Tọa đàm về phát triển Công nghiệp hỗ trợ gắn với doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP. Hồ Chí Min

Date: - View: 1071 - By:
Trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội, thành phố Hồ Chí Minh luôn xác định công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là một trong những ngành được ưu tiên đầu tiên để phát triển. Tuy nhiên, trong hơn 10 năm qua, lĩnh vực này phát triển còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế của Thành phố.
Đồng chí Lê Thanh Hải - Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị
Đồng chí Lê Thanh Hải - Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị
 

 

 

Để tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy phát triển ngành CNHT Thành phố, chiều ngày 27/1/2015, Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tổ chức buổi Tọa đàm “Phát triển CNHT gắn với doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh”.

 

Tham dự hội nghị có ông Lê Thanh Hải - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên TW Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, ông Tất Thành Cang - Phó Chủ tịch UBND TP, ông Cao Quốc Hưng - Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Tài chính.

 

Mục tiêu của buổi tọa đàm nhằm đánh giá, phân tích, làm rõ những khái niệm, nội hàm ngành CNHT hiện nay, xác định vai trò của CNHT trong quá trình phát triển kinh tế Thành phố, đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển CNHT trong năm 2015 và giai đoạn 2016 - 2020. 
 
 
Tại hội nghị, nhiều đại biểu tham dự đã thẳng thắn đề xuất nhiều nhóm giải pháp liên quan đến cơ chế, chính sách, cơ sở pháp lý, nguồn vốn, nguồn nhân lực liên quan đến sự phát triển CNHT, chính sách thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, vai trò điều tiết kết nối của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ chế hỗ trợ đầu tư, đổi mới công nghệ thiết bị, tạo lập môi trường kết nối chuyển giao công nghệ, đầu tư hạ tầng cơ sở.

Ông Tất Thành Cang Phó Chủ tịch UBND TP phát biểu tại hội nghị

Ông Tất Thành Cang - Phó Chủ tịch UBND TP phát biểu

 

Phát biểu tại hội nghị, ông Tất Thành Cang - Phó Chủ tịch UBND TP đã báo cáo khái quát về tình hình chung của ngành CNHT và các chính sách, cơ chế đặc thù để ưu tiên phát triển CNHT tại TP. Hồ Chí Minh.

 

Theo kinh nghiệm của các quốc gia tiên tiến, có nền công nghiệp phát triển mạnh, phát triển CNHT gắn với phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế. Đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi hiệu quả, thúc đẩy phát triển ngành CNHT nhanh và bền vững, góp phần giảm kim ngạch nhập khẩu, tạo điều kiện thuận lợi trong thu hút đầu tư nước ngoài, đảm bảo tính chủ động, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

 

Tại thành phố Hồ Chí Minh, Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X (nhiệm kỳ 2010 - 2015) xác định: “tiếp tục tập trung phát triển 4 ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học - công nghệ và giá trị gia tăng cao, như: cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, hóa dược - cao su, chế biến tinh lương thực - thực phẩm và các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp sạch, tiết kiệm năng lượng”.

 

Ngoài các chính sách hỗ trợ theo quy định của Trung ương, Thành phố chủ động triển khai một số chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển CNHT, như hỗ trợ lãi suất thông qua chương trình kích cầu đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng với lãi suất phù hợp, hỗ trợ vốn thông qua Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ công nghệ thông qua Quỹ KHCN, hỗ trợ xúc tiến đầu tư thương mại, pháp lý, đào tạo nguồn nhân lực quản lý doanh nghiệp…

 

Phó Chủ tịch Tất Thành Cang cũng nhìn nhận, ngành CNHT của cả nước nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng hiện nay rất yếu, nguyên nhân do các doanh nghiệp CNHT chủ yếu là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, thiếu tiềm lực tài chính, kinh nghiệm quản lý và khả năng tiếp cận công nghệ hiện đại.

Ngoài ra, các chính sách phát triển hiện nay cũng được đánh giá là chưa phù hợp và chưa thực tế với đặc thù của từng lĩnh vực trong ngành CNHT, ngược lại còn gây ra khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận các chính sách, do có quá nhiều quy định bất cập.
 

TS. Huỳnh Thanh Điền Trường Đại học kinh tế TP phát biểu tại hội nghị

TS. Huỳnh Thanh Điền - Trường Đại học kinh tế TP. Hồ Chí Minh phát biểu

 

Mở đầu phần tham luận, TS. Huỳnh Thanh Điền - Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đã chỉ ra những nguyên nhân làm hạn chế sự phát triển ngành CNHT. Theo kinh nghiệm công nghiệp hóa ở các quốc gia cho thấy, CNHT không phải là xuất phát điểm, tiền đề cho sự phát triển các ngành công nghiệp khác, mà ngược lại chính sự phát triển của ngành công nghiệp khác mới kéo theo sự phát triển của CNHT nhờ vào chính sách điều tiết hợp lý của Chính phủ.
 

Tại Việt Nam, các doanh nghiệp trong ngành CNHT phần lớn đều nằm trong doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm tỷ trọng lớn về số lượng, lao động trong ngành công nghiệp, nhưng đóng góp nhỏ về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách. Tính đến hết năm 2013, các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 95,81% số lượng doanh nghiệp, chiếm 42,26% về số lượng lao động toàn ngành công nghiệp của Thành phố, nhưng chỉ đóng góp 21,36% về doanh thu, 6,68% về lợi nhuận và 9,78% về nộp ngân sách.

Do những hạn chế về mặt công nghệ, nên nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam bị rơi vào vòng luẩn quẩn của năng lực cạnh tranh thấp, bắt đầu từ những hạn chế về vốn, nên khó tiếp cận tín dụng để thực hiện đầu tư đổi mới công nghệ, dẫn đến chất lượng sản phẩm kém và giá thành cao. Theo đó, năng lực cạnh tranh kém, dễ đưa đến kết cục hiệu quả kinh tế thấp, khó tích tụ vốn để thực hiện đầu tư đổi mới công nghệ và phát triển.

Thành phố Hồ Chí Minh là một địa phương với chức năng triển khai cơ chế chính sách được TW ban hành và được phép ban hành các chính sách theo phân cấp của TW cho Thành phố. Trên cơ sở dự báo nhu cầu và thực trạng hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực CNHT, các giải pháp được xác định trọng tâm vào việc tháo gỡ các rào cản phát triển, đồng thời xác định những chương trình, dự án cụ thể để triển khai, có đầu mối quản lý xuyên suốt, có chế độ báo cáo, kiểm tra giám sát và bố trí nguồn nhân lực quản lý nhà nước đủ năng lực, nhằm bảo đảm tính thực thi của chính sách.

Theo TS. Huỳnh Thanh Điền, TP. Hồ Chí Minh nên nghiên cứu thành lập Trung tâm phát triển CNHT với chức năng quản lý tất cả các hoạt động phát triển CNHT; Thành lập Chương trình kích cầu phát triển CNHT nhằm mục đích hỗ trợ tài chính (thông qua hỗ trợ lãi vay), cho doanh nghiệp đầu tư công nghệ của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực CNHT.

Theo ông Đỗ Phước Tống - Phó Chủ tịch Hội Cơ khí TP, trong thời gian qua, TP đã ban hành quyết định 33/2011 và 38/2013 về hỗ trợ ngành cơ khí chế tạo và công nghiệp phụ trợ, nhưng doanh nghiệp phải có nội lực mạnh, vừa phải có vốn đối ứng, vừa phải có tài sản thế chấp cho khoản vay, vì vậy, rất ít doanh nghiệp có thể tham gia dự án. Do đó, cần điều chỉnh Quyết định 33 và 38 theo hướng có thêm nội dung doanh nghiệp được thuê, mua máy móc thiết bị từ Công ty cho thuê tài chính để hỗ trợ doanh nghiệp.

Đối với doanh nghiệp nhỏ, năng lực kỹ thuật còn hạn chế, cần được hỗ trợ thông qua các đơn vị nghiên cứu công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp thuộc Sở Khoa học & Công nghệ, có thể có sự tham gia của Hội Cơ khí TP và một số doanh nghiệp có năng lực.

Thành phố cần hỗ trợ việc đào tạo nguồn nhân lực ngành Cơ khí cho doanh nghiệp bằng cách tăng cường tuyên truyền, truyền thông đến các trường về vai trò và vị trí của người thợ cơ khí trong nền công nghiệp của đất nước; Tăng cường tổ chức việc hướng nghiệp cho các học sinh cuối cấp Trung học cơ sở, khi năng lực học tập vừa phải có thể vào thẳng trường Trung học nghề, sau 3 năm tốt nghiệp có thể có việc làm ngay, tự nuôi sống bản thân, góp phần tạo hiệu quả về kinh tế và xã hội cho TP.

Ngoài ra, Thành phố cần tạo thêm thị trường và đặt điều kiện tỷ lệ nội địa hóa một cách rõ ràng, lúc này các nhà đầu tư phải có chính sách đặt hàng doanh nghiệp Việt Nam và phải hỗ trợ kỹ thuật… để đảm bảo yêu cầu.

Cụ thể như khi TP mở thầu gói thầu làm hệ thống Metro cho thành phố, nên yêu cầu nhà thầu phải sử dụng một tỷ lệ nhất định sản phẩm cơ khí chế tạo trong nước, vì một số doanh nghiệp cơ khí trong nước có đầu tư thiết bị công nghệ cao, có thể tham gia chế tạo các sản phẩm này, đồng thời tăng khả năng chế tạo phụ tùng thay thế sau này khi bảo dưỡng với chi phí tốt hơn hàng nhập khẩu.

Một điểm quan trọng khác về xây dựng biểu thuế, Thành phố cần nghiên cứu đề nghị Chính phủ xây dựng biểu thuế nhập khẩu hợp lý sẽ kích thích sản xuất trong nước, vì hiện nay, chính sách nhập khẩu của Nhà nước có nhiều bất hợp lý. Cụ thể, hầu hết các loại máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ khi nhập khẩu thuế suất, thuế nhập khẩu đều bằng 0%, trong khi chế tạo trong nước, phải nhập một số linh kiện phụ tùng, thì thuế suất nhập khẩu các loại lên đến 20 - 25%, sẽ đẩy giá thành sản phẩm trong nước cao.

Mặt khác, các thiết bị đồng bộ nhập làm tài sản cố định của các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa được hưởng thuế suất VAT là 0%, trong khi mua sản phẩm trong nước chế tạo phải chịu thuế VAT là 10%. Chính điều này đã khuyến khích các doanh nghiệp nhập khẩu chọn dây chuyền thay vì chế tạo một phần trong nước.
 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng đánh giá cao các ý kiến tham luận tại buổi tọa đàm

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng
 đánh giá cao các ý kiến tham luận tại buổi tọa đàm

 

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng nhận định, trong thời gian gần đây, ngành CNHT được các cấp, các ngành, doanh nghiệp quan tâm, do ngành này có liên quan rất nhiều đến phát triển các ngành công nghiệp: Dệt may, sắt thép, cơ khí, luyện kim, ô tô, điện tử… do đó nếu phát triển tốt ngành CNHT sẽ thúc đẩy nền kinh tế, công nghiệp của cả nước phát triển bền vững, góp phần hạn chế nhập siêu, tăng kim ngạch xuất khẩu và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
 

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, ngành CNHT của nước ta chưa phát triển, sản phẩm CNHT chất lượng còn thấp, giá thành cao, sức cạnh tranh còn kém, luôn yếu và thiếu từ nguồn vốn, nhân lực, đến công nghệ, đặc biệt là cơ chế chính sách chưa phù hợp và sát với thực tiễn.

Mặc dù trong thời gian qua có nhiều chính sách ưu đãi về tín dụng, đầu tư, miễn giảm sử dụng đất, thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp và nhiều ưu đãi, hỗ trợ khác, nhưng CNHT nước ta vẫn chưa phát triển được như ý muốn.
 

Ngành cơ khí TP cần có chính sách hỗ trợ tốt hơn để nâng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm trong nước

Ngành cơ khí TP cần có chính sách hỗ trợ tốt hơn 
để nâng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm trong nước

 

Nguyên nhân do các chính sách còn phân tán, rãi rác, thủ tục còn rất rườm rà, cụ thể trong 5 năm qua, cả ngành cơ khí trọng điểm chỉ giải ngân được 60 tỷ đồng, chưa có cơ quan nào chuyên trách phụ trách chính ngành này.

 

Taofn cảnh buổi tọa đàm về CNHT gắng với doanh nghiệp nhỏ và vừa

Toàn cảnh buổi tọa đàm về CNHT gắn với doanh nghiệp nhỏ và vừa 
tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh

 

Đối với doanh nghiệp Việt Nam, chúng ta chưa chủ động, ngay cả việc tiếp nhận công nghệ và bàn giao cũng còn yếu, cụ thể, qua chương trình hợp tác với Hàn Quốc, một chương trình bàn giao 100 công nghệ khác nhau cho phía Việt Nam, nhưng do năng lực quá thấp, nên hiện nay chỉ tiếp nhận được 16 công nghệ.

 

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhấn mạnh, các ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia, các doanh nghiệp nêu ra tại buổi tọa đàm là những kinh nghiệm rất bổ ích trong quá trình Bộ Công Thương đang điều chỉnh dự thảo, góp phần hoàn thiện việc biên soạn dự thảo ngành CNHT trình Chính phủ trong thời gian tới.

 

Bí thư Thành ủy TP. Lê Thanh Hải cho biết, để xây dựng và phát triển ngành CNHT theo hướng bền vững, ngoài việc thay đổi các chính sách để thu hút đầu tư, Thành phố còn tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp về tài chính, nguồn nhân lực, tập trung xóa bỏ những rào cản trong hoạt động sản xuất, hỗ trợ việc kinh doanh và xuất khẩu. Thành phố luôn tìm tòi đề ra những giải pháp, để thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.

 

Đồng chí Bí thư Thành ủy đã đánh giá cao những đóng góp rất phong phú, thực tế của các đại biểu. Những ý kiến này sẽ được Ban chỉ đạo chương trình tập hợp, chọn lọc để đưa vào văn kiện của Đại hội Đảng bộ trong thời gian tới. Ngoài ra, đồng chí Bí thư Thành ủy đã chỉ đạo UBND TP nhanh chóng xây dựng chương trình kích cầu thông qua các lĩnh vực công nghiệp, thúc đẩy phát triển ngành CNHT, xứng tầm của một thành phố đứng đầu cả nước về sản xuất công nghiệp.

 

Hồng Lực/ Tap chí Công thương

LIÊN KẾT
FANPAGE