TPHCM sáng tạo và bứt tốc phát triển - Bài 1: Tâm thế mới, sức sống mới
Công nhân làm việc tại một khu chế xuất của TPHCM. Ảnh: THU HƯỜNG
LTS: Năm 2021, lần đầu tiên trong lịch sử, tính từ giai đoạn đổi mới, TPHCM có mức tăng trưởng âm 6,78%. Năm 2022, trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, TPHCM vẫn giữ nguyên các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TPHCM, nhất là phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt từ 6%-6,5%. |
Một chiều cuối tháng 2-2022, công nhân của Công ty CP Thực phẩm Bình Tây miệt mài làm việc theo dây chuyền trong khu nhà xưởng đóng gói sản phẩm miến măng gà. Hầu hết các công đoạn đều được tự động hóa nên phần việc của công nhân khá nhẹ nhàng. Dẫn chúng tôi vào khu vực đóng gói sản phẩm, bà Lê Thị Giàu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Bình Tây, hồ hởi thông tin, năm nay, công ty sẽ mở rộng quy mô nhà máy ở TPHCM và tỉnh Đồng Nai. Ngoài việc tăng số lượng sản phẩm để phục vụ thị trường nội địa, công ty tiếp tục mở rộng thị trường quốc tế và nỗ lực đạt doanh thu xuất khẩu hơn 22 triệu USD.
Công ty dự kiến tuyển thêm 300 lao động (hiện tại công ty có hơn 200 lao động) để đáp ứng yêu cầu mở rộng nhà xưởng, tăng quy mô sản xuất trong năm nay.
Đối với Công ty Pacific foods, khi dịch bệnh xảy ra, toàn bộ người lao động không ai rời bỏ DN mà cùng sát cánh làm việc. DN còn thu hút thêm lao động ngay thời điểm khó khăn. Ông Lê Bá Linh, Chủ tịch HĐQT Công ty Pacific foods, chia sẻ, nhờ nguồn lực này mà sau dịch Covid-19, DN nhanh chóng tăng tốc mở rộng hệ thống phân phối trong nước phủ khắp ba miền. Tín hiệu rất đáng mừng là lượng hàng hóa giao dịch cũng tăng mạnh. “Năm nay, chúng tôi đặt mục tiêu mở rộng thị trường sang châu Âu, Trung Đông bên cạnh thị trường truyền thống là Mỹ, Canada. Công ty cũng hướng về thị trường trong nước, nhất là các vùng xa như Tây Bắc, Tây Nguyên”, ông Lê Bá Linh cho biết.
Tại các Khu chế xuất - Khu công nghiệp (KCX-KCN) ở TPHCM, nhiều DN đang tuyển hàng trăm, hàng ngàn lao động phục vụ mở rộng sản xuất kinh doanh ngay từ đầu năm 2022. Nếu như hoạt động sản xuất kinh doanh như chiếc lò xo bị nén lại trong đại dịch, thì ngay khi “bình thường mới”, các DN bật dậy, bung mình phát triển. Theo ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM (Hepza), hoạt động của các DN đang phục hồi rất tích cực. Lúc dịch Covid-19 bùng phát, trong 17 KCX, KCN chỉ có 652 DN đủ điều kiện duy trì hoạt động với chưa tới 18% người lao động được làm việc. Tuy nhiên, từ cuối năm 2021, hơn 96% DN đã hoạt động với hơn 96% người lao động làm việc trở lại. Hepza cũng đón một số nhà đầu tư lớn phát triển hạ tầng, và năm nay cần thêm 51.000 lao động phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Điều đó càng chứng minh đà phục hồi sản xuất mạnh sau làn sóng lần thứ tư đại dịch Covid-19.
Đồng hành với người dân, doanh nghiệp
Có được sự đánh giá tích cực từ người dân như thế là nhờ sự nỗ lực, âm thầm cống hiến từ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của thành phố. Gần 5 giờ chiều, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND huyện Bình Chánh vẫn nhộn nhịp người dân đến làm thủ tục. Cán bộ ngồi sau các quầy làm việc luôn tay. Không khí khẩn trương nơi đây cũng là sự hối hả chung ở cả huyện ngay từ đầu năm. Do đó, chỉ trong thời gian ngắn, huyện Bình Chánh đã hoàn tất các thủ tục để thành phố trình Trung ương xét công nhận huyện nông thôn mới. Huyện cũng tích cực xúc tiến để trở thành một trong những địa phương đầu tiên của TPHCM thành lập Trung tâm điều hành đô thị thông minh.
Trong khi đó, quận 3 đã rút ngắn thủ tục đăng ký kinh doanh tích hợp mã số thuế hoàn chỉnh cho hộ kinh doanh từ 6 ngày xuống còn 4 giờ làm việc. Thay vì thực hiện riêng rẽ hai khâu, điểm nổi bật của quy trình này là các bộ phận thực hiện đồng thời vừa thụ lý cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, vừa kiểm tra điều kiện cấp mã số thuế. Nhờ đó, thời gian được rút ngắn rất nhiều. Phó Chủ tịch UBND quận 3 Phạm Thị Thúy Hằng chia sẻ, “mặt trái” của quy trình này là áp lực về thời gian thụ lý giải quyết hồ sơ đối với công chức của quận. Song, ai cũng sẵn sàng làm việc dưới áp lực cao vì việc “giải quyết hồ sơ thần tốc” đã mang lại ý nghĩa lớn, góp phần tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi, tạo sự phấn khởi trong nhân dân. Đó cũng là bước đi đột phá của quận trong phục vụ dân, được người dân đồng thuận.
Cũng như quận 3, thời gian chống dịch Covid-19 đã ghi dấu sự chuyển mình mạnh mẽ của các đơn vị, địa phương về ứng dụng số để giải quyết công việc. Tiếp nối, năm 2022 được đánh giá là thời cơ để TPHCM tiếp tục cải cách hành chính, chuyển đổi số giúp thành phố bứt tốc phát triển. Trong khi đó, tại TP Thủ Đức, cán bộ, công chức của địa phương đã trao đổi công việc hoàn toàn qua phần mềm “TP Thủ Đức công chức”. TP Thủ Đức cũng cho ra đời “Hội quán doanh nhân” nhằm tạo môi trường gặp gỡ, trao đổi giữa lãnh đạo TP Thủ Đức với DN, thúc đẩy tương tác hai chiều giữa DN và chính quyền địa phương.
Làn sóng lần thứ tư đại dịch Covid-19 càn quét qua TPHCM trong năm 2021 đã gây nhiều tổn thất nặng nề. Nhưng ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, các địa phương đã tăng tốc. Chỉ 45 ngày đầu năm 2022, thu ngân sách của quận 7 đã đạt 27% so với chỉ tiêu của năm. Hiện quận 7 đang chạy đua nước rút để hoàn thành các công trình dân sinh trong năm 2022 như: mở rộng 12 hẻm, 1 đường, xây mới 2 cây cầu dân sinh và nạo vét 12 đoạn kênh rạch trong khu dân cư; đồng thời tập trung di dời nhà ở trên kênh rạch.
Cùng thực hiện nhiệm vụ nâng cao chất lượng sống của người dân, TP Thủ Đức đã khởi công xây dựng 2 công trình nhà ở xã hội với quy mô gần 2.000 căn, nhằm phục vụ công nhân của các DN trên địa bàn. TP Thủ Đức cũng đang khảo sát các khu nhà trọ cho thuê để có giải pháp chấn chỉnh, tạo môi trường ăn ở tốt hơn cho người lao động.
Đồng chí TRẦN VĂN NAM - Bí thư Huyện ủy huyện Bình Chánh:
|
Đồng chí VÕ KHẮC THÁI - Bí thư Quận ủy quận 7:
|
TS HUỲNH THANH ĐIỀN - Trường Đại học Nguyễn Tất Thành:
|