Theo báo cáo cao của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM cho biết, hiện trên địa bàn TPHCM hiện có 392 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó 52 trường cao đẳng, trung cấp công lập.Từ năm 2006 đến nay, nhiều trường cao đẳng, trung cấp công lập tại thành phố đã tiến hành xây dựng đề án tự chủ một phần theo Nghị định số 43 của Chính phủ.
Theo nhiều đại biểu, khó khăn lớn nhất mà các trường cao đẳng, trung cấp công lập tại TP.HCM đang gặp phải trong việc thực hiện tự chủ tài chính là không được tự chủ hoàn toàn về nhân sự hay chương trình đào tạo. Sự nhập nhằng trong quản lý nhà nước và quản lý sở hữu cũng đang bó buộc các trường trong việc quyết định hướng hoạt động, chương trình phát triển.
Bên cạnh đó, sự xuất hiện ngày càng nhiều của các trường đại học đang đẩy hệ thống trường cao đẳng, trung cấp vào thế khó khi tuyển sinh không đủ chỉ tiêu. Khó tuyển sinh, thiếu sáng tạo, thiếu trách nhiệm dẫn đến không cải tiến chất lượng là vòng lẩn quẩn khiến nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải đứng trước nguy cơ đóng cửa.
Do vậy, các trường cao đẳng, trung cấp TPHCM đang mong chờ một cơ chế giao quyền tự chủ tài chính phù hợp với điều kiện thực tế. Trong đó, vấn đề quy định mức khung học phí, chế độ miễn giảm học phí, học bổng cũng cần được tính toán để các trường thu đủ bù chi.
Ngoài ra, các trường cần được hỗ trợ bước đầu về cơ sở vật chất để đủ tiêu chuẩn triển khai tự chủ tài chính hoàn toàn vào năm 2020. Nhưng trước mắt, các trường cần những hướng dẫn cụ thể để hoạch định lộ trình tự chủ.
Theo Bà Phạm Quang Trang Thủy - Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương cho rằng: Nhà nước phải có hướng dẫn cụ thể về các bước thực hiện tự chủ và có một buổi tập huấn riêng về viết đề án tự chủ cho các trường. Tất nhiên không thể có mẫu chung về tự chủ phù hợp cho tất cả các trường nhưng đó sẽ là bước hướng dẫn cho các trường. Giờ chúng tôi viết đề án tự chủ thì phải bắt đầu mọi thứ như thế nào để hoàn thành được đề án.
TPHCM hiện có 52 trường cao đẳng, trung cấp công lập. Vấn đề tự chủ đã đặt ra từ lâu nhưng đến nay, mới có 4-5 trường “tự sống” được. Theo lộ trình, đến năm 2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập phải đảm bảo tự chủ tài chính, không tiêu tiền ngân sách.
Tại buổi tọa đàm, nhiều hiệu trưởng các trường cao đẳng, trung cấp lo ngại và nêu lên một số quan điểm như: Nếu tự chủ, mức thu học phí không đủ để bù đắp cho suất chi đào tạo cho một học sinh. Toàn bộ nguồn thu phục vụ đào tạo ngay cả khi áp dụng mức tối đa theo dự thảo khung học phí của Chính phủ, cũng không thể đủ cân đối cho chi thường xuyên phục vụ đào tạo.
TS. Huỳnh Thanh Điền chia sẻ tại tọa đàm
Theo TS. Huỳnh Thanh Điền, thành viên Nhóm tư vấn Đề án Phát triển công nghiệp hỗ trợ TPHCM chia sẻ: Các trường công lập được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách, theo đó người đứng đầu trường là người được nhà nước cử để quản lý phần vốn, có trách nhiệm và tự chủ toàn bộ đối với phát triển hoạt động đào tạo sao cho bảo toàn và tăng thêm phần vốn.
"Sẽ không có gì để bàn cãi, tranh luận về vấn đề “tự chủ tài chính” nếu ngay từ đầu các trường công lập được hiểu đúng nghĩa như trên. Tuy nhiên, thực tế lâu nay các trường công lập không được vận hành theo đúng nghĩa vốn có này. Người đứng đầu của trường công không được toàn quyền xác định mức học phí, đầu tư, bộ máy, bổ nhiệm, cơ chế lương thưởng, thậm chí ngay cả chương trình đào tạo… mà nguồn thu phải được thực hiện theo quy định, thu nộp vào ngân sách rồi phải xin ý kiến và chờ cơ quan chủ quản phê duyệt", Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền nhận định.
Còn theo Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II Bùi Văn Hưng cho hay, hiện nay Trường Kỹ nghệ II có cam kết với học sinh tốt nghiệp ra trường được giới thiệu việc làm và cam kết với doanh nghiệp về chất lượng đào tạo. Đây là kết quả của việc thực hiện tự chủ tài chính hoàn toàn.
Ông Hưng thừa nhận, trước khi tự chủ, việc giảng dạy ở nhà trường không tư duy đến chuyện đào tạo đáp ứng nhu cầu người học, nhu cầu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, từ năm 2016, khi thực hiện tự chủ hoàn toàn, đào tạo liên kết giữa trường và doanh nghiệp, đảm bảo việc làm cho học sinh tốt nghiệp là vấn đề sống còn của nhà trường. Nhờ đó, 80% học sinh của trường được các doanh nghiệp nhận ngay khi chưa tốt nghiệp hay vừa tốt nghiệp; phần còn lại tự tạo việc làm và rất hiếm người thất nghiệp.
Ông Hưng cũng cho biết: Hiện nay, Nhà trường được tự chủ hoàn toàn trong tuyển dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm nên bộ máy Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II được sắp xếp lại, tiết kiệm được 50 nhân sự. Năng suất lao động ở từng vị trí làm việc tăng. Thu nhập của giáo viên cũng được trả theo năng lực, có người lương 3 triệu đồng, có người lương 30 triệu đồng; và trung bình mỗi người tăng 20% thu nhập so với trước khi tự chủ.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM đánh giá, tự chủ hoàn toàn hay tự chủ một phần các trường cần phải có đánh giá cụ thể và đưa ra lỗ trình tự chủ của trường mình trong thời gian tới. Đặc biệt, các trường cũng cần nêu lên những mặt mạnh, mặt yếu của trường mình và đề xuất các giải pháp cụ thể trong vấn đề tự chủ của trường đối với các cơ chế, chính sách liên quan đến các cơ quan quản lý nhà nước để kịp thời tháo gỡ.
Tại Tọa đàm, nhiều đại biểu cũng kiến nghị, cần đặt ra lộ trình cụ thể hướng đến trao quyền tự chủ hoàn toàn cho trường. Các trường phải được tự chủ toàn bộ hoạt động đầu tư, huy động vốn, tính toán mức thu học phí, chi thường xuyên, quyết định bộ máy, tuyển dụng, bổ nhiệm, xây dựng chương trình, phương pháp đào tạo… theo quy định của pháp luật mà không cần báo cáo, không cần xin phê duyệt ngân sách nhằm tăng tính chủ động sáng tạo và trách nhiệm đối với người đứng đầu trường. Đồng thời, cần tách bạch rõ ràng giữa chức năng quản lý nhà nước với chức năng quản lý sở hữu công của các cơ quan chủ quản. Chức năng quản lý nhà nước là quản lý tính tuân thủ pháp luật liên quan đến hoạt động đào tạo nghề bình đẳng giữa các cơ sở đào tạo nghề; chức năng sở hữu nhà nước cũng dừng lại ở việc quản lý bảo toàn và phát triển vốn, không can dự vào công tác quản trị nội bộ của trường.
Hoàng Cảnh/ Tạp chí Lao động Xã hội