Ra đời năm 2004, định chế của khu NNCNC là nghiên cứu, chuyển giao và sản xuất. Thị trường khu NNCNC hướng đến là những sản phẩm xuất khẩu phục vụ đời sống đô thị có giá trị gia tăng cao như rau quả, hoa, cá kiểng...
"Không phải cứ nhà kính là công nghệ cao"
Không phải cứ nhà kính là công nghệ cao và cứ năng suất cao là nông nghiệp phát triển tốt. Quan điểm này của TS. Nguyễn Quốc Vọng - Giám đốc Trung tâm Giống rau hoa SSC thuộc Công ty CP Giống cây trồng Miền Nam đã được đông đảo khách mời tham gia hội thảo tán thành.
Thứ nhất là về khái niệm công nghệ cao. Qua quan sát từ mô hình phát triển nông nghiệp của Úc, TS. Vọng nhận ra "công nghệ cao là công nghệ cho chúng ta năng suất cao, chất lượng tốt, bất kể mang hình thức gì. Hiện nay, giới nghiên cứu Việt Nam vẫn bị trói buộc bởi suy nghĩ công nghệ cao phải là nhà kính và máy móc tối tân. Và chúng ta thua thế giới bởi thiếu quy trình làm việc và mang công nghệ về ứng dụng rất tùy tiện". Ở góc độ khoa học, đây là điều khu NNCNC cần tránh trong định hướng nghiên cứu của mình.
Thứ hai, Việt Nam vẫn đo lường sự phát triển nông nghiệp bằng năng suất nhưng theo TS. Vọng, lợi nhuận DN thu được, mức độ ổn định cuộc sống của người nông dân mới là thông số phản ánh chính xác.
Những năm gần đây, cơ cấu sản xuất nông nghiệp đang chuyển dịch dần từ các nông sản có giá trị thấp, thị trường hẹp (lúa, gạo, bắp...) sang các nông sản có giá trị gia tăng cao, thị trường lớn (rau quả, hoa, cá kiểng...). Khi hướng đến các mặt hàng nông sản phục vụ nhu cầu đô thị này thì càng đòi hỏi sản phẩm phải đạt chất lượng cao và mang đến giá trị riêng biệt. Trong đó, chỉ năng suất thôi là chưa đủ. "Nếu không bảo quản kỹ thì sáng là rau nhưng chiều là rác", TS. Vọng cảnh báo.
Để nâng cao chất lượng, sản xuất nông nghiệp cần bao trùm cả một chuỗi liên kết ngang bao gồm: tìm hiểu thị trường, chọn giống, nuôi trồng, thu hoạch, chế biến, bao bì, phân phối. Hiện tại, Việt Nam làm rất mạnh công tác chọn giống và nuôi trồng nhưng lại bỏ rơi hoàn toàn khâu sau thu hoạch, đặc biệt là chế biến và lưu trữ hàng hóa.
TS. Vọng phát biểu: "Chúng ta có giống tốt, năng suất cao nhưng người tiêu thụ chỉ quan tâm sản phẩm phải an toàn vệ sinh, chất lượng phải tốt. Chúng ta có viện lúa nhưng không có viện gạo, mà người tiêu thụ chỉ mua gạo chứ không mua lúa giá cao". Đây là lý do mà suốt nhiều năm giá nông sản Việt Nam mãi nằm ở mức thấp của thế giới.
Vai trò đầu tàu thuộc về doanh nghiệp
TS. Huỳnh Thanh Điền - Giảng viên kinh tế ĐH Văn Hiến nhìn nhận, hiện nông nghiệp trong nước vấp phải 3 rào cản chính làm hạn chế thu hút đầu tư: rào cản về chuyển giao công nghệ cho nông dân ít vốn, rào cản về cung ứng nguyên liệu chế biến và rào cản trong phân phối sản phẩm chế biến.
Mấu chốt của giải pháp tháo gỡ các rào cản này là mô hình liên kết dọc gắn kết chặt chẽ giữa người nông dân và các DN trong đó Khu NNCNC là điểm xúc tác cung cấp công nghệ cho cả hai bên.
Theo đó, DN là đầu tàu trực tiếp tiếp nhận, áp dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất. Người nông dân tham gia với vai trò gia công, cung cấp nguyên liệu đầu vào cho DN, TS.Trần Tiến Khai - nguyên giám đốc Cơ sở phía Nam tại TP. Hồ Chí Minh thuộc Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, phân tích.
Thực tế hiện nay, cái khó của việc đưa công nghệ cao vào nông nghiệp không nằm ở vốn hay trình độ, mà ở băn khoăn không tìm được đầu ra cho sản phẩm của người nông dân.
Bản thân người nông dân không thể nắm bắt được nhu cầu thị trường xuất khẩu lẫn cập nhật các công nghệ hiện đại. Trong khi đó, các tổ hợp tác, hợp tác xã hiện nay lại rất yếu trong việc này. Đây là điểm mạnh nhất của DN. Vì vậy cần DN tham gia với vai trò đầu tàu thì người nông dân mới được ổn định, tránh tình trạng sản xuất thời vụ, bị thương lái nước ngoài phá hoại.
"Ở đây, DN đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Nếu DN không tham gia, không tiếp thu áp dụng các công nghệ cao thì nền nông nghiệp VN sẽ vẫn tiếp tục manh mún và xuất thô giá thấp như hiện thời", TS. Trần Tiến Khai nhận định.
DN khi tham gia vào chuỗi liên kết dọc sẽ có được nguồn cung ổn định, kiểm soát được chất lượng và nắm được các công nghệ tiên tiến dựa trên nghiên cứu từ Khu NNCNC để tạo ra sản phẩm cạnh tranh trên thị trường.
Tuy nhiên, PGS-TS. Vũ Trọng Khải nhìn nhận, khó khăn chính khi DN tham gia vào chuỗi liên kết này chính là ý thức cam kết của nông dân chưa cao và thiếu diện tích đất lớn để trồng trọt.
Giải pháp cho vấn đề trên là DN thuê lại đất của người dân, tạo ra những cánh đồng liên kết lớn. Người nông dân vẫn làm việc trên mảnh đất của họ dựa trên nền tảng công nghệ do DN đầu tư. Điều này phù hợp với quy định về Luật Đất đai hiện nay. Đây là biện pháp đang được vài DN trong nước áp dụng khá hiệu quả tại Đồng Tháp, TS. Khải chia sẻ.
Về tầm nhìn, PGS-TS. Vũ Trọng Khải cho rằng Khu NNCNC cần tạo ra tác động lan tỏa chứ không nên cục bộ. "Nông nghiệp Việt Nam làm vật mẫu rất hay, làm triển lãm rất tốt nhưng không có sản phẩm thật. Nếu làm như vậy thì đừng làm, chỉ tốn công vô ích".
Trong dài hạn, các chuyên gia gợi ý khu NNCNC cần định hướng phát triển như một DN độc lập tạo môi trường thuận lợi cho nông dân, doanh nghiệp và nhà khoa học liên kết với nhau. Mô hình này không chỉ mang lại lợi nhuận cho tất cả các bên tham gia mà quan trọng hơn là tạo lực đẩy để nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững theo công nghệ cao.
Nguồn: Doanh nhân Sài Gòn