thừa Thiên Huế

LIÊN KẾT
FANPAGE