Trung tâm Xúc tiến đầu tư và khởi nghiệp: Sáng đèn 24/24 để hỗ trợ khởi nghiệp

Date: - View: 1173 - By:

Nhằm thực hiện các hoạt động hỗ trợ các ý tưởng, dự án khởi nghiệp (KN), doanh nghiệp (DN) KN, hộ kinh doanh cá thể chuyển lên DN, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và KN đã và đang tập trung thực hiện vai trò “đầu mối” để tiếp nhận hồ sơ, hỗ trợ, tư vấn người KN, DNKN; đồng thời, kết nối họ với các ngành chức năng, ngân hàng, các chuyên gia để tư vấn, hỗ trợ theo yêu cầu.

Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền (thứ hai, trái qua) tư vấn cho anh Phan Gia Thịnh (bìa trái) khởi nghiệp lĩnh vực đất sạch. Ảnh: C.trúc

Có thể nói, Trung tâm “sáng đèn” 24/24 giờ để hỗ trợ người KN bằng các hình thức tư vấn trực tiếp “tại bàn”, tại trung tâm; tư vấn qua website của trung tâm; hoặc tổ chức đội ngũ đến tận nhà, xưởng của người KN, DNKN, hộ kinh doanh cá thể để khảo sát thực tế và tư vấn, kết nối hỗ trợ.

Lắng nghe và đồng hành

Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Trường Ngân, xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm là DN mới chuyển lên từ hộ kinh doanh cá thể vào đầu tháng 7-2017, với sản phẩm là than gáo dừa. Chị Trần Thị Thanh Tuyền - Giám đốc Công ty kể: “Được sự hỗ trợ tích cực của Trung tâm Xúc tiến đầu tư và KN, các ngành liên quan như thuế, tài nguyên và môi trường về thủ tục... nên tôi mạnh dạn chuyển lên DN. Tôi mong muốn tới đây tỉnh sẽ hỗ trợ DN giải pháp mới về xử lý ô nhiễm môi trường cũng như kinh phí đầu tư DN. Trước nay, DN có áp dụng nhiều công nghệ xử lý nhưng chưa hiệu quả, còn gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Nếu được hỗ trợ, tôi sẽ đầu tư thêm 6 lò đốt than, nâng tổng số lò đốt của DN lên 13 lò”. 

Theo yêu cầu của DN, mới đây, Trung tâm đã phối hợp các ngành tổ chức đoàn khảo sát, tư vấn đến tại cơ sở sản xuất của chị Tuyền. Qua lắng nghe ý kiến của DN, bà Trần Thị Xuân Duyên - Phó giám đốc Trung tâm tư vấn: DN xây dựng đề án xử lý môi trường, trình bày cụ thể phương án đầu tư và hợp đồng với đơn vị thực hiện công nghệ xử lý. Khi đề án được cơ quan chức năng đánh giá, thẩm định, Trung tâm sẽ kết nối ngân hàng hỗ trợ vốn vay cho DN. 

Trung tâm cũng đã kết nối chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, giảng viên Trường Đại học Kinh Tế TP. Hồ Chí Minh gặp gỡ, tư vấn các dự án KN. Với dự án sản xuất đất sạch từ nguyên liệu chính là mụn dừa, trùn quế, tại xã Phú Hưng, TP. Bến Tre, Tiến sĩ tư vấn cho anh Phan Gia Thịnh - chủ dự án cách xây dựng một dự án KN mang tính khả thi cao nhằm giúp dự án dễ dàng tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng thương mại trong tỉnh. Với dự án này, bà Trần Thị Xuân Duyên cho biết, dự án đất sạch của Phan Gia Thịnh có tính khả thi cao nhưng cần hoàn thiện theo hướng dẫn để được kết nối ngân hàng tiếp cận vốn. Được biết, khái toán tổng mức đầu tư dự án sản xuất đất sạch gần 4 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục: nhà lưới, kho chứa, khu sản xuất trùn quế, xưởng sản xuất đất sạch, khu trưng bày sản phẩm, văn phòng… 

Tư vấn cần tham khảo

Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền cho rằng, trong hình thành ý tưởng và xây dựng dự án KN, người KN phải xác định và phát huy cho được các lợi thế nội tại và nhìn thấy, tận dụng được cơ hội bên ngoài. Đối với ý tưởng kinh doanh, người KN phải nhìn thấy được đối tượng khách hàng. Sản xuất sản phẩm gì, công nghệ sản xuất nào cho ra sản phẩm hiệu quả cao, bán thế nào, cách đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng… Bước tiếp theo, xây dựng kế hoạch kinh doanh, gồm hai phần: phần thứ nhất, đánh giá tính khả thi của dự án về mặt pháp lý, điều kiện kinh doanh, chính sách ưu đãi. Phần thứ hai, chọn vị trí đầu tư cho phù hợp (dễ sản xuất, nhân công, xử lý môi trường…), công tác quản lý điều hành bộ phận kinh doanh (cần bao nhiêu người, trình độ chuyên môn). Kế đến tính toán về hiệu quả tài chính. Toàn bộ ý tưởng kinh doanh cần đầu tư bao nhiêu tiền (máy móc, thiết kế nhà xưởng, vốn lưu động, doanh thu hàng năm, chi phí hàng năm, dòng tiền ròng, đối chiếu với vốn đầu tư để biết lời, lỗ). 

Điều quan trọng của người KN là bước phân tích rủi ro. Khả năng lường trước được nhiều biến cố, rủi ro và với mỗi biến cố có giải pháp xử lý, tránh né, giảm thiểu, chấp nhận... sẽ giúp quá trình KN gặt hái nhiều thành công hơn. Điều này giúp đánh giá tính khả thi cho một dự án. Hiện nay, các ngân hàng thương mại hoặc các nhà đầu tư sẽ cho vay hoặc góp vốn hay không là chủ yếu đánh giá tính khả thi của dự án ở bước này.

Khi dự án có tính khả thi, người KN lên kế hoạch triển khai, chuẩn bị 4 điều cơ bản: tổ chức và pháp lý; tập hợp đội ngũ, đào tạo huấn luyện kỹ năng; xây dựng quy trình hướng dẫn thực hiện các công việc; lên kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất, nhà xưởng. Đặc biệt, khâu xây dựng cơ sở vật chất, trang bị máy móc, thiết bị theo khả năng tài chính hiện có. Kế đến, chuẩn bị tốt công tác marketing. Nguyên tắc khởi nghiệp: nhỏ trước, lớn sau. Thí điểm trước, nhân rộng sau. 

Nói thêm về hoạt động hỗ trợ, bà Trần Thị Xuân Duyên cho rằng: Nếu người KN không viết được dự án, Trung tâm sẽ viết thay cho người KN. Đối với những dự án cần chuyên gia về kỹ thuật, xử lý chất thải, lĩnh vực môi trường, khoa học công nghệ, Trung tâm sẽ làm giúp người KN, DNKN trực tiếp gặp gỡ chuyên gia ở lĩnh vực đó để được hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật, quy trình sản xuất.

Lưu ý, người KN nên đến Trung tâm Xúc tiến đầu tư và KN, thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư để được tư vấn, hướng dẫn cụ thể và được hỗ trợ tối đa các điều kiện để KN, thành lập DN.

 

 
  • Nhiên Luận
LIÊN KẾT
FANPAGE