TPHCM: Góp ý các giải pháp phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2016-2020

Date: - View: 1265 - By:
(LĐXH) - Ngày 9/9/2016, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Tổng Cục dạy nghề tổ chức Hội thảo “Giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2020, thực trạng và giải pháp".

Bà Nguyễn Thị Thu - Phó Chủ tịch UBND TPHCM phát biểu tại Hội thảo

 

Tham dự Hội thảo  có bà Nguyễn Thị Thu – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố; ông Nguyễn Hồng Minh – Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, ông Lê Minh Tấn – Giám đốc Sở lao động – TBXH TPHCM cùng các lãnh đạo của các sở, ban, ngành và chuyên gia, nhà quản lý, lãnh đạo các đơn vị cơ sở dạy nghề, trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề trên địa bàn thành phố.

 

Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thị Thu chỉ rõ: Phải thẳng thắn nhìn nhận và phân tích rõ thực trạng của hệ thống giáo dục nghề nghiệp hiện nay trên địa bàn thành phố. Trên cơ sở đó đề xuất các chính sách, giải pháp phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Định hướng một số nội dung trọng tâm cho nhiệm vụ đó cần tập trung phối hợp đồng bộ giữa các sở, ban, ngành thành phố để tuyên truyền thay đổi nhận thức về học nghề, phân luồng sau trung học cơ sở, định hướng nghề nghiệp sau trung học phổ thông. Bên cạnh đó, thành phố cũng đề xuất Trung ương về những chính sách huy động doanh nghiệp tham gia cùng cơ sở GDNN để tương thích với đào tạo và lao động.

 

Bà Thu cũng cho rằng: Góp ý của các đại biểu cần tập trung về công tác dự báo theo hướng nâng cao chất lượng, đảm bảo xác định đúng mục tiêu đào tạo nghề phù hợp; nhạy bén trong mở rộng ngành nghề mới, trong đó tập trung ngành công nghiệp trọng yếu. Thành phố cũng nâng cao chất lượng đầu tư nâng cấp trường nghề trọng điểm, có biện pháp chú trọng về đội ngũ giảng viên và đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực GDNN.

 

Tại Hội thảo, các đại biểu nêu lên nhiều vấn đề quan trọng của lĩnh vực GDNN của Việt Nam hiện nay và tại thành phố Hồ Chí Minh. Các tham luận đi sâu vào các chủ đề cụ thể như: thực trạng nguồn nhân lực công nghiệp hỗ trợ thành phố Hồ Chí Minh, mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với cơ sở đào tạo nguồn nhân lực  của thành phố; chính sách đào tạo giáo viên nghề; thực trạng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho 9 ngành trọng yếu và xuất khẩu lao động của thành phố….

Theo TS Huỳnh Thanh Điền – Thành viên nhóm tư vấn đề án phát triển Công nghiệp hỗ trợ TPHCM, giai đoạn 2016-2020, doanh nghiệp tại thành phố chủ yếu cung ứng được linh kiện, phụ tùng được sản xuất công nghệ đơn giản, giá trị  thấp. Còn linh kiện, phụ tùng đòi hỏi công nghệ cao thì khả năng tiếp cận thấp. Nguồn nhân lực chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển công nghiệp hỗ trợ. Chương trình đào tạo tại các cơ sở dạy nghề công nghiệp hỗ trợ cũng chưa tốt.

 

Định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ tại thành phố giai đoạn 2015-2020 đặt mục tiêu hình thành được một số cơ sở đào tạo nguồn nhân lực trên cơ sở liên kết giữa tổ chức nước ngoài và trong nước theo hướng chuyển giao, ngành cơ khí chế tạo là 2, điện tử - công nghiệp hỗ trợ là 2, cao su – nhựa là 1….Vì vậy, mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp hỗ trợ của thành phố gồm các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề, cơ quan quản lý nhà nước về đào tạo nghề được phân công nhiệm vụ cụ thể và thực hiện chương trình kết nối đào tạo thí điểm.

 

Còn theo TS. Vũ Xuân Hùng, Viện trưởng Viện NCKHDN chia sẻ về một số  giải pháp đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển dịch lao động trong xu thế hội nhập. Theo ông Hùng, Việt Nam là nước đứng thứ 3 trong cộng đồng Asean về tỷ lệ lực lượng lao động, một yếu tố quan trọng trong quá trình cạnh tranh, nhưng lực lượng lao động Việt Nam còn rất nhiều hạn chế. Theo số liệu của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Tổng cục Thống kê, quy mô lực lượng lao động Quý II năm 2016 đạt 54,36 triệu người, trong đó lực lượng lao động đã qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ chiếm 20,62%. Nếu tính theo cách tính của Bộ Lao động – TBXH, lao động qua đào tạo nghề gồm cả dạy nghề chính quy, dạy nghề thường xuyên, được tổ chức tại các cơ sở giáo dụ tại có tham gia dạy nghề tại các doanh nghiệp, làng nghề và dạy nghề của các tổ chức, cá nhân khác đạt 38,5%. Như vậy, số lượng lao động lao động qua đào tạo còn thiếu rất nhiều. Vì vậy, ông Hùng đề xuất các giải pháp để giải quyết những hạn chế về nhân lực lao động đáp ứng yêu cầu chuyển dịch lao động tự do trong nội khối ASEAN như: Xây dựng thể chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp phù hợp với xu thế hội nhập. Ký kết các hiệp định công nhận văn bằng, chuyển d8o63i tín chỉ và kỹ năng nghề giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực ASEAN. Xây dự ng thể chế, chính sách nhằm khuyến khích thu hút đầu tư, mở rộng quyền tự chủ của các cơ sở dạy nghề. Đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

 

Còn theo PGS.TS Dương Đức Lân, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề khẳng định: trong xu hướng đào tạo nghề hiện nay của các nước mà Việt Nam có thể học tập là mô hình đào tạo kép giữa nhà trường và doanh nghiệp. Mô hình này hiện đang được thí điềm đào tạo thí điểm tại trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ TPHCM, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên về nghề xử lý nước thái theo công nghệ và giáo trình đào tạo của Đức. Học viên sau khi tốt nghiệp được cấp bằng nghề của Đức. Mô hình này hiện được đánh giá là hiệu quả - ông Lân cho biết.

 

Ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở LĐTBXH phát biểu tại hội thảo

 

Tại Hội thảo Luật sư Nguyễn Văn Cường – Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM chi sẻ: Hiện nay số lao động thông qua học nghề mà các doanh nghiệp tuyển dụng là rất thấp. Hầu như các doanh nghiệp tuyển dụng rồi mới đem đi đào tạo và đào tạo lại mới đáp ứng yêu cầu công việc. Nhiều vị trí việc làm doanh nghiệp đề nghị hiệp hội giới thiệu và tuyển dụng, vì các trường nghề không đào tạo ngành nghề họ đang cần. Còn theo TS. Phan Chính Thức – Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cho răng: Thách thức về dạy nghề hiện nay theo hướng cạnh tranh đối đầu về nguồn nhân lực. Vì vậy, định hướng dạy nghề cần phải chuyển nhanh mới đáp ứng yêu cầu trong xu thế hội nhập.

 

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Xuân – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn cho biết: Chất lượng giáo viên tốt quyết định sự thanh công trong công tác đào tạo và phát huy vai trò của người học tại nhà trường. Trong những qua, Trường cao đẳng Du lịch Sài Gòn đã đưa ra một số giải pháp tối ưu của trường là mời các giáo viên đang làm trong ngành du lịch về tham gia giảng dạy một số môn cho sinh viên tại trường. Đồng thời, qua đó nhà trường còn liên hệ các công ty lữ hành và khách sạn cho các sinh viên của trường tham gia thực tập. Sinh viên nhà trường còn được các giảng viên các trường hướng dẫn cách viết đơn xin việc cũng như cách trả lời phóng vấn khi tìm kiếm việc làm. Vì vậy, sinh viên của trường sau khi tốt nghiệp đạt 90% có việc làm và được các công ty, doanh nghiệp đặt hàng hàng năm.

 

Ngoài ra, hàng năm Nhà trường còn tổ chức phân loại, đánh giá sinh viên để qua đó có kế hoạch giới thiệu việc làm cho các sinh viên đúng với trình độ, khả năng và yêu cầu của từng đơn vị, doanh nghiệp.

 

Các đại biểu thảo luận tại hội thảo

 

Chia sẻ về thực trạng gắn kết dạy nghề với doanh nghiệp, bà Phạm Quang Trang Thủy – Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề - kỹ thuật công nghệạy nghề chHùng Vương cho rằng: hiện mối liên hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp chưa chặt chẽ. Đối với Trường trung cấp nghề - kỹ thuật công nghệ Hùng Vương đã chủ động thực hiện hiệu quả hợp tác với doanh nghiệp. Để làm được điều đó, trường đào tạo theo chương trình phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, thế mạnh đào tạo ở nghề kỹ thuật công nghệ cao như cơ điện tử, tự động hóa, hàn tig – mag…Đến nay, trường mở rộng quan hệ với hơn 60 doanh nghiệp, tổ chức và đơn vị, đào tạo được 3.444 học viên.

 

Từ kinh nghiệm của nhà trường, bà Thủy kiến nghị: Để đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp là một xu thế tất nếu thì nhà nước cần phải có những chính sách hỗ trợ cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp tạo hành lang pháp lý để cơ sở dạy nghề tiếp cận với doanh nghiệp. Trong đó, cần đẩy mạnh xã hội hóa công tác dạy nghề mạnh hơn nhằm tạo nguồn lực, các thành phần và doanh nghiệp tham gia vào dạy nghề…

 

Được  biết, thành phố Hồ Chí Minh hiện có 435 cơ sở dạy nghề. Giai đoạn 2011-2015, thành phố đào tạo được 1.847.586 sinh viên, học sinh. Trong đó, có 77.577 sinh viên cao đẳng nghề, 36.327 học sinh trung cấp nghề, 1.733.682 lượt học viên sơ cấp nghề và đào tạo dưới 3 tháng. Trong 5 năm, có 32.167 lao động nông thôn được đào tạo nghề, trong đó có 20.737 lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề.

 

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Hồng Minh – Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề đã đánh giá cao việc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM đã tổ chức Hội thảo giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2016 – 2020 – thực trạng và giải pháp rất có ý nghĩa và phù hợp với tình hình hiện nay, nhất là việc Chính phủ vừa mới ra Nghị quyết 88 giao nhiệm vụ cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội là cơ quan quản lý Nhà nước về dạy nghề theo luật giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực tháng 7 năm 2015. Ông Minh cho biết, theo Luật giáo dục nghề nghiệp khi sát nhập 2 hệ thống dạy nghề và giáo dục vào một là vấn đề cần phải đổi mới. Khi hợp nhất 2 hệ thống này có 10 điểm mới cần phải triển khai kịp thời. Riêng các Trung tâm: Trung tâm dạy nghề, Trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm hướng nghiệp hợp nhất thành một trung tâm với tên gọi là trung tâm dạy nghề và giáo dục nghề nghiệp.

 

Về phương thức đào tạo giáo dục nghề nghiệp, các chính sách, cơ chế đào tạo, đội ngũ giáo viên dạy nghề và quy hoạch các trường đào tạo, các trường trọng điểm, các đào tạo theo cấp độ nghề quốc gia, nghề khu vực và nghề quốc tế tới đây cũng phải đánh giá và xem xét cụ thể để thực hiện có hiệu quả.

 

                                                                                                          Ngọc Linh - Thương Hoài

LIÊN KẾT
FANPAGE